Anh chia sẻ: “Tôi không nghĩ thương mại giết chết sự sáng tạo mà ngược lại nếu thương mại được làm đúng cách, đi đúng hướng thì sẽ làm cho sự sáng tạo thăng hoa hơn rất nhiều”.
Theo anh, trong kinh doanh, sáng tạo và thương mại có nhất thiết ‘đi cùng nhau’?
Dzũng Yoko: Sáng tạo và thương mại luôn phải gắn kết với nhau và là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một thương hiệu.
Tôi tin chắc các bạn đều thuộc nằm lòng câu "cơm áo không đùa với khách thơ", một thương hiệu, hay một nhà thiết kế mà chỉ đắm mình trong công việc sáng tạo mà không màng đến tính thương mại của sản phẩm thì thật sự rất khó để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Đây cũng là điều các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang hay sáng tạo cần để ý.
Phần lớn các bạn trẻ khởi nghiệp thời trang thường gặp khó khăn để giữ sáng tạo và thương mại luôn song hành khi phát triển doanh nghiệp, anh có thể chia sẻ thêm về điều này không?
Tôi luôn dành một sự trân trọng cho những con người làm công việc sáng tạo, nghệ thuật mà có thể khéo léo kết hợp hai yếu tố nhạy cảm đó một cách hoàn hảo lại với nhau, họ vượt qua cái tôi của chính mình, mở ra một tầm nhìn mới. Tuy nhiên, nếu các bạn chỉ làm mọi việc nghệ thuật vì nghệ thuật, sáng tạo vì sáng tạo thì thật khó để đưa tên tuổi đi xa hơn, hay các thương hiệu có thể phát triển lớn hơn.
Bản thân tôi cũng thuộc kiểu người e dè, ngần ngại mỗi khi tự bắt mình mang sự sáng tạo vào bất cứ một dự án thương mại nào nhưng dần tôi nhận ra đó là một thử thách vô cùng thú vị mà tôi muốn được chinh phục. Tôi mong chờ trong sự kiện sắp tới có thể chia sẻ và bàn luận cùng các bạn trẻ khởi nghiệp về ‘bài toán hóc búa’ này.
Với kinh nghiệm hơn 7 năm làm việc trong lĩnh vực thời trang, anh suy nghĩ như thế nào về thị trường kinh doanh thời trang hiện nay?
Thị trường thời trang Việt Nam hiện nay khá sôi động với sự ra đời của những thương hiệu Việt cũng như sự tấn công ồ ạt của các thương hiệu nước ngoài. Đặc biệt, sự phát triển của thời trang Việt Nam những năm gần đây cũng có nhiều tín hiệu đáng mong đợi. Sự ra đời của nhiều thương hiệu Việt, nhà thiết kế Việt với những sắc màu riêng đã góp phần thay đổi quan niệm của người Việt Nam về tiêu dùng thời trang.
Rất nhiều các khách hàng cảm thấy tự hào khoác lên mình trang phục của các NTK Việt khi kết hợp phụ kiện của các thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Đối với họ, việc lựa chọn một thương hiệu Việt cũng là cách khẳng định thẩm mỹ, cái tôi, cái "chất" của riêng mình.
Những chuyển biến tích cực, tiến bộ nhưng song song đó là những hạn chế, khó khăn, trong kinh doanh luôn thách thức những người làm thời trang tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra cho các bạn trẻ khởi nghiệp vẫn là làm cách nào mà sản phẩm hợp thị hiếu khách hàng nhưng vẫn mang cá tính riêng nhãn hàng?
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Gặp gỡ Dzũng Yoko tại sự kiện dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
“Thương mại hóa thời trang” hay “Thời trang hóa thương mại” hay là cả hai? Câu trả lời sẽ có trong sự kiện Power Talk tháng 9.
Link đăng kí tham dự chương trình: http://bit.ly/2wqeO0w