“Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức công nhận nhà nước Palestine trong cuộc họp ngày hôm nay (28/5/2024)”, Ngoại trưởng Jose Manuel Albares tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, phát biểu trước thông báo công nhận chính thức nhà nước Palestine, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh rằng, quyết định này không phải là một cuộc tấn công vào Israel mà là vấn đề công lý lịch sử, nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine, và là điều kiện tiên quyết cho hòa bình trên thế giới.
Na Uy và Ireland lần lượt chính thức công nhận Palestine là một quốc gia cũng có hiệu lực vào ngày hôm nay (28/5).
"Đây là ngày đặc biệt trong quan hệ Na Uy - Palestine", Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nhấn mạnh, và cho biết thêm, Na Uy là một trong những nước ủng hộ nhà nước Palestine trong hơn 30 năm qua.
Trong khi đó, Ireland cũng chính thức công nhận nhà nước Palestine, nước này kêu gọi kết thúc xung đột Hamas – Israel để chấm dứt thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza.
Trước cuộc họp nội các, Thủ tướng Ireland Simon Harris cho rằng, đây là "thời điểm quan trọng" cho thấy cần có những hành động thiết thực để hướng tới giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel - Hamas.
Động thái ngoại giao này của ba nước châu Âu diễn ra vào thời điểm giao tranh căng thẳng ở Gaza, khi Israel tiếp tục hoạt động trên bộ tại thành phố biên giới Rafah.
Madrid tiết lộ ý định công nhận Palestine vào tuần trước trong một hành động phối hợp với Na Uy và Cộng hòa Ireland.
Israel cáo buộc ba quốc gia châu Âu này khuyến khích khủng bố.
Ngoại trưởng Israel, Israel Katz, cáo buộc Tây Ban Nha "đồng lõa kích động tội ác diệt chủng chống lại người Do Thái và tội ác chiến tranh" vì lập trường ngoại giao của nước này.
Ông Katz cho biết, chính phủ Israel sẽ không cho phép lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Jerusalem cung cấp dịch vụ cho người Palestine.
Israel đã chứng kiến sự hỗ trợ của phương Tây giảm dần trong những tuần gần đây, do số người chết ngày càng tăng trong cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Gaza, nơi do nhóm chiến binh Hamas kiểm soát.
Các nhà phê bình cho rằng, phản ứng của Israel đối với cuộc đột kích chết người do Hamas phát động vào tháng 10 năm ngoái đã gây ra tổn hại quá lớn cho dân thường, và có thể nhằm mục đích thanh lọc sắc tộc hơn là chống khủng bố, như chính phủ Israel tuyên bố.
Các nước phương Tây ủng hộ nhà nước Palestine đã ủng hộ Chính quyền Palestine, cơ quan được quốc tế coi là đại diện của người dân Palestine, nhưng lại là đối thủ của Hamas và chỉ kiểm soát một phần Bờ Tây.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề sẽ không cho phép thành lập một nhà nước Palestine đầy đủ chức năng.
Ông cũng bất chấp những lo ngại của nước ngoài về hoạt động ở Rafah, bao gồm cả lệnh cấm do Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc ban hành vào cuối tuần trước, ra lệnh cho Israel đình chỉ cuộc tấn công vào thành phố.
Chính phủ Israel tuyên bố hoạt động trên bộ của họ là cần thiết để loại bỏ Hamas.