Gắn đào tạo nghề với ổn định sinh kế cho lao động nông thôn

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục nghề nghiệp vẫn đang là “vùng trũng” so với các bậc học khác.

Lao động nông thôn cần được nâng cao kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế. Ảnh minh họa
Lao động nông thôn cần được nâng cao kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế. Ảnh minh họa

Vì vậy, nếu chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, mà coi nhẹ đào tạo nghề thì việc giảm nghèo sẽ không bền vững.

GDNN chưa sử dụng hết công năng

Ông Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh Quảng Bình cho rằng: Để Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả, cần phải cân đối bố trí kinh phí hợp lý giữa đề án và tiểu đề án.

Theo ông Minh, tiểu đề án về giáo dục nghề nghiệp và giám sát đánh giá được bố trí kinh phí cao. Trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người luôn sẵn có.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa sử dụng hết công năng, nên đầu tư nhiều sẽ gây lãng phí. Trong khi công tác giảm nghèo bền vững đáng lẽ phải được ưu tiên đối với xây dựng mô hình tạo sinh kế cho người dân.

Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Minh cho rằng chưa thực sự hiệu quả.

“Còn nhiều vấn đề cần phải xem lại, đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm và thu nhập ổn định sau quá trình đào tạo nên đã gây ra không ít lãng phí. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo phải có sự tính toán, rút kinh nghiệm sâu sắc về sự kiện tốt hơn trong thời gian tới” – ông Trần Quang Minh nêu.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho rằng, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm. Từ đó, họ có thể tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững.

Theo bà Dung, cần ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh các chương trình phát triển dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo, vùng nghèo cần đặc biệt quan tâm đào tạo nghề chính quy dài hạn. Nhất là đào tạo nghề chất lượng cao để phát triển bền vững.

GDNN vẫn là “vùng trũng” so với bậc học khác

Bà Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, tờ trình của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đều không có nội dung đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao.

Bà Dung cho rằng, cần chú trọng đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao. Đội ngũ này sẽ góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững và phát triển đất nước.

Muốn vậy, bà Dung kiến nghị cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung và bố trí vốn đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao.

“Đề nghị bố trí vốn cho chương trình đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao trong cả nước theo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bởi, theo báo cáo của Chính phủ hiện nay chỉ có 3 trung tâm quốc gia về đào tạo nghề chất lượng cao của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội” – bà Dung nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung cũng đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề ngoài công lập phát triển. Từ đó góp phần quan trọng vào nguồn lực đào tạo nghề và đào tạo nghề chất lượng cao.

Đồng thời, đề nghị các ngành, các địa phương cần chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động có tay nghề gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này làm căn cứ cho việc đào tạo nghề phù hợp của từng vùng.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đa chiều, bao trùm trong thời kỳ mới. Đồng thời là một trong những nhân tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững.

Bà Dung cũng cho biết, nhìn nhận một cách khách quan, giáo dục nghề nghiệp vẫn đang là “vùng trũng” so với các bậc học khác. Đối tượng người học bao gồm học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT và người lao động. Đối tượng này chủ yếu đến từ địa bàn nông thôn, có mức sống trung bình. Trong đó có rất nhiều người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đây là nòng cốt của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động.

“Đối tượng này cũng là lực lượng sản xuất trực tiếp cho phát triển đất nước. Do đó, ngân sách Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng, chủ yếu mới có thể thu hút được người học” – bà Dung nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, mà coi nhẹ đào tạo nghề thì việc giảm nghèo sẽ không bền vững. Bởi lẽ, nước ta đã dành 74% vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhưng kết quả giảm nghèo không đạt như mong muốn.

Theo nhiều chuyên gia, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần xem lại. Đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm ổn định sau quá trình đào tạo nghề. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo phải có sự tính toán, rút kinh nghiệm sâu sắc để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, đã trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí. Từ tiêu chí lương thực đối với một quốc gia nghèo những năm 1993, đến áp dụng giá cả, thu nhập mức sống tối thiểu. Còn giai đoạn hiện nay là áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 1 - 1,5%/năm. Trong khi đó chuẩn nghèo đã nâng lên hơn 2 lần. Tư duy giảm nghèo đang tiếp cận theo hướng Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt, người dân hộ nghèo là chủ thể.

Giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, giai đoạn này chúng ta phải lo vừa giảm về tỷ lệ nhưng phải quan tâm giảm nghèo thực chất, bền vững. Giảm nghèo bao trùm là xóa đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.