Đừng gắn mác hoạt động trải nghiệm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lâu nay, việc đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm không xa lạ ở các nhà trường.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đây là hình thức tổ chức học tập hấp dẫn, góp phần giúp học sinh trải nghiệm thực tiễn đời sống gia đình, nhà trường, xã hội; có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú… Sau khi Hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung chính khóa bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục càng đẩy mạnh cơ hội để học sinh trải nghiệm ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, việc triển khai nảy sinh vấn đề khi có trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm mà chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số phụ huynh; huy động nguồn lực không đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn; đi trải nghiệm nhưng thiếu hoạt động giáo dục...

Ví dụ như một trường THPT ở Hà Nội bắt buộc tất cả học sinh khối 10 tham gia tìm hiểu quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Thiếu lý do chính đáng, học sinh không tham dự chuyến đi có phí này phải nhận điểm 0 ở 8 môn học. Hoặc một số trường trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) lên kế hoạch đưa học sinh tham quan, học tập dài ngày với mức phí từ 1 đến 1,5 triệu đồng khiến phụ huynh bức xúc…

Trước thực tế này, một số sở GD&ĐT nhanh chóng có động thái chấn chỉnh. Sở GD&ĐT Nghệ An, trong tháng 2/2023 đã ban hành văn bản nghiêm cấm các trường học lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, để thu tiền trái quy định và đồng loạt đưa học sinh đi tham quan, du lịch. Nội dung tương tự được Sở GD&ĐT Tuyên Quang quán triệt trong văn bản gửi các nhà trường ngày 17/3.

Sở này yêu cầu việc huy động nguồn lực tổ chức thực hiện phải đúng với Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn và các văn bản hiện hành. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ngày 20/3 cũng gửi văn bản yêu cầu các đơn vị giáo dục toàn thành phố rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp...

Có thể thấy, lý do nhiều trường triển khai chưa đúng có thể từ nhận thức chưa đầy đủ, hiểu chưa đúng tinh thần; nhưng cũng có trường hợp vì lợi ích kinh tế… Cần phân biệt rõ ràng việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm bắt buộc theo chương trình giáo dục.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) từng lưu ý điều này khi nhấn mạnh: Hoạt động trải nghiệm không có nghĩa là thu tiền của phụ huynh và đưa các em lên xe đi đến một nơi nào đó. Hoạt động trải nghiệm có trong mỗi bài học, cuối bài đều có phần phát triển năng lực cho học sinh. Các em có thể luyện tập ngay trong trường, qua cuộc sống xung quanh, liên hệ kiến thức đã học giải quyết vấn đề thực tế để biết tính ứng dụng của bài học. Các em cần phải viết báo cáo gửi giáo viên để tổng kết lại sau khi kết thúc quá trình trải nghiệm.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa chối bỏ việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường một cách cực đoan. Cần thấy rằng, đây vẫn là hoạt động bổ ích nếu được lên kế hoạch phù hợp về nội dung, mục đích, yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với đối tượng học sinh; huy động nguồn lực theo đúng quy định và bảo đảm an toàn cho người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.