Không phủ nhận sức hút của những cơn mưa tuyết đối với giới trẻ Việt những ngày qua. Nhưng bên cạnh sự phấn khích là phản đối, chỉ trích khi nhiều người cho rằng, việc mong chờ tuyết rơi là ích kỷ, không nghĩ đến cuộc sống của bà con nơi đón nhận hiện tượng này.
Người hào hứng, kẻ phán xét
Ngay khi báo đài đăng tải thông tin về đợt lạnh sâu, dự báo tuyết rơi tại các tỉnh phía Bắc, nhiều bạn trẻ đã lên dây cót tinh thần, rủ nhau lên Sa Pa, Mẫu Sơn... ngắm tuyết với sự hào hứng, hiếu kỳ của tuổi trẻ.
Trong khi số đông thể hiện nhu cầu hưởng thụ cái đẹp, một bộ phận không nhỏ sử dụng mạng xã hội để chỉ trích, trách móc những người trẻ vô tâm, không nghĩ đến cuộc sống và sự khổ cực của người dân vùng có tuyết.
Trên Facebook, dễ dàng tìm ra những đoạn viết, dòng trạng thái như “Những người ở xa chỉ mong lạnh để ngắm tuyết rơi. Thời tiết như vậy, các em bé không có áo ấm mặc, người dân cũng khốn đốn vì hoa màu thất thu, trâu bò chết...", hay "Làm ơn đừng ai mong có tuyết nữa. Tuyết rơi là thảm cảnh ở nhiều bản làng đó ông trời ơi! Người dân vất vả quanh năm rồi. Hãy để họ có Tết được ấm cúng đi”...
Tuyết là cơ hội cho Sa Pa phát triển du lịch
Là một trong những người có mặt đầu tiên đón tuyết tại Sa Pa, Phan Anh (26 tuổi, sống tại Hà Nội) đã có những cảm nhận của riêng mình về vấn đề này.
Theo chàng trai, tuyết rơi là một trong những cơ hội giúp Sa Pa thu hút khách du lịch. Ngày tuyết rơi, lượng phòng nghỉ tại khách sạn, nhà trọ luôn trong tình trạng quá tải, giá cao. Do chủ động lên đón tuyết từ đêm đầu tiên, chàng trai may mắn đặt được phòng với giá hợp lý. Song bên cạnh đó, Phan Anh khá tốn kém trong việc chi tiêu ăn uống, đi lại.
Thu Vân - cô gái may mắn đón đợt tuyết bất ngờ tại Sa Pa - kể lại, là nơi được nhiều người biết đến nhưng vào mùa đông, địa điểm này thường vắng khách vì thời tiết giá lạnh.
“Những ngày đầu đặt chân đến Sa Pa, mình thấy lượng khách tại các khu du lịch và chợ khá ít. Song kể từ khi có thông tin tuyết rơi, mọi người lên đây tăng đột biến. Chỉ sau một đêm, phố xá tấp nập hơn rất nhiều. Khách đông, người dân bán hàng chạy, kiếm được thêm tiền. Vậy tại sao lại phủ nhận hiệu ứng mà tuyết đem lại?”- Vân bày tỏ.
Khá xót xa khi chứng kiến hình ảnh em bé bán hàng dưới trời giá buốt, nhiều du khách sẵn sàng mua hàng với mức giá cao hơn sản phẩm để các em có thêm thu nhập, nhanh chóng trở về nhà tránh rét.
Thanh Hải (27 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ: "Không ít người cũng tận dụng đặc thù của tuyết để kiếm tiền. Nhiều anh chàng bỏ công nặn hình người tuyết khá to chỉ để du khách chụp ảnh. Mỗi lượt là 10.000 đồng. Sau một buổi, số tiền họ thu về khá ổn. Mất hoa màu, nhưng họ cũng có thu nhập bù trừ từ cái khác mà?".
Hãy ngưng chỉ trích người trẻ
Trước quan điểm giới trẻ hiện quá vô tâm khi thể hiện sự phấn khích trước khắc nghiệt của thời tiết, Phan Anh bày tỏ, nhiều người cho rằng, các bạn trẻ thường nghĩ đến việc đi chơi hơn là giúp người nghèo.
Song với chàng trai, điều này xuất phát ở quan điểm từ mỗi người. Có người thích giúp đỡ người khác bằng vật chất, nhưng có người quan niệm chỉ cần trải nghiệm, ăn, ở, nói chuyện, chia sẻ cùng người địa phương đã là đáng quý. "Không nên đánh đồng ý thức của mọi người chỉ từ suy nghĩ cá nhân như vậy" - chàng trai nhận định.
Còn theo Thu Vân, trong những ngày ở Sa Pa, cô không chỉ được thưởng thức cái đẹp từ thiên nhiên, mà còn cảm nhận nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống khi chứng kiến khách du lịch sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ mua hàng cho người dân với mức giá cao hơn bình thường.
Thanh Hải cho hay, trong mỗi lần di chuyển, dù tài xế lấy đúng giá, chàng trai vẫn tự đưa thêm tiền vì nghĩ đến cảnh anh vất vả mưu sinh dưới tiết trời rét buốt.
Bên cạnh đó là những lời kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ bà con nơi đây. Khải Anh (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) từng không ngần ngại thể hiện lòng tốt của mình với người dân Sa Pa trước chuyến đi ngắm tuyết cùng bạn bè.
Trên trang cá nhân, nam sinh viết: “Các bạn ơi, nhân chuyến đi tới Sa Pa, mọi người xem ai có quần áo không mặc tới gom tặng mọi người ở vùng này nhé. Vừa đi chơi, vừa giúp đỡ người khác sẽ ý nghĩa hơn đó”.
Đồng quan điểm trên, nhóm ngắm tuyết của M.T cũng kêu gọi trên mạng xã hôi và quyên góp hơn 400 phần quà cùng hàng trăm chiếc áo rét gửi đến bà con vùng cao trong chuyến du lịch của mình.
Đừng quá lo lắng cho người Sa Pa
Là người 6 năm du học Nga - một trong những nơi khí hậu lạnh giá, tuyết rơi nhiều, Phan Anh cho rằng, không nên quá lo lắng cho bà con sống tại Sa Pa.
“Bản thân mình khi mới sang nước ngoài cũng khá sốc với nhiệt độ tại đó. Nhưng sau một thời gian, cơ thể tự thích nghi được với nền nhiệt này.
Bởi vậy, theo mình, người miền núi chịu lạnh nhiều nên cơ thể cũng sẽ lì hơn với giá rét. Sức chịu đựng của họ cũng tốt hơn những người chưa trải qua bao giờ.
Có thể nhìn vào các em nhỏ thiếu quần áo thấy xót xa, nhưng từ bao đời, người dân trên đó đi chân đất và mặc như vậy, họ vẫn mạnh khỏe đấy thôi" - chàng trai bày tỏ.
Hơn nữa, việc những du khách mong hay không mong cũng không thể quyết định việc tuyết rơi.
Theo Khải Anh, nhiều người có thói quen chỉ trích bất cứ hành động nào xảy ra trên mạng. "Ai chơi thì cứ chơi. Ai không muốn đi thì cứ ở nhà, làm việc gì bạn muốn và đừng đánh giá, phán xét hành động của người khác.
Các bạn trẻ đi chơi cũng góp phần khắc phục kinh tế cho người Sa Pa. Nếu tuyết rơi, không ai đi du lịch, thiệt hại hoa màu biết bù trừ từ đâu?" - chàng trai bày tỏ quan điểm.
Trước những tranh cãi trên mạng xã hội, tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) tỏ ra khá bất ngờ.
Bà nói: “Tôi ngạc nhiên khi số đông hùa vào chỉ trích giới trẻ. Họ còn trẻ. Họ thiệt thòi khi sinh ra tại vùng khí hậu nóng, hiếm có điều kiện nhìn thấy và chơi các môn thể thao với tuyết. Cớ sao lên án sở thích của họ? Giới trẻ không hào hứng, tuyết có ngừng rơi không?”.
Theo TS, việc tuyết rơi và khí hậu rét đậm, rét hại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tuyết rơi là một trong những cơ hội kiếm tiền theo cách khác cho người dân nơi đây.
“Mất hoa màu, người dân vẫn có thể kiếm thêm từ việc bán đồ ăn, quà lưu niệm cho khách. Trâu bò chết, họ có thể mổ và bán thịt. Sẽ không có vấn đề gì khi gia súc chết vì lạnh, chứ không phải chết bệnh. Bên cạnh đó, các bạn trẻ đi du lịch góp một phần lớn vào việc tiêu thụ, cải thiện đời sống của người dân trong những ngày này” - bà nói.
Về vấn đề trẻ em thiếu áo quần, TS Hương khẳng định, không có chuyện có đồ mà cha mẹ không cho các em mặc. Là người từng tham gia nhiều chuyến thiện nguyện, bà cho rằng, chỉ khi chúng ta tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn mới có thể cảm nhận đúng sự việc. Tuy nhiên, TS cũng đưa ra lời khuyên, không nên tình nguyện theo cách cho đi bừa bãi.
“Hãy liên hệ với hiệu trưởng, hiệu phó, người quản lý giáo dục nhờ họ tư vấn các em thực sự cần những thứ gì. Bởi hơn ai hết, họ là người hiểu hơn chúng ta về nhu cầu thiết yếu của các em. Là thiện nguyện, nhưng các bạn hãy giúp đỡ một cách thông minh, khoa học và thực sự có ích cho cuộc sống của họ” - bà chia sẻ.