Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Đăng Duy - Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, hiện là du học sinh cao học tại Đại học Texas A&M (Hoa Kì).
Tạo môi trường sử dụng Ngoại ngữ nhiều hơn
Theo Đăng Duy, để sinh viên phát triển được kỹ năng này, các tổ chức như: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của nhà trường có thể tổ chức các hoạt động cho sinh viên, giúp sinh viên có môi trường sử dụng ngoại ngữ được nhiều hơn.
Chẳng hạn như: Thúc đẩy các cuộc thi bằng tiếng Anh trong tất cả các trường đại học, tạo ra những khu vực nói tiếng Anh vào một số thời gian cố định trong trường đại học, tạo ra những lớp dạy kỹ năng bằng tiếng Anh, tạo ra những hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên ở những cuộc thi này cần phải được cải tiến, phổ cập hơn cả về bề rộng lẫn bề sâu. “Có những ngành nghe rất khô khan như: Hóa học, Vật lý. Các bạn nói rằng học tiếng Anh giao tiếp để làm gì, các bạn cũng không hề thích nghe các bài hát tiếng Anh, vậy chúng ta cần tổ chức các cuộc thi tiếng Anh như thế nào?” – Đăng Duy đặt vấn đề.
Trên cơ sở đó Đăng Duy đề xuất, chúng ta cần ngồi lại với các bạn sinh viên, ở từng khối ngành sẽ có những cách thức tổ chức khác nhau, như những cuộc thi tiếng Anh với kiến thức chuyên ngành riêng cho từng ngành xác định.
Thứ hai là tạo ra khu vực nói tiếng Anh ở những khu vực nhất định trong những khoảng thời gian nhất định để thúc đẩy việc nói tiếng Anh.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ, chúng ta không chỉ học và biết về nó, mà cần phải sử dụng nó hằng ngày. Việc này cần sự chỉ đạo của Đoàn - Hội để có thể tạo ra những khu vực nói tiếng Anh.
Sử dụng nguồn lực tình nguyện viên quốc tế
Theo Đăng Duy, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực khác như là tình nguyện viên quốc tế từ các nước nói tiếng Anh bản xứ. Điều đó có thể giúp sinh viên Việt Nam phát triển được tiếng Anh và nâng cao sự tự tin của mình.
“Đang là du học sinh ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, em đã thấy được dự nhiệt tình của các bạn sinh viên, mong muốn đến các nước phát triển để có thể giảng dạy tiếng Anh.
Vấn đề là chúng ta cần tổ chức như thế nào để có thể đem mô hình này được nhân rộng ra” – Đăng Duy chia sẻ và đề xuất các trường đại học có thể kết nghĩa với nhau.
Cụ thể mỗi trường đại học của Việt Nam có thể kết nghĩa với một trường đại học khác, từ đó có thể đem sinh viên đến để giao lưu văn hóa trong thời gian ngắn hạn.
“Hiện tại trường đại học của em có làm việc với đại sứ quán Nhật và tạo ra một chương trình để các bạn sinh viên ở trường có thể đến Nhật và dạy tiếng Anh, đồng thời tham gia các hoạt động khác và chúng em đã rất thành công trong việc tổ chức các hoạt động này.
Vì vậy, theo em trước mắt chúng ta có thể thí điểm tại các trường đại học lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trước. Sau đó có thể nhân rộng ra tại các tỉnh thành khác” – Đăng Duy trao đổi.
“Một trong những hoạt động khác mà chúng ta cần đẩy mạnh đó là hoạt động giao lưu trao đổi văn hóa giữa sinh viên các nước. Với kinh nghiệm của mình khi đã tham gia các tổ chức phi chính phủ, chúng em đã từng tổ chức rất nhiều dự án như trại hè khởi nghiệp hoặc dự án nâng cao kiến thức về phòng chống HIV/AIDS.
Đã có rất nhiều bạn sinh viên nước ngoài đã cùng tham gia, qua đó, không những chúng em có thể học và nâng cao kỹ năng, kiến thức, giai lưu văn hóa trong khu vực ASEAN, đồng thời chúng em có thể tự tin hơn khi giao tiếp với người nước ngoài, nâng cao và phát triển kỹ năng tiếng Anh của mình”
Nguyễn Đăng Duy