Đóa Thủy Tiên & những vần thơ trên Facebook

GD&TĐ - Năm 13 tuổi, Nguyễn Thủy Tiên (sinh năm 1991, ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh, Tuy An, Phú Yên) bị sốt bại liệt, suốt ngày nằm trên giường giữa căn phòng chật hẹp. Tuy nhiên, vượt lên số phận, cô gái khuyết tật đã tìm lại được sự lạc quan, yêu đời qua những trang thơ đầy hy vọng về cuộc sống.

Nguyễn Thủy Tiên với 2 tập thơ của mình
Nguyễn Thủy Tiên với 2 tập thơ của mình

Cơn sốt oan nghiệt

Nằm trên chiếc giường xếp với thân hình nhỏ xíu, chân tay teo tóp, co rút nhưng gương mặt Tiên vẫn sáng với đôi mắt lấp lánh niềm tin, nụ cười hồn nhiên.

Tiên là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Năm 7 tuổi, người cha bị bệnh hiểm nghèo qua đời, một mình người mẹ tất bật giữa đời thường, vất vả lo toan cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học.

Năm 11 tuổi, khi đang học lớp 6, Tiên bỗng dưng phát sốt, cơn sốt kéo dài, chân tay đau buốt đến mức nhiều đêm thức trắng, sức khỏe suy kiệt dần.

Gia đình đưa Tiên đi điều trị nội trú ở các bệnh viện tại Phú Yên, bác sĩ chẩn đoán Tiên sốt bại liệt. Những liều thuốc điều trị chỉ giảm cơn sốt và đau buốt chân tay, nên căn bệnh tái diễn nhiều lần dẫn đến teo tóp, co rút tứ chi.

Sau 2 năm chống chọi, cuối năm học lớp 8, Tiên lâm vào tình trạng tê liệt trên giường.

Đến nay, hơn 12 năm trôi qua, Thủy Tiên chỉ nằm ngửa, không ăn được cơm mà chỉ uống sữa, nước lọc qua ống hút và chút cháo loãng do người mẹ chăm mớm. “Khi chuyển cháu ở bệnh viện về nhà, nhìn cháu oằn mình đau buốt và mê man sốt, tôi lặng lẽ quay mặt nơi khác để che giấu nước mắt xót xa và bất lực. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể tìm đâu ra tiền để đưa cháu vào TPHCM điều trị”, bà Nguyễn Thị Nguột (sinh năm 1950, mẹ Thủy Tiên) bộc bạch.

Một số người biết được số phận, hoàn cảnh của Tiên, họ đến chia sẻ bằng tinh thần và vật chất để giúp đỡ phần nào cô gái. Năm 2013, một người thân tặng Tiên chiếc điện thoại cũ để tìm đến mạng xã hội facebook chia sẻ buồn vui, kết nối với nhiều người.

Để sử dụng điện thoại, cô gái phải dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái giữ lấy nó đặt trên lồng ngực, rồi dùng ngón út của bàn tay phải gõ từng ký tự trên mặt phím.

Duyên nợ với thơ

Trong một đêm thức trắng suy ngẫm về cuộc đời mình, những câu thơ bất chợt đánh thức tâm trí Tiên để cô gái khuyết tật tìm thấy ở đó niềm tin yêu cuộc sống.

Và khi những câu thơ song thất lục bát đầu tiên trong bài thơ “Tâm sự” được chia sẻ trên facebook cá nhân với những câu chữ dung dị: “Tôi cũng giống như bao cô gái/ Chỉ khác là số phận kém may/ Một đời vướng phải đắng cay/ Chịu nhiều thua thiệt… kiếp này chẳng phai” đã khiến cho nhiều trái tim rung cảm.

Rồi, những bạn trên facebook với tấm lòng hảo tâm đã tặng Tiên một chiếc điện thoại mới để cô gái có điều kiện làm thơ và giao lưu trên facebook. Từ khi có chiếc điện thoại mới, Tiên được tiếp cận nhiều thông tin hơn, đặc biệt là văn thơ trên các trang mạng xã hội.

Từ đó, Tiên yêu thơ và tập làm thơ năm 2014, rồi cộng tác với một số tạp chí, diễn đàn văn chương cho đến nay. “Tôi làm thơ là để tự sưởi ấm lòng mình, chứ không cầu danh, cầu lợi. Thơ là đứa con tinh thần, là nguồn động lực, là sức mạnh để tôi vượt qua số phận, chiến thắng bản thân mình”, Tiên trải lòng.

Trên hành trình ấy, cô gái nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Đó là sự yêu thương, khích lệ của người nhà và của những bạn bè trên facebook để Tiên tích lũy vốn hiểu biết, vốn từ, ý tưởng cho những tác phẩm của riêng mình.

Tháng 12/2015, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tập thơ “Mưa sao băng” của Nguyễn Thủy Tiên gồm 51 bài thơ mộc mạc nhưng đầy ắp tình người. Tập thơ ra đời nhờ sự hỗ trợ chi phí in ấn của một người hảo tâm sau khi đọc thơ Tiên qua facebook. Khi đón nhận tập thơ, Tiên đã bật khóc trong tâm trạng mừng vui khi ngỡ như mình đang giữa giấc mơ, bởi cô gái khuyết tật chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện trình làng “đứa con tinh thần” với người yêu thơ.

Trong tập thơ, nhà thơ Trần Mai Hường (TPHCM) nhận xét: “Số phận đã không mỉm cười với chị ngay từ thuở ấu thơ khi chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.

Bệnh tật ngay từ nhỏ cùng hoàn cảnh gia đình đã gần như trở thành một rào cản chắn lối trên con đường đi tới tương lai. Nhưng có phải thế không? Cuộc sống có những con đường sáng riêng cho mỗi người. Hạnh phúc không bao giờ đóng kín với bất cứ ai.

Có lẽ chính trong điều đặc biệt đó đã giúp Nguyễn Thủy Tiên có một năng lực khác - năng lực nhìn ra những điều ẩn giấu trong những sự việc tưởng như bình thường, tưởng như yên lành. Khả năng ấy là động lực để đưa chị đến với thơ”.

Tập thơ Mưa sao băng là động lực bồi đắp thêm nguồn cảm hứng thi ca cho cô gái khuyết tật, để 2 năm sau đó, đầu tháng 7/2017, Tiên cho ra mắt tập thơ Triền sống do Nhà xuất bản Lao động ấn hành với 37 bài thơ và 1 truyện thơ.

Những ước mơ bình dị

Không giấy, không viết, Tiên sáng tác thơ bằng ngón tay yếu ớt cần mẫn gõ trên bàn phím điện thoại. Cô gái ao ước có được một chiếc laptop nho nhỏ để thuận lợi hơn và còn lưu lại các thi phẩm.

“Từ ngày kết nối với bạn bè trên facebook, nhiều tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ cho tôi. Đặc biệt, năm 2015, biết được gia cảnh của gia đình khó khăn phải lưu trú dưới căn chòi bên gốc cây xoài nên một số bạn bè trên facebook đã kết nối, vận động những tấm lòng nhân ái tài trợ gần 120 triệu đồng để mua đất, xây dựng căn nhà mới khang trang cho gia đình.

Bây giờ nếu có tiền, tôi sẽ mua chiếc laptop để lưu lại những bài thơ của mình. Nó vừa là nơi tôi lưu giữ thơ, vừa là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê thơ văn của mình”, Tiên tâm sự.

Với những bài thơ bình dị nhưng thắm đẫm tình người trong hai tập thơ Mưa sao băngTriền sống, Tiên muốn gửi thông điệp của mình tới những người cùng cảnh ngộ.

Đó là nghị lực sống trước căn bệnh nghiệt ngã, vẫn giữ tinh thần lạc quan, lấy thơ làm bạn để không phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình. “Tôi mong muốn những vần thơ của mình có thể truyền hết được những ý nghĩa đến cho độc giả. Ý nghĩa về sự lạc quan, phấn đấu trong cuộc sống”, Tiên tâm sự.

Mỗi một bài thơ mang đến cho bạn đọc những cảm nhận, những ấn tượng khác nhau… Nhưng vượt lên tất cả, đó là đam mê, tâm huyết của tác giả, nhất là một tác giả đặc biệt như Tiên - một cô gái co rút tứ chi khi mới 13 tuổi. Và, trong căn nhà nhỏ ở xã An Lĩnh, cô gái khuyết tật kiên cường ấy vẫn không ngừng nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Ước mơ nhỏ bé mà Tiên thổ lộ gần đây là muốn có một chiếc giường đẩy. Lúc đó, cô gái khuyết tật sẽ được ra bên ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp không gian ngày mới hay nét huyền ảo mơ màng đêm trăng để có thêm chất liệu sống động cho những trang viết mộc mạc, thấm đẫm tình đời, tình người của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...