Doanh nghiệp đặt hàng sinh viên: Gắn khoa học với thực tiễn

GD&TĐ - Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của các trường đại học khối STEM nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp.

Máy rửa xe tự động do nhóm sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) sáng chế theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ảnh: NVCC
Máy rửa xe tự động do nhóm sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) sáng chế theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ảnh: NVCC

Sự liên kết 3 bên: Nhà trường – doanh nghiệp và sinh viên trong đào tạo không chỉ dừng lại ở cấp học bổng, cung cấp linh kiện, vật tư, thiết bị. Nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng cho sinh viên nghiên cứu các giải pháp phục vụ cho nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. 

“Rót vốn” nâng cấp sản phẩm

Máy rửa xe tự động là tên đồ án tốt nghiệp của Đặng Hồng Quân, lớp 16CĐT2, ngành Cơ điện tử, Khoa Cơ khí (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng). “Ban đầu, em chỉ dự định làm một loại máy đơn giản, ít chi phí. Nhưng thầy giáo hướng dẫn nói có một doanh nghiệp cần đặt hàng với số tiền đầu tư khoảng 50 triệu đồng”, Quân kể.

Nhận được “đơn đặt hàng”, Quân rủ thêm 2 người bạn cùng lớp là Nguyễn Hữu Lập và Trần Quang Nghĩa tham gia. Theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhóm của Quân phải làm một sản phẩm có tính tự động hóa cao, thay thế cho công nhân rửa xe. Đặc biệt, phải đảm bảo được các công đoạn trong thực tế của quy trình rửa xe máy như rửa, xịt nước, chà bọt tuyết, cọ rửa, xịt đẩy chất bẩn, làm sạch xe và xịt khô.

“Nguyên lý hoạt động của máy theo hệ thống béc phun rửa xe. Máy sẽ rửa qua một lần bằng cách xịt nước, xịt bọt tuyết. Sau đó, đặt lệnh đợi 30 giây để bọt tuyết ngấm vào các vết bẩn. Xe máy sau đó sẽ được xịt rửa bằng nước để làm sạch. Cuối cùng, máy tiếp tục phun nước thêm một lần nữa để đảm bảo không bỏ sót vết bẩn”, Quân cho biết.

Đột phá của sản phẩm máy rửa xe tự động, theo Quân, là nhóm đã bỏ được một bước quan trọng là cọ đánh. Nhóm đã nghiên cứu động học tia nước, tính toán khoảng làm việc hiệu quả của mỗi béc phun, từ đó tính toán số béc phun cần lắp đặt cũng như độ mở của từng béc sao cho vừa đủ lực và lượng nước để đánh được chất bẩn mà không cần phải chà quá mạnh, đảm bảo xe không bị bay sơn.

Ban đầu, doanh nghiệp chỉ rót vốn 50 triệu đồng, nhưng khi thấy sản phẩm có khả năng ứng dụng thực tiễn rất lớn nên đã hỗ trợ tăng lên gấp đôi. Theo như Quân phân tích, trên thị trường có một số máy rửa xe tự động, nhưng chủ yếu chỉ xịt rửa qua. Trong khi đó máy rửa xe tự động do nhóm của Quân sáng chế có ưu điểm vượt trội mà sản phẩm hướng đến là rửa sạch với diện tích máy không quá lớn.

Phan Thị Mai – lớp 18 DHCLC1 (Khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) là một trong 20 sinh viên nữ tiêu biểu được trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên “Quả cầu vàng” và phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ” năm 2020.

Trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, Mai cùng nhóm bạn của mình trong Câu lạc bộ BK-Maker đã nghiên cứu và sáng chế thành công sản phẩm “Máy sát khuẩn tự động”, đưa những kiến thức được học vào thực tế để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch.

Với tính năng linh hoạt và nhỏ gọn, sản phẩm này đã được nhà trường chuyển giao cho nhiều đơn vị trường học, cơ quan, bệnh viện… đưa vào sử dụng để phòng, chống dịch bệnh.

Phan Thị Mai và các bạn sáng chế máy sát khuẩn tự động theo đơn đặt hàng của các bệnh viện, trường học… trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Phan Thị Mai và các bạn sáng chế máy sát khuẩn tự động theo đơn đặt hàng của các bệnh viện, trường học… trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Rút ngắn khoảng cách

Chỉ tính trong năm 2020, đã có hơn 50 doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ, đặt hàng cho hơn 280 đề tài nghiên cứu, dự án của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Vì vậy, các đề tài nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm mà được đưa vào sử dụng thực tế theo nhu cầu của doanh nghiệp. Như mô hình robot gắp thức ăn sử dụng tay gắp mềm được sinh viên nghiên cứu, chế tạo theo đề nghị của một doanh nghiệp nước ngoài. Mô hình thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước đã được một số resort đặt hàng…

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều đề tài xuất phát từ thực tế sản xuất được thực hiện tại các công ty, doanh nghiệp, từ các đại học đối tác của trường hoặc nhận sự hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư, phần mềm nghiên cứu”.

Anh Hà Ngọc Bách – Quản lý Công ty HiTechs Việt Nam chia sẻ: “Kiến thức rất rộng mà công nghệ thì thay đổi chóng mặt nên phải học qua lại lẫn nhau. Các kỹ sư từ doanh nghiệp sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế cho sinh viên. Đổi lại, họ sẽ có cơ hội cập nhật những kiến thức,  công nghệ mới từ quá trình hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc làm đồ án, nghiên cứu khoa học”. Doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao, rút ngắn khoảng thời gian đào tạo lại do sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc nhiều thiết bị công nghiệp tại doanh nghiệp.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, để phương pháp dạy học theo dự án có hiệu quả thì các trường đào tạo khối ngành STEM rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp như đưa dự án vào nhà trường, cùng đội ngũ giảng viên của trường tham gia hướng dẫn sinh viên thực hiện dự án… Càng những năm cuối, sinh viên rất cần gắn kết với doanh nghiệp để tăng tính thực tiễn và ứng dụng cho dự án.

Quá trình thiết kế, nghiên cứu các phụ kiện phù hợp, chế tạo máy rửa xe tự động chỉ mất khoảng chưa đầy 4 tháng nhưng bản thân em học được rất nhiều điều. Thậm chí em cảm giác học được hơn rất nhiều 2 - 3 năm qua. Khi làm, mình phải nghiên cứu, vận dụng kiến thức của nhiều môn học, lĩnh vực khác nhau, mà từ lý thuyết đến thực hành là cả một khoảng cách khá xa. Quá trình sáng chế, lắp đặt máy giúp các thành viên hiểu và nhớ sâu hơn các kiến thức đã được học. - Đặng Hồng Quân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.