Bác sĩ Trần Huỳnh tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Y Khoa ĐH New York tai Buffalo, Mỹ; là bác sĩ nội trúchuẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại học University of Florida; bác sĩ nội trú chuyên khoa nội tổng quát Bệnh viện St Joseph Mercy Health.
Anh từng đạt giải thưởng “Bác sĩ nội trú giảng dạy tốt nhất” tại Mỹ và sáng lập tổ chức Y khoa phi lợi nhuận VietMD.
Từ năm 2006 khi anh bắt đầu kết nối mạng lưới với các trường Y tại Việt Nam đến nay, bác sĩ Huỳnh Trần thấy rằng các bác sĩ trẻ và sinh viên y khoa ở Việt Nam giỏi nhưng còn bị hạn chế tiếp cận thông tin thực tế.
Bác sĩ Trần Huỳnh tư vấn cho người tham dự trong buổi nói chuyện.
Vượt qua xuất sắc kì thi USMLE
Kỳ thi chứng chỉ hành nghề y khoa tại Mỹ USMLE (United States Medical Licensing Examination) là cơ hội cho tất cả bác sĩ tốt nghiệp ngoài nước Mỹ muốn tìm kiếm cơ hội thực tập nội trú hay học chuyên khoa tại Mỹ.
Kỳ thi USMLE được đồng tổ chức bởi National Board of Medical Examiner (NBME) và Federation of State Medical Boards (FSMB). USMLE được chia làm 3 bước khác khau: USMLE Step 1, USMLE Step 2 Clinical Knowledge, USMLE Step 2 Clinical Skills, USMLE Step 3.
Tại Step 1, các thí sinh làm bài thi khoa học y khoa cơ bản trong 8 tiếng. Với Step 2 CK và Step 2 CS, thí sinh tiếp tục làm bài thi về kiến thức và kĩ năng lâm sàng. Mỗi bài thi diễn ra trong 8 tiếng. Cuối cùng, step 4 là kỳ thi dài nhất và kéo dài trong 2 ngày với 500 câu hỏi, kiểm tra tổng hợp tất cả các kiến thức về khả năng làm việc độc lập của bác sĩ.
Bác sĩ Huỳnh cho biết, để vào được nội trú, các bác sĩ cần phải thi đậu vòng 1,2 và với điểm số càng cao càng tốt. Các kỳ thi USMLE được xem là thước đo chất lượng của một bác sĩ. Vì vậy, kết quả càng cao thì khả năng được chọn vào chuyên ngành khó càng nhiều.
Buổi nói chuyện thu hút nhiều sinh viên trẻ ngành Y khoa tham dự.
Vượt qua được kì thi nhưng thời gian trung bình để trở thành một bác sĩ chuyên nghiệp với giấy phép hành nghề là 11 – 15 năm đào tạo.
Khoảng thời gian trên thường bao gồm 4 năm đào tạo cử nhân, 4 năm học y khoa và cuối cùng là 3 – 7 năm tham gia chương trình bác sĩ nội trú tại các bệnh viện.
“Theo thống kê, ở Mỹ, 83% sinh viên Y khoa nợ trường khoản học phí 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ) thậm chí là nhiều hơn.
Nghề y sau này khi trở thành nội trú thì Chính phủ sẽ trả lương. Theo luật của Liên bang, họ ưu tiên trả lương cho bác sĩ là công dân Mỹ hoặc có thường trú tại Hoa Kì.
Thế nên, trả nợ cho việc học đã rất mất thời gian và việc kiếm nhiều tiền vì thế càng lâu hơn. Nếu muốn làm giàu thì đừng theo nghề bác sĩ!”, bác sĩ Trần Huỳnh chia sẻ.
Muốn chữa bệnh, phải chăm sóc cho chính mình trước
Áp lực công việc và trách nhiệm của một bác sĩ cực cao, tuy nhiên, tại xứ cờ hoa, làm việc trong lĩnh vực này lại càng khó khăn hơn.
Bác sĩ 8X gốc Việt nói: “Cùng mọi người chiến đấu với bệnh tật, phòng bệnh và hồi phục sức khỏe con người thì bản thân bác sĩ phải khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Là bác sĩ, trực tiếp gắn bó với người bệnh, chịu đựng nỗi đau, chịu đựng cái mất mát của gia đình họ, trở thành một phần của cuộc đời người bệnh, bác sĩ phải luôn lạc quan và trong tâm thế sẵn sàng.
Khi mình mệt, mình không muốn tiếp xúc với một người mệt như mình. Vì vậy, bác sĩ phải chăm sóc cho chính bản thân trước khi nghĩ đến việc chữa trị cho người khác”.
Bác sĩ Trần Huỳnh kết luận, nghề Y tại Mỹ chọn người kỹ càng và vô cùng vất vả, cần sự cống hiến cho cộng đồng nhưng giá trị của ngành Y rất lâu dài. Những điều bạn học về y khoa sẽ giúp đỡ rất nhiều cho chính bạn và những người xung quanh.