Tên lửa Triều Tiên phát nổ trên biển Hoàng Hải

GD&TĐ - Triều Tiên mới đây thông báo đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 không thành công do tên lửa đẩy đã phát nổ trong không trung.

Tên lửa Triều Tiên tan thành từng mảnh trên biển Hoàng Hải
Tên lửa Triều Tiên tan thành từng mảnh trên biển Hoàng Hải

“Nỗ lực phóng tên lửa đẩy mới mang theo vệ tinh trinh sát quân sự mới nhất Malligyong-1-1 đã thất bại do vụ nổ giữa không trung của tên lửa trong lúc bay ở giai đoạn đầu sau khi nó được phóng lên từ Bãi phóng Vệ tinh Sohae trên bờ biển phía tây bắc Triều Tiên hôm 27/5”, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) ngày 28/5/2024 xác nhận.

Trước đó, truyền thông Triều Tiên đã chiếu hình ảnh chớp sáng trên bầu trời giống như một vụ nổ.

Quan chức này cho biết thêm, cuộc kiểm tra sơ bộ của các chuyên gia từ ủy ban chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên đã kết luận rằng, "tai nạn" là do độ tin cậy vận hành của động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng mới được phát triển.

Theo truyền thông Triều Tiên, các nguyên nhân khác dẫn đến sự cố cũng sẽ được xem xét.

Ngay sau vụ phóng, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nói rằng, tên lửa của Triều Tiên kết thúc với "nhiều mảnh vỡ" cho thấy vụ phóng vệ tinh đã gặp trục trặc.

JCS phát hiện tên lửa được phóng về phía nam qua Hoàng Hải từ khu vực Tongchang-ri ở phía tây bắc đất nước vào khoảng 22 giờ 44 phút (giờ địa phương) tối ngày 27/5/2024.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng, vật thể do Triều Tiên phóng đã biến mất trên Hoàng Hải, vùng biển phía tây bán đảo. "Những vụ phóng như vậy vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an, và là vấn đề nghiêm trọng liên quan tới an toàn của người dân chúng tôi", ông Hayashi nói.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho biết, họ đang đánh giá tình hình với sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.

“Chúng tôi biết về vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 27/5 của Triều Tiên, đây là hành vi vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực và hơn thế nữa”, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ viết.

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul, và tái khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã bất chấp những cảnh báo và chỉ trích quốc tế rằng, bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, bao gồm cả phương tiện phóng vào không gian, đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Bình Nhưỡng trước đó cho biết, họ đã thông báo cho Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh vào khoảng trước ngày 4/6/2024, và chỉ định ba khu vực nơi các mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống để đề phòng an toàn.

Triều Tiên đã lên kế hoạch phóng thêm ba vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo trong năm 2024 nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ không gian của nước này.

Vào tháng 11/2023, Bình Nhưỡng đã đưa thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo.

Theo Yonaps News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.