Nói về đề tài dự thi, tác giả Lê Thanh Nga cho biết: Một cuốn Từ điển giải thích tiếng Việt theo chủ điểm cho học sinh tiểu học có thể trở thành một công cụ hữu ích, một người bạn đồng hành hỗ trợ học tập trong môn Tiếng Việt nói riêng, các môn học khác nói chung.
Hiện nay, sản phẩm từ điển dành cho độc giả là học sinh, đặc biệt học sinh tiểu học, chưa được quan tâm nhiều. Số lượng từ điển dành cho học sinh khá hiếm hoi, hình thức và nội dung của một số cuốn từ điển trên thị trường cũng chưa thực sự phong phú, sáng tạo, thoả mãn yêu cầu của đối tượng sử dụng đặc biệt này.
Giáo dục tiểu học có vai trò to lớn trong việc đặt nền móng về trí tuệ, thể chất cho học sinh, trong đó, Tiếng Việt là môn học công cụ để thực hiện nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh.
Bản Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể ban hành tháng 4 năm 2017 định hướng: “Giáo dục ngôn ngữ và văn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho thế hệ trẻ” và “Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học”.
Lê Thanh Nga trình bày đề tài trước hội đồng chung khảo
Việc cung cấp từ điển công cụ hỗ trợ cho học sinh giải quyết những vấn đề khúc mắc thuộc lĩnh vực ngữ nghĩa trong khi học, giúp phụ huynh và giáo viên có định hướng phát triển vốn từ cho học sinh tiểu học vô cùng cần thiết.
Song, trẻ em không phải những người lớn thu nhỏ. Trẻ em thực sự là một đối tượng sử dụng với những đặc điểm nhu cầu, tâm sinh lí và nhận thức riêng biệt.
Không thể xây dựng từ điển giải thích cho học sinh tiểu học dựa trên những nhận thức chủ quan theo kiểu “đơn giản hoá” những cuốn từ điển phổ thông, từ điển dành cho người lớn.
Do đó, cần có những nghiên cứu từ góc độ lí thuyết xây dựng từ điển để định hướng cho việc tạo ra những sản phẩm phù hợp đối tượng độc giả này.
Hiện nay, xu hướng thiết kế sách giáo khoa tiểu học là tích hợp kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng xã hội, kĩ năng tư duy, vừa dạy kiến thức kĩ năng, vừa cung cấp cho học sinh cơ hội để trải nghiệm sáng tạo những điều đã được học theo những chủ điểm, chủ đề phù hợp.
Lê Thanh Nga tại triển lãm “Sinh viên nghiên cứu khoa học”
Ngay trong bộ sách giáo khoa tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 của NXB Giáo dục theo chương trình chuẩn kiến thức, kĩ năng ban hành năm 2006, môn học Tiếng Việt chủ trương phát triển, mở rộng vốn từ vựng của học sinh thông qua các bài học hiểu và đặc biệt các bài thực hành Luyện từ và câu ở các chủ điểm khác nhau.
Tác giả cho biết thêm: Có thể thấy hầu hết các giáo trình học tiếng Anh đều cung cấp từ vựng theo chủ điểm, nhưng điều này lại không thấy trong các từ điển - sách tiếng Việt.
Lê Thanh Nga và cô giáo hướng dẫn Lương Thị Hiền
Nghiên cứu xây dựng mô hình Từ điển giải thích tiếng Việt theo chủ điểm cho học sinh tiểu học có thể dựa trên những kinh nghiệm của các nước khác trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.
Đánh giá cao về tính thực tiễn của đề tài, Hội đồng chung khảo cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học 2017 cho biết: Đề tài đã bước đầu đưa ra mô hình phác thảo về một cuốn từ điển giải thích khá đặc thù.
Hi vọng trong tương lai gần, những cuốn từ điển gần gũi, thiết thực dành cho đối tượng học sinh tiểu học sẽ xuất hiện nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt trong nhà trường phổ thông.