Mỹ làm gì khi lép vế về số tàu phá băng ở Bắc Cực?

GD&TĐ - Một chỉ huy quân đội Mỹ mới đây đưa ra cảnh báo rằng, Mỹ không có đủ tàu phá băng để cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực.

Tàu phá băng Polar Star của Mỹ
Tàu phá băng Polar Star của Mỹ

Tại phiên điều trần mới đây của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Bắc và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, tướng không quân Gregory M. Guillot cho biết, Mỹ hiện thực sự chỉ có một tàu phá băng hạng nặng cho các hoạt động ở Bắc Cực trong khi Nga có khoảng 40 chiếc.

“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ (USCG) trong việc mua thêm tàu phá băng, nhưng ngay cả với số lượng đó, chúng ta cũng sẽ bị áp đảo so với Nga. Điều đó hạn chế quyền tự do hoạt động của chúng ta trong khu vực đó”.

Tàu phá băng là loại tàu chuyên dùng được thiết kế với thân tàu chắc chắn hơn, hình dáng rất đặc biệt và sức mạnh lớn hơn để vượt qua lớp băng dày một cách hiệu quả, dọn đường cho những tàu khác di chuyển trên các đại dương hoặc sông băng.

Tàu phá băng hạng nặng hiện có của Mỹ là Polar Star, và sau đó là tàu phá băng hạng trung Healy. Một chiếc tàu khác đã ngừng hoạt động trong nhiều năm.

Thượng nghị sĩ Angus King của bang Maine bày tỏ quan ngại trong phiên điều trần về "khoảng trống" hoặc việc thiếu tàu phá băng, và kêu gọi quân đội Mỹ không nên trì hoãn việc xây dựng hệ thống phòng thủ vùng cực, trong đó nhấn mạnh đầu tư vào USCG là rất quan trọng để duy trì động lực ở Bắc Cực trong bối cảnh Nga và Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng trong khu vực này.

Theo thượng nghị sĩ Angus King, việc không có đủ tàu phá băng là không hiệu quả, giống như "không có đường để đến nơi bạn cần đến".

Đây không phải là lần đầu tiên có cảnh báo về việc quân đội Mỹ thiếu tàu phá băng.

Mùa thu năm ngoái, Mỹ đã có khoảng cách tàu phá băng đáng chú ý so với Nga. Thượng nghị sĩ Dan Sullivan của bang Alaska vào thời điểm đó cho biết:

"Chúng ta cần đảm bảo rằng, chúng ta đang cố gắng thu hẹp khoảng cách rất lớn về số lượng tàu phá băng so với Nga. Ngay cả năng lực tàu phá băng của Trung Quốc cũng đang trên đà vượt qua chúng ta vào năm 2025, và họ thậm chí không phải là một quốc gia ở vùng Bắc Cực".

Trong hơn 20 năm, USCG đã yêu cầu tài trợ cho Bắc Cực, nhưng những yêu cầu đó đã bị trì hoãn, Phó Đô đốc USCG Peter W. Gautier cho biết vào năm ngoái.

Nga đã triển khai các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên Arktika và Sibir, được coi là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới.

Ngoài việc Nga trở nên năng động hơn, Trung Quốc cũng chia sẻ tham vọng ở Bắc Cực.

Với các mối đe dọa ngày càng tăng ở khu vực này, quân đội Mỹ ngày càng chú ý đến hoạt động huấn luyện ở Bắc Cực.

Lực lượng SEAL của hải quân Mỹ gần đây đã tiến hành các hoạt động huấn luyện sâu ở Bắc Cực, và họ vừa mới kết thúc một cuộc tập trận huấn luyện quy mô lớn ở Alaska để chuẩn bị cho binh lính tham chiến trong môi trường đầy thách thức và nhiệt độ dưới 0.

Giờ đây, các cuộc thảo luận xung quanh việc quân sự hóa Bắc Cực đang được bàn đến nhiều trong bối cảnh có các đề xuất về ngân sách năm tài chính 2025.

Theo Military news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ