Điều chỉnh nóng khi Mỹ tuyên bố thềm lục địa mới

GD&TĐ - Nga điều chỉnh chiến lược Bắc Cực khi Mỹ tuyên bố thềm lục địa mới.

Mỹ công bố mở rộng thềm lục địa ở Bắc Cực.
Mỹ công bố mở rộng thềm lục địa ở Bắc Cực.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga Alexei Chekunkov mới đây đã tuyên bố rằng, Nga sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển Bắc Cực đến năm 2035 trong bối cảnh bối cảnh quốc tế thay đổi.

Phát biểu tại cuộc họp với Ủy ban phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Hạ viện Nga, ông Chekunkov cho biết, các tài liệu cơ bản về phát triển Bắc Cực đã được thông qua từ năm 2020-2021.

"Chúng tôi hiểu rằng cuộc sống đã thay đổi, có một bối cảnh quốc tế khác, một bối cảnh hợp tác khác giữa các quốc gia gần Bắc Cực và Bắc Cực" - Sputnik dẫn lời ông Alexei Chekunkov cho hay.

Chiến lược phát triển Bắc Cực của Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin ký vào tháng 10 năm 2020.

Tài liệu này đưa ra các đường lối, mục tiêu và biện pháp chính để phát triển khu vực Bắc Cực cũng như các cơ chế, kết quả dự kiến và các giai đoạn thực hiện, bao gồm ba giai đoạn: từ 2020- 2024, 2025-2030 và 2031-2035.

Trong những năm gần đây, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự gia tăng của NATO ở Bắc Cực, cho rằng có nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ ngoài ý muốn trong khu vực.

Moscow cũng cho phép khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu các hoạt động của tổ chức này không đáp ứng được lợi ích của Nga.

Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn liên chính phủ nhằm giải quyết những thách thức mà các quốc gia và người dân bản địa trong khu vực phải đối mặt.

Có tám thành viên của hội đồng - Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

Vào tháng 3 năm 2022, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, tất cả các thành viên của hội đồng ngoại trừ Nga đều tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia các cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Nga.

Vào tháng 6 năm 2022, bảy quốc gia đã đồng ý gia hạn một phần việc tham gia vào các dự án mà Nga không tham gia, trong đó Moscow gọi quyết định của họ là "bất hợp pháp". Vào tháng 5 năm 2023, chức chủ tịch hội đồng được chuyển từ Nga sang Na Uy.

Đến tháng 2 năm 2024, Bộ Ngoại giao Nga nói với Sputnik rằng Moscow đã tạm thời ngừng đóng góp hàng năm cho Hội đồng Bắc Cực “cho đến khi công việc thực tế theo hình thức này được tiếp tục với sự tham gia của tất cả các thành viên hội đồng”.

Đáng chú ý hơn nữa là tình hình ở khu vực Bắc Cực hiện nay cũng đang có thay đổi.

Tháng 12 năm 2023, nhà chức trách Mỹ công bố tọa độ chính thức của thềm lục địa mở rộng (ECS) vượt quá 200 hải lý tính từ các bờ biển ở Bắc Cực, Đại Tây Dương, Biển Bering, Thái Bình Dương, Quần đảo Mariana và hai khu vực ở Vịnh Mexico.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ECS dự kiến sẽ không tạo ra bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Nga nhưng sẽ chồng chéo với Canada, Bahamas và Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố phản ứng với công bố từ Washington. Bộ này cho biết: “Các bước đi đơn phương của Mỹ không tuân thủ các quy tắc và thủ tục được thiết lập bởi luật pháp quốc tế."

Trong một bình luận, ông Grigory Karasin, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga khẳng định, Nga đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích quốc gia của mình ở Bắc Cực trong bối cảnh những nỗ lực "không thể chấp nhận được" của Washington nhằm đơn phương mở rộng yêu sách thềm lục địa của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ