Mỹ nỗ lực mời Nga trở lại G7
Nối tiếp Đức, giới chức Pháp mới đây đã lên tiếng phản đối đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Nga trở lại “Big Seven” (G7), định dạng mà Nga đã bị phương Tây “khai trừ” vào năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ nước mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot đã đưa ra tuyên bố này và nhấn mạnh rằng, kịch bản như vậy chỉ có thể xảy ra sau khi xung đột Nga-Ukraine được giải quyết tốt đẹp.
Theo giới chức Paris và Berlin, trong thực tế hiện nay, viễn cảnh này (Nga quay lại G7) là không thể tưởng tượng được.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, G7 là sự liên minh của “các nền dân chủ phát triển nhất”, ngược lại, Nga đang ngày càng rời xa các nguyên tắc dân chủ và theo đuổi chính sách hung hăng đối với các nước G7 khác, bao gồm cả Pháp.
Ông Jean-Noël Barrot nói thêm rằng, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc, Nga sẽ có thể khôi phục tư cách thành viên của mình trong G7.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã tuyên bố rằng, Nga không thể quay trở lại G7. Theo bà, sự hợp tác bình thường với “nước Nga” hiện nay là điều không thể.
Tuy nhiên, cũng giống như Barro, bà Baerbock thừa nhận rằng, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết, Moscow có thể một lần nữa trở thành thành viên chính thức của G7.
Thậm chí, cao trào chính trị còn được Mỹ tiếp tục đẩy lên với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy Nga quay trở lại là “Big Seven”, đồng thời chính quyền của ông đã có sự thay đổi lớn trong cách đánh giá về cuộc xung đột ở Ukraine.
Tờ báo Anh The Financial Times đưa tin, Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối việc gọi Nga là “kẻ xâm lược” trong thông cáo mới của G7 nhân kỷ niệm 3 năm ngày bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ngoài ra, chính quyền Trump đang yêu cầu các đồng minh phương Tây trong G7 phải thay đổi cách nhận diện về những gì đang xảy ra ở Ukraine, đó không phải là một “cuộc xâm lược quy mô lớn” mà là một “cuộc xung đột ở Ukraine”.
Thậm chí, lần đầu tiên sau 3 năm, Hoa Kỳ không đứng tên tác giả soạn thảo một dự thảo nghị quyết chống Nga, chuẩn bị để ban hành nhân kỷ niệm 3 năm Moscow mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt và kêu gọi Liên bang Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Nga: Phương Tây chỉ muốn nhốt Nga trong cái lồng vàng G7
Theo giới phân tích Nga, dường như phương Tây lại tiếp tục dùng con bài G7, gắn nhãn một liên minh của “các nền dân chủ phát triển nhất” để mê hoặc Nga, lấy đó làm điều kiện ép Moscow phải nhượng bộ theo ý phương Tây trong các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine và lớn hơn nữa là muốn bẻ gẫy nanh vuốt của “Gấu Nga”.
Tuy nhiên, họ chắc chắn sẽ không đạt được mục đích của mình bởi phương Tây muốn Nga quay trở lại cũng chưa chắc đã được Moscow đồng ý.
Kể từ năm 2014 đến nay, Nga chưa bao giờ tìm cách quay trở lại G7 sớm nhất có thể.
Điện Kremlin luôn dửng dưng khi giới truyền thống nhắc đến vấn đề này, đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần thể hiện sự không mấy thiết tha trở lại G7, ngay cả Tổng thống Putin cũng đã từng khẳng định, Nga không cần trở lại cái gọi là “G7+1” (tức là bao gồm liên minh 7 nước phương Tây gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nga)
Thậm chí vị Tổng thống Nga còn nhiều lần khẳng định rằng, định dạng G20 là phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, cùng với đó là BRICS cũng đang không ngừng lớn mạnh và mở rộng về quy mô, tầm ảnh hưởng. Do đó, quay trở lại G7 đối với Nga không hề có ý nghĩa gì.
Trải qua gần 2 thập niên là thành viên của G7 (từ năm 1997 đến đầu năm 2014), Nga đã nhận ra rằng, bất luận là về địa-chính trị, hình thái ý thức hay là các tiêu chí kinh tế của G8, Nga chẳng có điểm nào chung với 7 nước kia, thực chất, cuộc hôn nhân gượng ép này chỉ giúp hình thành nên cái gọi là “G7+Nga”, chứ không thể gọi là G8.
Có thể nói, ngay từ khi kéo được Nga vào khối này năm 1997, Washington và các nước đồng minh đã lấy chiêu bài “dân chủ” và “thống nhất hành động” để nhốt “gấu Nga” vào trong “cái lồng vàng G7+1”, để Moscow khỏi vượt tầm kiểm soát, phải nhượng bộ một số quy tắc của 7 thành viên phương Tây.
Hơn nữa, chắc chắn là phương Tây sẽ ép Nga phải đưa ra một số nhượng bộ ở Ukraine, ví dụ như vấn đề chủ quyền bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ Nga mới sáp nhập tháng 9/2022 (Kherson, Zaporozhye, Donetsk, Lugansk), mà đây là “vấn đề không thể tranh cãi” đối với Moscow.
Có lẽ phương Tây sẽ ra điều kiện cho Moscow nếu muốn quay lại G7 thì phải rút quân khỏi Ukraine, tái lập đường biên giới như trước năm 2022, tức là Nga phải trả lại Zaporozhye, Kherson và các khu vực mới chiếm được ở Donetsk, Lugansk kể từ tháng 2/2022 đến nay, các phần còn lại của 2 tỉnh này vẫn thuộc Ukraine và chúng sẽ được Kiev thu hồi lại sau đó.
Tháng 9/2022, Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào lãnh thổ của mình, điều này đã được đưa vào trong Hiến pháp của đất nước nên chắc chắn Moscow sẽ không nhân nhượng, thậm chí sẽ không dừng tay, mà còn quyết tâm đánh chiếm nốt các khu định cư còn lại để kiểm soát hoàn toàn địa giới 4 tỉnh.
Với những nguyên nhân trên, chắc chắn Nga sẽ không tìm cách quay trở lại G7 bằng mọi giá, tất cả các tuyên bố của giới chức Moscow đều cho thấy, Điện Kremlin không mấy mặn mà với ý tưởng trở lại với “cuộc hôn nhân chính trị đồng sàng dị mộng” này.