Rằm tháng Giêng - vẻ đẹp mùa Xuân qua cảm nhận của nhà thơ Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Đúng như nhà văn Pháp Atona Phrăng xơ đã từng nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ một tâm hồn con người”.

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Ảnh minh họa
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Ảnh minh họa

Câu nói ngắn gọn, hàm súc nhưng giúp chúng ta hiểu thêm đặc trưng cốt lõi của thi ca rằng đôi khi chỉ qua một câu thơ, một bài thơ, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ gửi gắm trong đó.

Quan niệm đó hoàn toàn có lí bởi thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm con người. Mỗi câu thơ ra đời là kết quả của những trăn trở, suy tư, nung nấu ở người nghệ sĩ, là những rung động, khát khao giao cảm tột bậc với cuộc đời; là khi họ sống thật sự sâu sắc với đời. Có như thế tiếng lòng mới có thể trở thành tiếng thơ. Nếu truyện phản ánh đời sống thông qua sự kiện, biến cố thì thơ ca phản ánh đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của nhà thơ với đời sống.

Thơ ca không thiên về mô tả đời sống nhưng cảnh, người từ hiện thực là cội nguồn sáng tạo của thơ ca bởi mọi niềm vui, nỗi buồn, âu lo của con người đều gắn với một sự kiện, hiện tượng nào đó. Cuộc đời là nơi khơi nguồn để ban cho nhà thơ nguồn cảm hứng bất tận. Đằng sau nỗi niềm, tình cảm của thi nhân ta bắt gặp hiện thực cuộc sống.

Ra-xum Ga-za-tốp, người được mệnh danh là “nhà thơ của mọi thời đại” đã bày tỏ ý kiến của mình về văn học: “Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”. Đến với thơ ca Hồ Chí Minh ta càng thấm thía điều đó, bởi hơn ai hết Bác là một con người có tình yêu sâu nặng với con người và cuộc đời.

Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu, nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ vĩ đại của của dân tộc Việt Nam; Người cống hiến cả cuộc đời của mình cho quê hương đất nước, vị lãnh tụ đáng kính với cuộc sống giản dị, thanh cao vẫn mãi mãi trường tồn trong tâm khảm của mọi con dân nước Việt. Cốt cách ấy của Người không phải tìm ở đâu xa, mà được thể hiện ngay trong những tác phẩm văn chương của Bác, đặc biệt là những tác phẩm viết về trăng.

Trăng từ bao đời nay là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, trăng là người bạn tâm tình; trăng là đề tài của hội họa và âm nhạc. Trong thơ văn đông tây kim cổ, đã có biết bao bài thơ hay viết về trăng, để lại ấn tượng không phai mờ trong trái tim người đọc, như những dòng sông đỏ nặng phù sa trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Một trong những tác giả viết nhiều về trăng là Hồ Chí Minh.

Suốt cuộc đời cách mạng gian truân và vẻ vang của Bác, ngay cả chốn lao tù của Tưởng Giới Thạch, Bác luôn tìm đến trăng, coi trăng là tri âm, tri kỉ. Trăng theo Người lên chiến khu Việt Bắc trong những năm tháng gian lao của dân tộc, trăng trở lại nơi Thủ đô Hà Nội để cùng Người chứng kiến những thay đổi sâu sắc của một dân tộc anh hùng.

Bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế, khi đất nước đang phải đối diện với muôn ngàn khó khăn thử thách, khi vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, khi vị lãnh tụ cách mạng đang tìm con đường cứu nước mà lòng vẫn thanh thản thưởng thức vẻ đẹp của một đêm trăng sáng.

Cũng chính vì vậy, khi bàn về thơ Bác, Giáo sư Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét đó là một phong cách thơ “vừa rất độc đáo vừa đa dạng, nhiều màu sắc thẩm mĩ, đã kết hợp thật hài hòa những yếu tố tưởng chừng như mâu thuẫn: Giản dị vô cùng mà cũng hàm súc vô cùng, cổ điển rất mực và hiện đại cũng rất mực, vừa hiện thực tới nghiêm ngặt, trần trụi, vừa lãng mạn bay bổng, rực rỡ, vừa sáng ngời chất thép vừa man mác chất thơ”. Nói khác hơn hiện thực đời sống khi đi vào thơ Bác có tính cô đặc, là “gạo trắng đã hóa thành men rượu”, là “dâu xanh đã hóa kén vàng”.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ Hồ Chí Minh đã phác họa một bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng ở Việt Bắc:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Dịch thơ:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Thời gian được nói đến là đêm rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch), đêm trăng đẹp nhất, sáng nhất, tròn nhất, là trăng của đêm xuân, là kết tinh vẻ đẹp tinh túy của đất trời. Trăng đêm rằm tròn, mang vẻ đẹp trong trẻo, thanh khiết của đất trời ngày xuân. “Nguyệt chính viên” là trăng ở độ viên mãn nhất. Trăng lung linh tỏa rạng đất trời. Đó là đêm trăng tồn tại thiêng liêng trong tâm thức người Việt.

Rằm tháng Giêng cũng là một trong những ngày trăng đẹp nhất trong năm vì nó chứa hơi thở ngọt ngào của mùa xuân. Hơi thở của sự sống đang đâm chồi nảy lộc. Ở bản dịch thơ, Xuân Thủy đã đưa thêm từ láy “lồng lộng” đặc tả một không gian mênh mông, thoáng đãng, cao rộng, giãn nở hết biên độ. Như vậy ở câu thơ thứ nhất, bức tranh của đêm rằm tháng Giêng hiện lên qua ngòi bút Hồ Chí Minh thật lung linh, huyền ảo và đẹp đẽ.

Nếu ở bài thơ “Cảnh khuya” tác giả đã miêu tả một bức tranh đêm trăng trong rừng đêm Việt Bắc vừa có hồn, vừa gần gũi, mềm mại mà sống động, bóng trăng và bóng cây tạo ra những chùm hoa trắng lấp lánh trên mặt đất. Chỉ có hai sắc màu đen và trắng, sáng và tối nhưng đã tạo ra một bức tranh lung linh, huyền ảo, nhiều tầng bậc mà hùng vĩ, tươi đẹp thì ở “Rằm tháng Giêng” là bức tranh xuân trên sông nước.

Với nghệ thuật tả từ gần đến xa chúng ta càng hình dung được không khí mùa xuân đang tưới đẫm lên vạn vật tạo nên một không gian tươi mới say đắm lòng người. Nếu ở câu thơ thứ nhất miêu tả không gian chung thì ở câu thứ hai các sự vật được miêu tả thật cụ thể. Điệp từ “xuân” được lặp lại ba lần mở ra nhiều cảm nhận đặc biệt cho người đọc. “Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên”. Dòng sông xuân, làn nước xuân, bầu trời xuân mênh mông, cao rộng.

Sức sống của mùa xuân, linh khí của mùa xuân tràn ngập, thấm đẫm, chan chứa trong từng cảnh vật. Chữ “tiếp” đã mở ra một không gian ba chiều, chiều cao của bầu trời, chiều xa chiều rộng của mặt nước, dòng sông. Tất cả đã diễn tả rõ nét sự vô cùng, vô tận, không có giới hạn.

Năm tiếng gieo thanh bằng trong một câu thơ bảy tiếng còn gợi âm hưởng bay bổng và cảm giác rộng lớn, thanh bình nơi núi rừng mờ xa. Như vậy, chỉ với 14 chữ trong hai câu thơ đã vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh xuân rộng lớn, đẹp đẽ, phập phồng hơi thở và sức sống của mùa xuân. Đó là một nét đẹp rất riêng của mùa xuân được khúc xạ qua lăng kính tâm hồn, qua đôi mắt của con người có nhiều duyên nợ với trăng, với thiên nhiên.

Nếu hai câu thơ đầu cơ bản chú trọng phác họa một bức tranh thiên nhiên lồng lộng của đêm rằm trên sông nước thì hai câu sau đã xuất hiện hình ảnh con người.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Dịch thơ:

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

“Yên ba” là một hình ảnh mang tính chất cổ điển. Yên ba là khói sóng. Đêm càng về khuya ánh trăng càng sáng rõ. Có thể là hơi nước bốc lên khi trời se lạnh, cũng có thể là những vệt khói tỏa ra khi những con sóng lăn tăn. Cảnh vì thế mà trở nên huyền ảo hơn. Thời gian lúc này càng về khuya. Nếu trong thơ xưa, đặc biệt là thơ Đường, khói sóng khiến thi nhân da diết nhớ quê hương, lòng buồn không tả xiết:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

(Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu)

Thì trong thơ Hồ Chí Minh xuất hiện khói sóng nhưng không có nỗi buồn. Khói sóng làm nền cho con người xuất hiện, tôn lên vẻ đẹp và tầm vóc con người. Con người đang làm một công việc đặc biệt “đàm quân sự”. Đàm quân sự là bàn việc quân. Trong đêm trăng mênh mông đó, những tưởng con người sẽ đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên nhưng ý thơ gợi ra thật thú vị. Con người đang lo lắng cho vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Tác giả không nói cụ thể là ai nhưng người đọc vẫn cảm nhận được phong thái ấy, con người ấy là Hồ Chí Minh, là những con người Cộng sản anh dũng vô song đang “cầm cây chì đỏ, vạch đường đi cho dân tộc theo đi”.

Trong thơ thất ngôn tứ tuyệt, câu kết chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, mở ra nhiều bất ngờ cho người đọc:

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Đêm đã về khuya, thuyền vẫn ở trên sông, Người vẫn lo việc nước. Bất ngờ trăng đầy thuyền, trăng đã tràn ngập khoang thuyền. Cuộc họp chắc chắn đã thắng lợi. Thiên nhiên và con người hòa làm một và ý thơ trở nên bay bổng, lãng mạn như chính tâm hồn con người đang rộng mở để thăng hoa cùng thiên nhiên. “Nguyệt mãn thuyền” là hình ảnh đẹp mà Hàn Mạc Tử đã từng viết:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.

Qua sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc của Hồ Chí Minh con thuyền vốn nhỏ bé, bình dị, khiêm nhường giữa không gian rộng lớn trở thành con thuyền tiên đi giữa cảnh tiên, con thuyền trăng, con thuyền cách mạng cập bến bờ thắng lợi. Với hình ảnh này thơ Bác mang âm hưởng thơ Đường, vừa cổ điển lại vừa hiện đại.

Cho nên bài thơ càng thể hiện rõ nét một tấm lòng, một nỗi niềm, một khát vọng, khát khao của Bác Hồ nhưng đồng thời phải nói được những tình cảm phổ quát của mọi người, mọi nhà, là cái chung của tồn tại con người. Chính vì thế, thơ Bác đã tạo nên sự tri âm, đồng cảm. Tiếng nói của Bác đã đại diện cho một dân tộc, một thời đại hay một thế hệ như nhà phê bình Hoài Thanh đã từng viết: “Đi đến tận cùng cá nhân ta sẽ bắt gặp hồn nòi giống. Đi đến tận cùng nòi giống ta sẽ bắt gặp hồn nhân loại”.

Thơ Bác thường rất ngắn nhưng mở ra bao nhiêu điều mới lạ. Không chỉ toát lên tình cảm yêu thiên nhiên, niềm lạc quan, tình yêu đất nước thi phẩm ấy còn thấm thía một niềm tin, một sức sống và một khát vọng tự do, độc lập đến cháy bỏng. Nói khác đi, đó chính là một khúc hát của người chiến sĩ có tâm hồn thi sĩ. Điều đó cũng là yếu tố quan trọng quyết định cho vẻ đẹp của bài thơ, thể hiện vẻ đẹp ngời sáng của tâm hồn Hồ Chí Minh - vẻ đẹp của mọi thời đại mà mỗi chúng ta luôn tin tưởng và noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

website https://thansohoc.app/ miễn phí