Cảm thụ văn học

Đọc 'Nguồn sáng diệu kỳ' của Đoàn Hải Hưng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đoàn Hải Hưng vốn là thầy giáo dạy Văn có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ,

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962. Ảnh: TL

Đoàn Hải Hưng vốn là thầy giáo dạy Văn có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… Sau tập thơ “Hoa phượng” (1976) và “Một thời hoa lửa” (2014) khắc ghi dấu ấn quãng thời gian ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ gây ấn tượng với người đọc, tập thơ “Nguồn sáng diệu kỳ” (8/2023) tiếp tục mang đến những cảm nhận sâu sắc.

Đẹp nhất tên Người

Tập thơ “Nguồn sáng diệu kỳ”, với 68 bài thơ, chia hai phần, phần thứ nhất có tên “Đẹp nhất tên Người” gồm 16 bài và phần thứ 2 “Những tấm gương bình dị mà cao quý” gồm 52 bài. Tập thơ hấp dẫn người đọc ngay từ nhan đề và cách chia bố cục. Nhan đề “Nguồn sáng diệu kỳ” vừa thực, vừa ảo. Thực khi ta liên tưởng “nguồn sáng” là ánh sáng có nơi phát khởi và có sức sống lâu bền; diệu kỳ là sự đánh giá, tôn vinh ở tầm vĩ mô. Điều đó hoàn toàn tương xứng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân mà cuộc đời đã đi vào huyền thoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, là Anh hùng dân tộc, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nói về Bác, thế giới từng ngợi ca như một nhân vật huyền thoại, cho dù sự giản dị của Người thì khắp bốn bể năm châu đều khâm phục và hậu thế luôn lấy làm gương sáng muôn đời.

Viết về Bác là đề tài khó. 16 bài thơ là tâm huyết, là tình cảm sâu sắc mà tác giả dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viết về Người phải làm sao để không “nương theo cái bóng của người khác”, không dẫm lên bước chân người khác và lại phải thể hiện được nét riêng của mình. Và, Đoàn Hải Hưng đã làm được điều đó qua 16 bài thơ xinh xắn. Mở đầu tập thơ là bài “Đẹp nhất tên Người”. Nhan đề không mới lạ bởi “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” là một chân lý; bởi thơ và nhạc đã chuyển tải nội dung này khá phong phú. Âm hưởng lời thơ qua nhạc phẩm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường có sức sống lâu bền, có sự ám ảnh và dư vị ngọt ngào, đằm sâu trong tâm trí công chúng yêu nhạc, yêu thơ. Đây là một ca khúc nổi trội nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trần Kiết Tường và là một trong những ca khúc hay nhất ngợi ca sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức và nhân cách sáng ngời của Bác. Từ ca khúc hấp dẫn đó, tác giả Đoàn Hải Hưng đã viết thành bài thơ “Đẹp nhất tên Người”. Tiếp đó là 15 bài thơ viết về Bác, luôn thấy Bác là nguồn sáng:

Nguồn sáng diệu kỳ - Nguồn sáng yêu thương

Được lan tỏa từ cuộc đời của Bác

Tiếp sức chúng con vượt qua ghềnh thác

Tự soi mình, luôn sống đẹp - nghĩa tình…

Bác chính là nguồn sáng soi đường cho lớp lớp cháu con vượt qua ghềnh thác, qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc sống bộn bề gian khó. Tác giả ca ngợi Bác kính yêu, đồng thời biết ơn Bác bởi Bác đã dành trọn cả cuộc đời cho dân, cho nước.

“Tháng Năm nhớ Bác” là bài thơ khá xúc động, tái hiện những hình ảnh đẹp làm nên phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, “áo ka ki sờn tay”, “dấu chân dép lốp” cùng nỗi niềm canh cánh về miền Nam thương yêu trong trái tim Người. Đồng thời, tác giả nhớ:

Bác về Đất Tổ - Đền Hùng

Dặn dò con cháu: Non sông giữ gìn…

Bao nhiêu mảnh đất còn in

Dấu chân dép lốp đi trên đất này.

Và cũng như hàng triệu người con Đất Việt, tác giả thấy Bác luôn hiện diện, chứng kiến đất nước ngày càng đổi thay, phát triển, giàu mạnh:

Vẫn nghe tiếng Bác đâu đây

Vẫn như có Bác hằng ngày bên con

Qua trang viết của Đoàn Hải Hưng, người đọc thấy rõ hơn sự tôn kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác từng thức trắng đêm lo cho đồng bào, đồng chí trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ (Đêm trắng). Bác là lãnh tụ nhưng luôn gần gũi với dân bởi Bác ý thức sâu sắc một điều phải “lấy dân làm gốc”.

Bài thơ “Bác Hồ gặp gỡ nông dân”, tác giả Đoàn Hải Hưng đã viết đầy đủ, chi tiết, đúng nghĩa dòng thơ tự sự. Năm 1962, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, thăm Hợp tác xã Nam Tiến. Bác ân cần thăm hỏi các cụ già, quan tâm, nói chuyện cùng xã viên, cán bộ, thiếu niên… và căn dặn mọi người đoàn kết để cùng nhau xây dựng hợp tác xã; căn dặn cán bộ phải quan tâm dân, coi mình là đầy tớ của dân. Những tình cảm chân thành và lời căn dặn sâu sắc ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chắc hẳn rất hiếm vị Lãnh tụ làm được như Bác, khi thăm trại điều dưỡng thương binh, Bác đã khóc. Khi thời tiết nóng nực, Bác dùng quạt giấy quạt cho thương binh nặng... Những kỷ niệm, những việc làm đầy ân tình của Bác mãi mãi in hằn trong tâm trí chúng ta. Khi Người đi xa, cả nước, cả năm châu thương tiếc và thầy giáo Đoàn Hải Hưng có bài “Nhật ký viết trong những ngày đầu Bác đi xa”. Từ đêm 2/9/1969 đến 9/9/1969 là nhật ký của dòng cảm xúc tuôn trào, hồi hộp khi nghe tin “Bác Hồ mệt nặng” đến khi nghe tin Bác qua đời, rồi bàng hoàng thương tiếc khôn nguôi… 16 bài thơ về Bác đã tái hiện khá đầy đủ cảm xúc trân trọng, niềm yêu thương và sự tôn kính với Người. Ông khâm phục đạo đức, nhân cách cao đẹp của Bác, tin yêu qua những việc Bác làm và lời nguyện ước học theo Bác, làm theo Bác để góp phần nhỏ bé cho một xã hội Việt Nam “công bằng, dân chủ, văn minh”.

Bìa Tập thơ “Nguồn sáng diệu kỳ”.

Bìa Tập thơ “Nguồn sáng diệu kỳ”.

Những tấm gương bình dị và cao quý

Phần thứ hai “Những tấm gương bình dị và cao quý” gồm 52 bài thơ. Mở đầu là bài “Đại tướng của nhân dân” ca ngợi công đức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một “bậc vĩ nhân” cuộc đời như huyền thoại, văn võ toàn tài. Tiếp đó là 51 bài thơ viết về những tấm gương giản dị, đời thường, đủ các ngành nghề: Công an, quân đội, giáo viên, thầy thuốc, văn nghệ sĩ, nhà báo… với đủ các lứa tuổi…

Phần thứ hai được viết với cả tấm lòng chân thành, tôn trọng, tin yêu. Có người được gọi tên (anh Cường, anh Đỗ Kim Thành…), có người chỉ gọi chức danh (Đại tướng, Thầy thuốc châm cứu có bàn tay vàng, Nhà giáo Nhân dân với quê hương Đất Tổ…); có những bài ca ngợi cá nhân, lại có bài ca ngợi tập thể (Thị xã Phú Thọ, Quân khu II, Công an Phú Thọ, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Trường THPT Hùng Vương và THPT Thị xã Phú Thọ…), ca ngợi “Người lính biển Trường Sa” và tặng thơ cho cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, cựu chiến binh.

Luôn gắn bó với thời cuộc, tác giả “Thương lắm miền Trung” khi vào mùa mưa lũ, “Thương lắm Sài Thành ơi” khi “Hàng trăm ngày Sài Thành trong tâm dịch”, thương người bệnh, thương các “chiến sĩ áo trắng” ngày đêm gồng mình chống dịch và thương hàng nghìn trẻ nhỏ mồ côi... Ông cũng nhớ vô cùng những kỷ niệm yêu thương bên đồng đội năm nào.

“Đồng đội ơi” là một bài tiêu biểu, nhịp thơ như tiếng khóc, như tiếng nấc trước anh linh đồng đội, đồng đội xa rồi những kỉ niệm cũ lại ùa về, đớn đau, da diết:

Những đồng đội của tôi ơi!

Công, Hân, Chính, Phú, Khương, Đôi... đâu rồi?

Những ngày lửa đạn bom rơi

Tấc gang sống - chết chẳng rời xa nhau

Những ngày thiếu gạo, thiếu rau

Những cơn sốt rét quặn đau lòng người

Chung chăn, điếu thuốc bẻ đôi

Thư nhà cùng đọc, tiếng cười vang xa.

Đi dọc bài thơ là hành trình của cảm xúc, của nỗi nhớ, niềm thương về một thời đạn lửa, anh em, đồng đội sống chết có nhau, sau 50 năm, người còn, người mất… và bài thơ kết lại:

Đồng đội ơi! đồng đội ơi!

Mênh mông trắng một khoảng trời... mưa bay...

“Trắng một khoảng trời” hay chính là sự trống vắng trong lòng người? Mưa bay là hiện thực, là cảnh thực hay là tâm cảnh? Có lẽ là cả hai. Phải đi qua những năm tháng chiến tranh, phải trải qua gian khó mới hiểu được sâu sắc nỗi niềm cảm xúc chân thành, da diết trong bài thơ ấy.

Với quê hương Đất Tổ Vua Hùng, tác giả tự hào mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có nhà thơ lớn Phạm Tiến Duật, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà thơ Kim Dũng, Anh hùng quân đội Trung tướng Phạm Phú Thái, doanh nhân Bùi Hải Quân…; có NGND Cù Thị Kim Hợp tài năng, đức độ; có NGƯT kiêm nhạc sĩ Vũ Văn Viết, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương đã xác lập kỷ lục Guinness khi sáng tác nhiều ca khúc nhất về Bác Hồ; có các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh cho Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc (AHLS Ngô Duy Thư, AHLS Nguyễn Thế Hùng…); có “giáo viên toàn cầu” Hà Ánh Phượng - một cô giáo trẻ dân tộc Mường, dạy ở trường miền núi xa xôi, được cả thế giới biết đến nhờ dạy học kết nối, tiên phong cho mô hình “lớp học xuyên biên giới”. Tác giả còn làm thơ nhớ về thầy giáo cũ - NGƯT Bùi Đình Đô - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường cấp 3 Hùng Vương:

Về thăm thầy, sau những năm tháng chiến tranh

Trường lớp, hàng cây đã nhiều đổi khác

Cặp kính dày thêm, mái tóc thầy điểm bạc

Nhưng nụ cười của thầy vẫn trẻ như xưa.

(Gặp thầy giáo cũ)

Trong lòng học trò, thầy giáo còn trẻ mãi. Nhà thầy vẫn đạm bạc đơn sơ, cặp kính dày thêm và mái tóc bạc dần theo năm tháng nhưng thầy luôn vui vẻ, tươi cười, chứng kiến thành quả, niềm vui và cả mất mát khi học trò tham gia kháng chiến hy sinh. Với thầy giáo Bùi Đình Đô thì: “Sự tiến bộ của các em là lẽ sống của thầy”. Đọc thơ Đoàn Hải Hưng, có thể nhận thấy “ăn quả nhớ người trồng cây” như là một nguyên tắc sống của nhà giáo vậy.

Với 68 bài thơ, “Nguồn sáng diệu kỳ” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Có bài gần với ký sự bằng thơ, có lúc vì trích dẫn gần như trọn vẹn câu nói giản dị của Bác trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà khó ghép thành vần trau chuốt (Bài Bác Hồ gặp gỡ nông dân hoặc Một lần hành quân với Bác). Nhưng tổng thể, đây là một tập thơ ghi dấu sự nỗ lực bền bỉ, việc lao động nghệ thuật không mệt mỏi ở tuổi 76 của thầy giáo - tác giả Đoàn Hải Hưng. Tập thơ có giá trị nhân văn, giá trị giáo dục lớn, hướng người đọc đến chân - thiện - mỹ.

“Gia tài văn học” của thầy giáo Đoàn Hải Hưng cũng rất đáng nể. Ông đã xuất bản hai tập thơ: “Hoa phượng”; “Một thời hoa lửa”, NXB Hội Nhà văn và xuất bản 8 tập sách khác với các thể loại: Văn xuôi, Nghiên cứu - phê bình; Văn hóa văn nghệ dân gian; đã in hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương…

Tác giả đã đạt nhiều giải thưởng về Văn học nghệ thuật: Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam các năm: 2000, 2015, 2020; Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Phú Thọ: 2005 - 2010, 2010 - 2015; Giải thưởng về Thơ các năm: 1984 (tỉnh Vĩnh Phú), 2003, 2017 (tỉnh Phú Thọ), 2007 (ngành Giáo dục) và 2022 (ngành Công an).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.