Giáo dục đạo đức lối sống qua những câu chuyện về Bác Hồ

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua những câu chuyện về Bác Hồ là cách mà các trường tiểu học tại TPHCM đẩy mạnh.

Giáo dục đạo đức lối sống qua những câu chuyện về Bác Hồ

Độc đáo mô hình nhà sàn “Tự hào Việt Nam có Bác”

Năm học 2022-2023, cô Ngô Thụy Nam Phương và cô Đặng Bích Trâm, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) đã tìm hiểu và thiết kế mô hình nhà sàn với tên gọi “Tự hào Việt Nam có Bác”. Mô hình đã tái hiện lại nơi ở lâu nhất của Bác, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Theo chia sẻ của cô Phương, thời gian qua, nhiều giáo viên cũng đã rất trăn trở làm sao có thể tích hợp không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào nội dung chương trình giảng dạy lớp một cách đơn giản, thu hút và tạo động lực cho học sinh học tập, noi theo.

Sau quá trình tìm hiểu, cô Phương cùng đồng nghiệp đã chọn chủ đề Trung thu, một nội dung mà sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và có những bài thơ rất đỗi giản dị và dễ hiểu, dễ thuộc, trong đó chan chứa tình yêu thương của Người dành cho các cháu thiếu nhi, để thực hiện việc tích hợp trong giảng dạy.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thích thú với mô hình nhà sàn “Tự hào Việt Nam có Bác”.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thích thú với mô hình nhà sàn “Tự hào Việt Nam có Bác”.

Từ đó cô Phương và cô Trâm đã cùng nhau dựng, tái hiện mô hình nhà sàn trong quần thể Khu di tích Phủ Chủ tịch (nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2009).

Cô Phương cho biết, mô hình này sẽ giúp học sinh mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống của Bác Hồ, nơi đây sẽ là không gian trưng bày những bài thơ Bác viết nhân dịp Trung thu được thiết kế thành những quyển sách mini nhằm giúp học sinh cảm nhận sâu sắc tình yêu thương dạt dào Bác dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó học sinh sẽ phát huy được các năng lực đặc thù trong môn Tiếng Việt như: năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học và phẩm chất yêu nước, nhân ái.

“Đặc biệt, khi dạy đến bài vần an, giáo viên có thể sử dụng mô hình để mở rộng vốn từ cho học sinh. Cùng với đó học sinh được quan sát các vật thật, rút ra được các từ như: nhà sàn, đàn cá, vạn tuế, bàn ghế,... Từ đó giáo viên có thể mở rộng giới thiệu thêm về nhà sàn, nơi ở lâu nhất của Bác, nơi gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước”, cô Phương chia sẻ.

Còn theo cô Trâm, mô hình với mong muốn truyền đạt những kiến thức về đất nước, đồng thời phát triển phẩm chất yêu nước cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ, để các em nuôi dưỡng tình yêu cao cả, để mai sau có thể giúp ích cho đất nước.

Đặc biệt, ngoài giúp học sinh có thể học vần, phân môn Tiếng Việt, mô hình còn có thể áp dụng “Học thông qua chơi”, giáo viên sẽ thiết kế những nhiệm vụ giấu ở các vị trí khác nhau, học sinh sẽ khám phá kho báu, giúp các em thêm hứng thú với bài học. Ngoài ra, học sinh, còn thể hóa thân là hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về những gì các em biết về nhà sàn nơi Bác ở.

Mô hình có thể gập lại thành hình hộp chữ nhật vận chuyển dễ dàng.

“Thông qua mô hình học sinh sẽ học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua những việc rất đơn giản. Đồng thời giáo dục thêm cho các em lòng yêu quê hương đất nước và lối sống nhân ái, nghĩa tình cũng như giúp cho học sinh có thêm nhiều kiến thức về văn hóa-xã hội, góp phần nâng cao vốn sống”, cô Trâm cho hay.

Tăng cường giáo dục lòng nhân ái

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng học sinh nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã biết học theo tính tiết kiệm của Bác qua mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo”. Việc làm này không chỉ phát huy đức tính tiết kiệm mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ với bạn bè.

Học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Hai thu heo đất giúp đỡ bạn nghèo.

Học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Hai thu heo đất giúp đỡ bạn nghèo.

Tại Trường tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” đã được triển khai nhiều năm nay. Theo đó, hàng năm, tại lễ khai giảng năm học mới, ban giám hiệu nhà trường đều phát động mô hình ý nghĩa này.

Cụ thể, mỗi lớp sẽ nhận nuôi một chú heo đất, hàng tuần, học sinh nào có điều kiện thì sẽ tiết kiệm tiền để cho “heo ăn”, việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Đến tháng 12 hàng năm liên đội trường sẽ tổ chức “Ngày hội thu heo đất” để lấy tiền giúp đỡ các bạn nghèo trong lớp mình.

Thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Hai chia sẻ, thời gian qua nhà trường thường xuyên vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào và truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam cho học sinh. Từ đó giúp các em có ý thức tiết kiệm và tinh thần giúp đỡ bạn nghèo vượt khó.

Đặc biệt, mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” đã giúp học sinh sớm hình thành ý thức tiết kiệm, hiểu được truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Các em biết thương yêu, đoàn kết, biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè, nhất là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn.

“Hàng năm, liên đội trường phát động vào đầu năm học và tổ chức hội thu để chăm lo cho các em vào dịp Tết Nguyên đán. Số tiền thu được sau mỗi năm học từ mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” tuy chưa nhiều nhưng điều quan trọng nhất là từ hoạt động giàu tính giáo dục này đã giúp các em biết chia sẻ, giúp đỡ người khác, góp phần giáo dục nhân cách cho thế hệ măng non. Ban giám hiệu cũng như các thầy cô trong Trường Tiểu học Phạm Văn Hai cảm thấy vui mừng khi các em hiểu được ý nghĩa và thực hiện hiệu quả phong trào này”, thầy Hữu cho hay.

Trường tiểu học Phạm Văn Hai tặng quà Tết cho học sinh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2023.

Trường tiểu học Phạm Văn Hai tặng quà Tết cho học sinh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2023.

"Mỗi dịp Tết Nguyên đán, Trường Tiểu học Phạm Văn Hai tổ chức vận động học sinh trong trường ủng hộ quà Tết với nhiều phong trào như: Nụ cười hồng “giúp bạn vui Tết”, kế hoạch nhỏ phát động học sinh thu gom sách báo cũ và chai nhựa giúp các bạn khó khăn vui Tết,… Các phong trào đã phát huy tinh thần tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tăng cường sự chia sẻ, tương trợ lẫn nhau giữa các đội viên, học sinh, nhi đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhà trường đã hỗ trợ 20 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (200.000/phần)", thầy Hữu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.