Khởi nghiệp: Cần trang bị kiến thức từ môi trường phổ thông

Để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp start-up không chỉ có cảm hứng, niềm đam mê mà cần phải có sự chuẩn bị, tích tụ kiến thức và những kỹ năng mềm ngay từ môi trường phổ thông.

Quá trình nuôi dưỡng ước mơ, ý tưởng cũng phải được ươm mầm song song với quá trình tiếp nhận kiến thức từ môi trường giáo dục.
Quá trình nuôi dưỡng ước mơ, ý tưởng cũng phải được ươm mầm song song với quá trình tiếp nhận kiến thức từ môi trường giáo dục.
Chuẩn bị hành trang “từ gốc”

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách dành cho khởi nghiệp và xem chương trình khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đang trong thời kỳ phát triển và đã tạo được niềm đam mê trong giới trẻ.

Tuy nhiên, trước đây chúng ta luôn cho rằng chỉ có trường đại học mới là môi trường tạo ý tưởng, trang bị kiến thức cho những người khởi nghiệp bởi chỉ có tại đây mới tiếp thu, tiếp nhận kiến thức, ươm mầm ý tưởng, chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ vươn ra thế giới rộng lớn.

Trong khi đó, thực tế từ các chương trình khởi nghiệp trong thời gian qua đã cho thấy, ý tưởng, kiến thức và cả vốn chỉ là điều kiện “cần” cho DN start-up thành công. Trong điều kiện thế giới đã phát triển như hiện nay thì nền tảng kiến thức về kinh doanh, tài chính, các kỹ năng mềm phải được truyền đạt trong cả một quá trình tạo nên hệ thống tư duy của người tiếp nhận. Đặc biệt, quá trình nuôi dưỡng ước mơ, ý tưởng cũng phải được ươm mầm song song với quá trình tiếp nhận kiến thức từ môi trường giáo dục. Những yếu tố đó mới hội tụ điều kiện đủ cho các start-up thành công.

Minh chứng cho những phân tích trên, TS. Nguyễn Trung Dũng cho biết, hằng năm ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 4.000 sinh viên ra trường và khoảng 1% trong số sinh viên đó (khoảng 40 sinh viên) thành lập các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 trong số đó (khoảng 13 công ty) “sống” được sau 3 năm.

Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp tại TPHCM, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng cho biết, mặc dù bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn đang dần hình thành nhưng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn sơ khai. Hiện tại, Thành phố có khoảng 1.800 DN start-up, trong đó có 834 DN tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp (chiếm 42%), còn lại thì đang hoạt động tự phát và đứng ngoài.

Do thiếu định hướng nên các DN start-up khởi nghiệp thành công cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%. Hầu hết DN start-up có tuổi đời khoảng 1 năm, quy mô nhỏ lẻ và khả năng tăng trưởng không cao, vốn đầu tư thấp và hoạt động gọi vốn còn nhỏ lẻ so với start-up trong khu vực.

Nguyên nhân của hoạt động khởi nghiệp chưa thực sự có kết quả cao chính là do ngoài ý tưởng, ngoài ước mơ, những DN start-up chưa thực sự được trang bị, tích tụ những kiến thức về kinh doanh, tư duy tài chính, kỹ năng mềm….

“Có nghĩa là lâu nay chúng ta đang quan niệm và chuẩn bị khởi nghiệp là từ cấp độ đại học (mới hái từ ngọn) là quá muộn. Chuẩn bị hành trang từ gốc, tức là khơi nguồn cảm hứng, trang bị kiến thức cho học sinh từ bậc phổ thông mới là lời giải căn cơ và hiệu quả cho bài toán khởi nghiệp”, TS. Nguyễn Trung Dũng khẳng định.

Trang bị kiến thức để tạo nền tảng cho khởi nghiệp thành công

Mới đây, Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục với hệ thống giáo dục gồm hơn 30 cơ sở đào tạo với trên 30.000 học sinh, sinh viên đã tiên phong trong việc đưa chương trình giáo dục kỹ năng về tư duy tài chính, định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp đến với học sinh đang theo học trong các hệ thống giáo dục của Tập đoàn này nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung. Các kỹ năng và kiến thức này sẽ giúp học sinh, sinh viên nuôi dưỡng mơ ước khởi nghiệp của mình ngay từ nhỏ, từ đó thành công trong quá trình hội nhập quốc tế.

Theo đó, NHG đã ký kết hợp tác với Tổ chức Junior Achievement (JA) Vietnam, tiên phong đưa mô hình start-up vào trường học một cách bài bản và có hệ thống qua chương trình “Kiến tạo Doanh nhân trẻ”, gồm các khóa học có cấp chứng chỉ của JA cho các khối lớp từ mầm non đến phổ thông trung học. Mỗi khóa học đều trang bị cho học sinh về 3 mảng chính là tư duy tài chính, hướng nghiệp và khởi nghiệp.

Đáng chú ý, NHG là đơn vị đầu tiên triển khai một chương trình đào tạo mang tính hệ thống toàn cầu hóa, áp dụng cho các khối học từ mầm non đến hết cấp 3 nhằm giúp các em học sinh phát triển sự tự tin, tính tự lập, tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, cũng như các kỹ năng thiết yếu giúp các em thành công trong cuộc sống như kỹ năng lập kế hoạch tài chính cho tương lai, quản lý rủi ro, lựa chọn và ra quyết định…

Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo, Tổng Giám đốc NHG cho biết, nhận thấy tầm quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh có đầy đủ thái độ, kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu nên NHG đã xem việc đem lại những cơ hội học tập tốt nhất cho các em học sinh trong hệ thống giáo dục của Tập đoàn, hỗ trợ các em trong việc định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh đáp ứng với nhu cầu mới của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay là mục tiêu trong quá trình hoạt động của mình.

Được biết, JA là tổ chức hàng đầu thế giới cung cấp chương trình giáo dục cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông về kinh doanh. Tại Việt Nam, JA Vietnam đã tiếp cận hàng chục nghìn học sinh trên cả nước, mang đến nhiều chương trình đào tạo có giá trị thực tế và hữu ích cho thế hệ trẻ, đồng thời trang bị cho các em kiến thức về nghề nghiệp cũng như các khái niệm về tài chính thông qua những khóa học trải nghiệm và dựa trên kinh nghiệm thực tế.

“Với việc trang bị kỹ năng mềm như tư duy phản biện; giao tiếp-thuyết trình; hợp tác-làm việc nhóm; ý tưởng-sáng tạo và đặc biệt là kiến thức về quản lý tài chính cá nhân chắc chắn sẽ vô cùng hữu ích trong cuộc sống của các em hôm nay và ngày mai”, bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo nhấn mạnh.

Theo Báo Chính Phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ