Những cảm nhận về thơ đương đại trong Chương trình Ngữ văn mới

GD&TĐ - Hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ, lưng còng đã trở nên quen thuộc với người đọc để từ đó nhận ra sự hy sinh thầm lặng của mẹ cho con.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Ở mảng đề tài Người thân - Gia đình, chiếm số lượng nhiều hơn cả vẫn là những bài thơ viết về mẹ cùng những tình cảm chân thành của những người con. Hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ, lưng còng đã trở nên quen thuộc với người đọc để từ đó nhận ra sự hy sinh thầm lặng của mẹ cho con ngày một lớn khôn.

Trong rất nhiều bài thơ viết về mẹ, các nhà biên soạn đã chọn À ơi tay mẹ của Bình Nguyên và Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương, hai nhà thơ của giai đoạn sau 1975, chưa hẳn đây là những bài thơ hay nhất viết về mẹ nhưng cả hai bài thơ nói trên đều rất gần gũi, giản dị, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của học sinh lớp 6 (về tuổi đời và sự trải nghiệm chưa nhiều).

Các bài thơ đều được viết theo thể lục bát truyền thống từ gieo vần, ngắt nhịp, sự phối hợp bằng trắc. Qua hai bài thơ, học sinh sẽ cảm nhận những điều giản dị mà cao cả từ tình cảm của mẹ dành cho con, cũng như tình cảm của con đối với mẹ.

Bài thơ Về thăm mẹ ghi lại cảm xúc của một người con xa về thăm mẹ trong một buổi chiều Đông, thời gian trong bài thơ gợi cho người đọc biết bao cảm xúc, lẽ thường xưa nay thơ viết về buổi chiều thường buồn, thường gợi nỗi nhớ, sự đoàn tụ, sum họp, Đinh Nam Khương cũng không ngoài lẽ đó.

Về thăm mẹ vào một chiều Đông, mẹ không có nhà khiến nhân vật trữ tình có điều kiện để quan sát, suy tư về những gì gắn với cuộc đời mẹ, cùng lúc đó cơn mưa bất chợt đến khiến cảm xúc của nhà thơ càng như dâng trào: Mẹ đi vắng, bếp chưa lên khói, cơn mưa bất chợt cùng với đó là hình ảnh thân thuộc, giản dị gắn với cuộc đời mẹ như chiếc nón mê đã đội bao mùa mưa nắng nay mẹ mang ra đội cho chum tương ngoài vườn, chiếc áo tơi ra đồng nay không còn dùng được nữa nhưng vẫn còn tận dụng để khoác cho người rơm (bù nhìn để xua đuổi côn trùng phá hoại cây trồng), chiếc nơm (dụng cụ để bắt cá) đã hỏng vành được tận dụng để nhốt đàn gà con mới nở.

Chỉ qua bằng đó hình ảnh mà người đọc có thể cảm nhận về một bà mẹ nông thôn nghèo khó, lam lũ, chắt chiu tằn tiện. Có thể có những hình ảnh không còn gần gũi với thế hệ học sinh ở thế kỷ XXI này, nhất là ở thành phố nhưng qua giảng giải của giáo viên chắc chắn học sinh sẽ cảm nhận được:

Con về thăm mẹ chiều đông

Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

(Về thăm mẹ)

Hình ảnh ấn tượng nhất của bài thơ là trái na cuối vụ bất ngờ rụng ở trên cành, trái na mẹ dành dụm cho đứa con xa, đợi con về hưởng quả ngọt vườn nhà càng làm người đọc cảm động về một người mẹ cả đời dành tình thương cho con đúng như Chế Lan Viên đúc kết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.

Nếu ở phần đầu cơn mưa bất chợt khiến nhà thơ rưng rưng thì ở cuối bài hình ảnh trái na rụng đọng lại trong tâm trí nhân vật trữ tình để từ đó càng thương mẹ hơn từ những điều giản đơn trong cuộc đời mẹ. Có thể với học sinh lớp 6, tuổi đời và sự trải chưa nhiều, chưa có nhiều sự đồng cảm với tác giả nhưng những hình ảnh thơ giản dị đó chắc chắn cũng sẽ giúp học sinh cảm nhận được tình cảm lớn lao của mẹ.

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

Học sinh TPHCM trong giờ học Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: INT

Học sinh TPHCM trong giờ học Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: INT

Bài thơ À ơi tay mẹ là một trong những bài lục bát tiêu biểu của Bình Nguyên, nhan đề bài thơ đã gợi ra bao nỗi niềm, gợi về hình ảnh người mẹ cùng khúc hát ru ngọt ngào đưa ta vào giấc ngủ tuổi thơ. Bài thơ được gợi cảm hứng từ hình ảnh bàn tay mẹ với bao công việc như chắn mưa sa, chặn bão qua mùa màng, bàn tay mẹ thức một đời, bàn tay nhiệm màu… tất cả nhằm gợi nỗi vất vả, lam lũ của người mẹ chịu thương, chịu khó.

Đôi bàn tay mẹ nhỏ bé mà như chống chọi với cả mưa gió bão giông để che chở đời con qua những hình ảnh ẩn dụ mang đầy sức gợi nhớ cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái mặt trời bé con… Và phải chăng chính đứa con thơ dại cũng là điểm tựa, là động lực để người mẹ vượt qua những lam lũ, nhọc nhằn (Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng - Nguyễn Khoa Điềm).

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái mặt trời bé con...

Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

(À ơi tay mẹ)

Nếu ở 10 câu thơ đầu gợi đến hình ảnh bàn tay mẹ thì 10 câu thơ sau dành nhiều cho lời ru, đó chính là nguồn sữa tinh thần ngọt lành cho con lớn khôn. Thơ ca truyền thống và hiện đại đã có biết bao bài viết về lời ru, dường như mỗi nhà thơ khi viết về lời ru của mẹ đều cho người đọc những cảm nhận về sự hy sinh lặng lẽ mà lớn lao của mẹ. Chúng ta hẳn còn nhớ bài thơ Mẹ của Trần Quốc Minh trong SGK tiểu học của nhiều lớp học sinh trước kia: Lặng rồi cả tiếng con ve/ Con ve cũng mệt vì hè nắng oi/ Nhà em vẫn tiếng ạ ời/ Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru/ Lời ru có gió mùa thu/ Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Hay những câu thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng của Nguyễn Duy trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa: Mẹ ru cái lẽ ở đời/ sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ bà ru mẹ... mẹ ru con/ liệu mai sau các con còn nhớ chăng những lời ru mà ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

Nhà thơ Bình Nguyên lại có cách khai triển lời ru theo lối riêng của mình, lời ru làm át đi sự khắc nghiệt của gió, của sương, cho sóng lặng, bãi bồi, không còn chỗ dột nơi ngoại ngồi, lời ru mong sự tròn đầy, mong thương nhớ ăm ắp. Lời ru trở thành điệp khúc cho cả đoạn thơ để toát lên sự hy sinh cao cả của mẹ, mẹ dành biết bao tốt đẹp cho con mà không hề nghĩ đến bản thân:

Ru cho mềm ngọn gió thu

Ru cho tan đám sương mù lá cây

Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu tự những dãi dầu đấy thôi.

Ru cho sóng lặng bãi bồi

Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu

Ru cho đời nín cái đau

À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình.

Học sinh Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum thuyết trình về các ý tưởng trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: INT

Học sinh Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum thuyết trình về các ý tưởng trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: INT

Thành công về nghệ thuật của bài thơ chính là ngôn từ giản dị, mang âm hưởng những câu hát ru, những bài ca dao truyền thống. Bên cạnh đó là các phép tu từ như ẩn dụ, phép điệp cùng thể thơ lục bát truyền thống góp phần tạo âm hưởng du dương, sâu lắng và truyền cảm.

Đọc bài À ơi tay mẹ, học sinh cảm nhận được sự cao cả của người mẹ khi dành trọn sự yêu thương cho con cái, bài thơ cũng giúp học sinh có sự liên hệ đến rất nhiều những vần thơ viết về mẹ trong văn học dân gian cũng như văn học viết nhằm bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Để giúp học sinh có thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi xin trích lại bài ca dao Mười tay của dân tộc Mường do Cầm Giang sưu tầm, bài ca dao đã từng được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn 10 nâng cao năm 2008.

Bồng bồng con nín con ơi

Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay

Ước gì mẹ có mười tay

Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim

Một tay chuốt chỉ luồn kim

Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau

Một tay ôm ấp con đau

Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma

Một tay khung cửi guồng xa

Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa

Một tay đi củi muối dưa

Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn

Tay nào để giữ lấy con

Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay

Bồng bồng con ngủ cho say

Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

Bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai triển khai qua hai hình tượng sóng đôi: Cau và mẹ, nhà thơ chọn một thứ cây rất gần gũi trong đời sống ở mỗi làng quê. Đã từ bao đời cây cau, quả cau cùng lá trầu trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần người Việt, hình ảnh quả cau, lá trầu xuất hiện trong mọi nghi lễ quan trọng của vòng đời con người từ khi sinh ra đời, cưới hỏi, lễ tết đến sinh hoạt hằng ngày: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Xuyên suốt bài thơ nhà thơ Đỗ Trung Lai đã khai thác thủ pháp nghệ thuật đối lập qua từng khổ thơ để đem đến cho người đọc những cảm nhận sự gần gũi giữa cau và mẹ:

Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau - ngọn xanh rờn

Mẹ - đầu bạc trắng.

Lời thơ ngỡ tưởng như lời nhận xét thông thường những đằng sau mỗi con chữ là bao đắng đót, xót xa khi nhận ra thời gian, nỗi vất vả cuộc đời đã hằn lên lưng còng của mẹ, trên mái đầu bạc trắng của mẹ. Không cần nhiều lời chỉ qua hai hình ảnh lưng còng và mái đầu bạc trắng của mẹ mà gợi ra bao cảm nhận về công lao của mẹ, sự nhọc nhằn, đắng cay trong cuộc đời mẹ cho con khôn lớn, trưởng thành. Nhà thơ Trương Nam Hương khi viết về mẹ cũng có những câu đầy xúc động về tấm lưng còng của mẹ:

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Cùng với thời gian, cau ngày càng cao, mẹ ngày một thấp, dân gian có câu: Gần đất xa trời nhằm nói lên sự già nua, cái chết đang đến gần. Sự gần đất của mẹ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nghe bao nuối tiếc khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, mẹ như ngọn đèn trước gió, như chuối chín cây, thời khắc con không còn mẹ đang đến ngày một gần:

Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp

Cau gần với giời

Mẹ thì gần đất!

Mỗi khổ trong bài thơ đều gắn với cau, hình ảnh người mẹ và miếng trầu bao đời đã trở nên quen thuộc. Ngày xưa, khi mẹ chưa già, quả cau bổ làm tư - vừa miếng với mẹ, nhưng bây giờ quả cau bổ tám mẹ còn ngại to, ý niệm thời gian hiển hiện trong mỗi khổ của bài thơ, thời gian làm mẹ ngày một già đi, răng rụng dần nên miếng cau nhỏ nhưng vẫn khó khăn với mẹ.

Hình ảnh người mẹ được ví như miếng cau khô gầy, thời gian đã bào mòn tất cả, chỉ nay mai mẹ không còn trên thế gian nữa, nhà thơ không khỏi ứa nước mắt trước hình hài của mẹ. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Haiku nổi tiếng Nhật Bản là

Ba-sô, ông xa quê nhiều năm, khi trở về mẹ đã mất, người anh đưa cho ông mớ tóc bạc của mẹ khiến ông ngậm ngùi:

Lệ trào nóng hổi

Tan trên tay tóc mẹ

Làn sương thu.

Khổ kết với câu hỏi tu từ, người con thảng thốt nhận ra quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, không tránh khỏi quy luật cuộc đời và ngày con xa mẹ đang đến gần. Câu hỏi nhưng không có câu trả lời, chỉ có mây bay về xa như những nỗi niềm rưng rưng, dâng trào cảm xúc:

Ngẩng hỏi giời vậy

- Sao mẹ ta già?

Không một lời đáp

Mây bay về xa.

Bài thơ rất kiệm lời mà hàm chứa bao tình ý sâu xa, lời thơ dung dị, tự nhiên, không nhiều dụng công nghệ thuật nhưng vẫn gây xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành, chạm đến những gì thiêng liêng nhất của mỗi người: Tình mẫu tử.

----------------------

Trên đây là một vài cảm nhận của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy về Thơ đương đại trong chương trình Ngữ văn THPT 2018, chúng tôi cố gắng đưa ra những cách tiếp cận của mình với những tác phẩm mới đưa vào chương trình nhằm giúp giáo viên, học sinh có những cách tiếp nhận tác phẩm Thơ đương đại một cách hiệu quả.

Để khép lại bài viết nhỏ này, tôi xin dẫn lại ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết về mục tiêu Chương trình GDPT mới: “Để hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, chương trình mới quy định các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ