Đức, Pháp bật đèn xanh, còn Mỹ thì chưa sẵn sàng

GD&TĐ - Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây đã công khai lên tiếng ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ nước Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz
Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Phát biểu trong buổi họp báo chung cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cung điện Schloss Meseberg ở Meseberg, miền đông nước Đức hôm 29/5/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Nếu Ukraine bị tấn công, nước này có thể tự vệ theo luật pháp quốc tế”.

Ông Scholz cũng cho biết, ông không phản đối về mặt pháp lý đối với Tổng thống Macron, người lập luận rằng, phương Tây “nên cho phép Kiev vô hiệu hóa các địa điểm quân sự… từ nơi… Ukraine bị tấn công”.

Politico ngày 29/5 dẫn một nguồn tin thân cận trong chính phủ Đức nói rằng, Thủ tướng Olaf Scholz hiện ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ nước Nga, bất chấp những lo ngại trước đó của ông về sự leo thang với Moscow.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Đức, Steffen Hebestreit, cũng xác nhận: “Berlin tin hành động phòng thủ của Kiev không chỉ giới hạn trong lãnh thổ của mình mà có thể còn được mở rộng sang lãnh thổ của đối phương”.

Ông Hebestreit từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những thỏa thuận mà Berlin đã đạt được với Kiev liên quan đến việc sử dụng vũ khí do Đức cung cấp.

Trong nhiều tháng, Đức đã từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine bởi lo ngại leo thang, và giải thích rằng, việc giao vũ khí này sẽ chỉ “có thể thực hiện được” nếu Berlin có thể tự xác định mục tiêu, điều này sẽ khiến nước này trở thành nước trực tiếp tham gia chiến sự.

Sự thay đổi quan điểm của Thủ tướng Đức về vấn đề này đã được xác nhận bởi một nguồn tin Politico thân cận với chính phủ Đức, người khẳng định rằng, ông Scholz “ủng hộ việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu bên trong Nga”.

Diễn biến này diễn ra sau khi một số nước NATO lên tiếng ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Lập trường này cũng được Tổng thư ký khối quân sự Jens Stoltenberg ủng hộ, người tuần trước đã kêu gọi các thành viên NATO “xem xét liệu họ có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đã đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí mà họ đã tài trợ cho Ukraine hay không”.

Tuy nhiên, Mỹ, nước ủng hộ chính của Kiev, cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng ký vào việc thay đổi chính sách.

Đồng thời, tờ New York Times tuần trước đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang thúc đẩy Nhà Trắng cho phép Ukraine tấn công trên đất Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng, các cuộc tranh luận ở phương Tây về việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga có thể gây ra sự leo thang, đồng thời khẳng định rằng, quân đội Nga đã chuẩn bị các biện pháp đối phó cho một kịch bản như vậy.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng, vũ khí của phương Tây đang được sử dụng tích cực để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự bên trong Nga.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.