Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm: Luôn nhớ lịch sử hào hùng

GD&TĐ - Đức vương Ngô Quyền là một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.

Lễ hội Di tích lịch sử Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Ảnh: CTV
Lễ hội Di tích lịch sử Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Ảnh: CTV

Cụm di tích Từ Lương Xâm đã trở thành biểu tượng thiêng liêng gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, và mới đây được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Chứng tích vang dội nghìn thu

Đức vương Ngô Quyền là một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử, chấm dứt hơn 1.000 năm đêm trường Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc.

Với công đức của Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn ông là Thượng đẳng tối linh Đại Vương, Ngô Vương Thiên Tử, vị tổ trung hưng của dân tộc. Hàng trăm công trình di tích đình, đền, miếu… được dựng lên tôn thờ Đức vương Ngô Quyền là Thành hoàng, thần chủ của vùng đất.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Hải Phòng, địa phương này hiện có 50 di tích tôn thờ, phối thờ Đức vương Ngô Quyền thuộc các quận: Ngô Quyền, Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Dương Kinh, Thủy Nguyên, hình thành nên vùng văn hóa rộng lớn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Quyền.

Trong đó, Cụm di tích Từ Lương Xâm trên địa bàn quận Hải An được suy tôn là “Từ Cả” - nơi đứng đầu thờ Ngô Quyền. Đây là chứng tích lịch sử còn lưu giữ lại về một trận Bạch Đằng giang “vang dội đến nghìn thu” với nhiều giá trị lịch sử lớn lao để lại cho hậu thế ngày nay.

Tương truyền, năm 938, Ngô Quyền đã chọn vùng đất Lương Xâm làm bản doanh, nơi chỉ huy chiến trận và làm nên một trận đại chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, nhấn chìm toàn bộ các chiến thuyền của quân xâm lược Nam Hán. Cụm di tích Từ Lương Xâm tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo. Mặt chính nhìn về phía Đông, hướng ra cửa biển Bạch Đằng.

Một trong những điều làm nên giá trị lịch sử của Cụm di tích Từ Lương Xâm bởi nơi đây lưu giữ các hiện vật xuyên suốt thời kỳ dài hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc bao gồm: 125 hiện vật, cổ vật và 25 đạo sắc phong niên đại từ năm 1522 đến 1924 của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn.

Đặc biệt, trong Từ Lương Xâm còn lưu giữ 3 cọc với kích thước khác nhau, đầu vót nhọn - chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938. Thuyền gỗ thờ được sơn son thếp vàng, trang trí hoa lá dạng hoa văn kỳ hà. Phần thân dạng thuyền rồng, có vảy. Ba chiếc cọc và thuyền gỗ là hai hiện vật biểu tượng cho chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938.

Theo lời các bậc cao niên trong làng Lương Xâm, ban đầu, Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm được dựng lên chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nhân dân quen gọi là miếu Dầm. Trải qua thời gian, dưới các triều đại phong kiến về sau này, Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm được dựng lại với quy mô lớn hơn, vào thời Hậu Lê được xây dựng nguy nga và được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Vì vậy, toàn bộ kiến trúc Từ hiện nay mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, chỉ có một số cấu kiện kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Lê.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học cũng như di sản còn lưu giữ, năm 1986, Từ Lương Xâm được công nhân là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và nhân dân địa phương đã đầu tư để trùng tu, tôn tạo di tích.

Năm 2008, khánh thành quần thể di tích khang trang, to đẹp, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân. Sau đó lập đề án dựng tượng đài “Đức vương Ngô Quyền”, thiết kế các hạng mục, quy hoạch di tích, hệ thống vườn hoa cây cảnh phía sau Từ. Năm 2010, Tượng đài và quần thể Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm đã hoàn thành.

Khu Tượng đài “Đức vương Ngô Quyền” bề thế và rộng rãi, nằm song hành cạnh (khu điện thờ). Công trình xây dựng Tượng đài Đức vương Ngô Quyền có ý nghĩa lớn lao, càng làm tăng thêm giá trị, ý nghĩa của khu Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm.

di-tich-quoc-gia-dac-biet-cum-di-tich-tu-luong-xam-3.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Bằng chứng nhận Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm tối 12/2.

Trường tồn cùng lịch sử

Theo cụ Lương Xuân Đết - Trưởng ban Quản lý Cụm di tích Từ Lương Xâm, khi nghe tin Cụm di tích được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, nhân dân trong phường rất vui mừng, phấn khởi.

Cụ Đết nhớ lại, lễ hội Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm hằng năm được tổ chức trong 3 ngày, từ 16 - 18 tháng Giêng, đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất Đức vương Ngô Quyền. Để chuẩn bị tốt cho hoạt động của lễ hội, ngay từ ngày 14 tháng Giêng nhân dân Lương Xâm đã tiến hành các hoạt động tế lễ như: Lễ trình, lễ mở cung, lễ mộc dục, lễ di cung thánh thượng, lễ an vị.

Sáng ngày 15 tháng Giêng, lễ rước thánh tượng ra đình Lương Xâm được tổ chức từ sớm với nghi lễ thành kính, trang nghiêm cùng sự tham gia nô nức của đông đảo nhân dân trong vùng. Sáng 16 tháng Giêng, tượng thánh được rước từ đình về Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm làm đại tế với những nghi lễ truyền thống và kể từ đây các hoạt động của lễ hội chính thức được bắt đầu.

Trước đây, cứ 5 năm một lần, gặp thời “phong đăng hòa cốc”, mùa màng bội thu, nhân dân no đủ thì mọi người dân ở các làng xã thuộc vùng An Dương cũ (Hải An ngày nay) lại tưng bừng mở hội và hợp tế tại Từ Cả Lương Xâm. Nghi thức hợp tế, hợp rước của các đội tế “Tứ linh từ” cùng đội tế của một số di tích ở các làng khác trong tổng được diễn ra bài bản, quy mô, nhịp nhàng và vô cùng cẩn trọng.

Khác với lễ hội của các làng xã khác, Lễ hội Di tích lịch sử Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Trong lễ hội, cuộc hành lễ của hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ.

Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa di tích để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng. Nghi thức tế đám Ngô Vương ở di tích khá đặc biệt: Lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở di tích còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.

Thời kỳ toàn dân kháng chiến, do tình hình ác liệt, Lễ hội Di tích lịch sử Từ Lương Xâm không thực hiện được một cách đều đặn. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc và đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước, nhân dân nơi đây đã từng bước khôi phục tổ chức lại diện mạo lễ hội để nối tiếp truyền thống văn hóa làng xã của những lớp cha ông đi trước.

Thực hiện tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngoài việc chăm lo, phát triển về đời sống, kinh tế, vật chất cho nhân dân, các cấp chính quyền nơi đây đã chú ý quan tâm đến việc quản lý, giữ gìn, tu bổ và tôn tạo lại Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm và khôi phục lại hoạt động lễ hội để nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của nhân dân trong vùng.

Năm 2022, Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, ngày 17/1, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm.

Năm nay, để tri ân công đức to lớn của Đức vương Ngô Quyền, được sự chỉ đạo của TP Hải Phòng, vào các ngày từ 12 – 15/2 (tức từ ngày 15 - 18 tháng Giêng) quận Hải An đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm và tổ chức Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025, đồng thời kỷ niệm 1.087 năm chiến thắng Bạch Đằng, 1.081 năm ngày mất của Đức vương Ngô Quyền.

di-tich-quoc-gia-dac-biet-cum-di-tich-tu-luong-xam-2.jpg
Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm.
di-tich-quoc-gia-dac-biet-cum-di-tich-tu-luong-xam-1.jpg
Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Từ Lương Xâm. Ảnh: CTV - Nguyễn Dịu

Lễ hội truyền thống diễn ra với nhiều nghi lễ và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao. Năm nay, một trong những nét độc đáo mang đậm bản sắc Di sản văn hóa quốc gia là lễ rước truyền thống. Lễ rước truyền thống gồm 7 đoàn rước, gồm: Lương Xâm, Xâm Bồ phường Nam Hải và đoàn rước của các phường: Đằng Hải, Tràng Cát, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Đằng Lâm.

Các đoàn rước với đầy đủ các đồ tế, khí như cờ thần, chiêng, trống, chấp kích, bát âm, long đình, lọng, bát biểu, kiệu bát cống rước về Từ Cả. Cụ Đết cho biết thêm, lễ rước truyền thống đã được truyền giữ qua bao thế hệ, thể hiện tình cảm, lòng tôn kính sâu sắc của cán bộ và nhân dân quận Hải An đối với công lao to lớn của Đức vương Ngô Quyền.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai mạc Lễ hội Từ Lương Xâm tối 12/2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh: Từ Lương Xâm, vùng đất năm xưa được Đức vương Ngô Quyền lựa chọn, dựng đại bản doanh, đắp thành Vành Kiệu, dựng trận địa cọc trên sông Bạch Đằng, góp phần vào chiến thắng lẫy lừng trước quân Nam Hán năm 938, mở ra thời đại tự chủ, nối lại quốc thống cho dân tộc Việt.

Di tích lịch sử Từ Lương Xâm có vị trí đặc biệt trong hệ thống di tích thờ Đức vương Ngô Quyền tại thành phố Hải Phòng. Cùng với những di vật, cổ vật như sắc phong, bia đá, đồ thờ tự, cùng các cấu kiện kiến trúc, mảng chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), là minh chứng rõ nét cho lịch sử tồn tại, phát triển của di tích qua nhiều thế kỷ, trở thành một điểm đến văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng dân cư bản địa và du khách.

Gắn với di tích Từ Lương Xâm, Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành ý thức tình cảm cao nhất khi tâm thức người Hải Phòng hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình để tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn, tôn kính tới Đức vương Ngô Quyền và cùng nhau chia sẻ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, chung tay vì sự cường thịnh, trường tồn của dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước.

Tối 12/2, tại Cụm di tích Từ Lương Xâm, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Cụm di tích Từ Lương Xâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tamiflu là thuốc kê đơn và cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ trước khi sử dụng. Ảnh: INT

Không lạm dụng Tamiflu

GD&TĐ - Trong một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều cha mẹ cũng 'mách nhau' tự mua thuốc Tamiflu về cho con uống trong trường hợp trẻ mắc cúm.