Tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thế nào cho đúng?

GD&TĐ - Phân công giáo viên (GV), xây dựng kế hoạch và tổ chức các chủ đề trải nghiệm là nội dung cần được lưu ý để thực hiện đúng, hiệu quả...

Học sinh THPT hào hứng cùng trải nghiệm “Một ngày làm Dược sĩ” tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh minh họa.
Học sinh THPT hào hứng cùng trải nghiệm “Một ngày làm Dược sĩ” tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh minh họa.

Đa dạng hình thức tổ chức

Thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết: Nhà trường đã thành lập nhóm GV Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; lựa chọn GV có chuyên môn phù hợp theo các nội dung chủ đề. Nhóm trưởng là GV phụ trách công tác Đoàn, GV một số bộ môn đã từng thực hiện hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Nhóm xây dựng kế hoạch chung, phân công triển khai nội dung sinh hoạt dưới cờ, dạy học theo chủ đề hoặc hình thức sinh hoạt lớp. GV chủ nhiệm ngoài số tiết/tuần theo quy định, nếu tham gia dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệm được tính tiết chuyên môn riêng. Nhà trường cũng chú trọng đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động, nội dung kiểm tra đánh giá, thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Chia sẻ về triển khai Hoạt động trải nghiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Hoạt động Sinh hoạt dưới cờ (35 tiết) huy động tổng lực lượng nhà trường tham gia, có phân công phụ trách phù hợp từng nhiệm vụ theo khối lớp trong từng tuần/tháng.

Những trường có nhiều điểm lẻ, Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo nhà trường có giải pháp phù hợp khi xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng tuần/tháng để HS điểm lẻ được tham gia sinh hoạt dưới cờ như các bạn ở điểm trường chính (phần nghi lễ có thể kết hợp trực tuyến đến các điểm lẻ). Lãnh đạo nhà trường luân phiên trực tiếp tham dự sinh hoạt dưới cờ tại các điểm lẻ.

Sinh hoạt lớp (35 tiết) được phân cho GV chủ nhiệm thực hiện; quy mô nhóm, lớp, khối lớp. Hoạt động giáo dục theo chủ đề (35 tiết), tùy cơ sở giáo dục phân công cho Tổng phụ trách Đội, hoặc GV cơ bản thực hiện. Hoạt động câu lạc bộ chỉ tổ chức theo nguyện vọng của HS và cha mẹ HS, theo điều kiện thực tế của trường, không bắt buộc.

Lãnh đạo nhà trường chủ trì loại hình sinh hoạt dưới cờ với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: GV chủ nhiệm lớp, GV môn học, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, cha mẹ HS, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Tùy theo chủ đề, chủ điểm và phương thức tổ chức sinh hoạt dưới cờ để mời đối tượng ngoài nhà trường tham gia. Sinh hoạt dưới cờ bảo đảm yêu cầu 100% HS các khối lớp, từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ đều được tham gia.

Phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch phù hợp

Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các sở GD&ĐT về triển khai nhiệm vụ giữa kỳ năm học 2022 - 2023, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Qua theo dõi thực hiện chương trình, có thể thấy nhiều địa phương đã thực hiện cơ bản được theo công văn 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022 -2023.

Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tham gia trải nghiệm nghề thực tế tại Trường Cao đẳng Dầu khí. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tham gia trải nghiệm nghề thực tế tại Trường Cao đẳng Dầu khí. Ảnh: NTCC

Kế hoạch thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục được đơn vị xây dựng bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ hợp lý, khoa học. Riêng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, phân công GV đảm nhận các nội dung hoạt động được thực hiện cơ bản phù hợp với nội dung hoạt động đó. Thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã cơ bản phân định với nhiệm vụ của GV làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, việc phân công GV đảm nhận các chủ đề của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở một số trường còn chưa bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn. Còn giao GV chủ nhiệm đảm nhận “hình thức” sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp thay vì nội dung chuyên môn của chủ đề.

Trong khi đó, theo quy định của chương trình, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; với bốn loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp (không đồng nghĩa với các hình thức này trong hoạt động giáo dục tập thể theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006), Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành lưu ý: Phân công GV và tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần đúng theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Nhà trường xây dựng kế hoạch trong đó xác định cụ thể nội dung hoạt động và thời lượng thực hiện theo từng loại hình quy định trong chương trình.

Linh hoạt thời lượng dành cho hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp giữa các tuần; bảo đảm thực hiện nội dung hoạt động theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (được thể hiện trên thời khóa biểu) và tổ chức hoạt động giáo dục tập thể khác theo nhiệm vụ của hiệu trưởng, GV chủ nhiệm lớp và các thành viên khác theo quy định hiện hành.

“Với mỗi chủ đề, GV, tổ chuyên môn được phân công phụ trách cần xây dựng Kế hoạch thực hiện. Trong đó dành thời gian phù hợp cho HS được “trải nghiệm” những nội dung cụ thể theo “yêu cầu cần đạt” của chương trình trước khi bố trí thời gian (thể hiện trong thời khoá biểu) cho HS báo cáo, chia sẻ “kết quả trải nghiệm” của bản thân trong “quy mô nhóm”, “quy mô lớp học”, “quy mô khối lớp” hay “quy mô toàn trường” (theo hình thức phù hợp với nội dung).

Chẳng hạn với chủ đề “Hoạt động chăm sóc gia đình” ở lớp 6, yêu cầu cần đạt là: Thể hiện được sự động viên, chăm sóc người thân trong gia đình bằng lời nói và hành động cụ thể; Thể hiện được sự chủ động, tự giác thực hiện được một số công việc trong gia đình; Biết tham gia giải quyết một số vấn đề nảy sinh trong gia đình.

Với hoạt động này, GV cần xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động; trong đó giao nhiệm vụ cho HS “trải nghiệm” trong nhiều tuần, thậm chí cả năm học, để mỗi em phải tự xác định và thực hiện (bằng hành động cụ thể). Trong thời gian đó, bố trí cho HS báo cáo, chia sẻ ở một số thời điểm phù hợp. Như vậy, các chủ đề trải nghiệm cần được xây dựng kế hoạch và tổ chức đồng thời để HS có cơ hội trải nghiệm trong cuộc sống” - PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

“Sở GD&ĐT cũng lưu ý các trường xác định chủ đề sinh hoạt dưới cờ tuần/ tháng trong năm học cụ thể, chi tiết. Để xác định chủ đề sinh hoạt dưới cờ cho từng tháng và nội dung hoạt động từng tuần, trước khai giảng năm học, hiệu trưởng chủ trì cuộc họp cùng tổ trưởng chuyên môn, tổng phụ trách Đội… căn cứ các chủ đề trong sách giáo khoa hoạt động trải nghiệm, chủ điểm hoạt động của Đội, thời gian của từng tháng có ngày kỷ niệm… để lựa chọn chủ đề sinh hoạt dưới cờ cho mỗi tháng/tuần thống nhất trong toàn trường” - ông Nguyễn Ngọc Thái cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ