Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành đặc biệt có nhiều đóng góp trong công cuộc tái thiết và phát triển giáo dục miền Nam sau năm 1975. Ông không chỉ giảng dạy và quản lý, mà còn đi đến nhiều quốc gia, nghiên cứu các mô hình giáo dục tiên tiến.
Thống nhất từ hai nền tảng khác biệt
Thầy Chu Xuân Thành sinh năm 1935, tại Bắc Giang, tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý tại Trường Đại học Hà Nội và bắt đầu sự nghiệp dạy học từ năm 1958 tại Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương.
Năm 1990, nhà giáo Chu Xuân Thành được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng huy chương danh dự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 1992, ông được tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” vì đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của dân tộc. Năm 1995, ông được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Ngoài ra, ông còn được nhiều bằng khen, huy hiệu 40, 50, 55, 60 năm tuổi Đảng.
Năm 1972, ông sang Đức học về quản lý giáo dục. Trong sự nghiệp, ông lần lượt đảm nhận vai trò giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng tại nhiều trường trung học phổ thông ở miền Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào miền Nam và đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông Trung học tại Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM từ năm 1979 đến 1996.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hệ thống giáo dục tại miền Nam Việt Nam phải đối mặt với một cuộc chuyển mình lớn. Những thay đổi này không chỉ để phù hợp với hệ thống giáo dục của miền Bắc, mà còn hợp nhất với nền giáo dục chung cho cả nước. Thầy Thành nhớ lại, việc khó nhất sau giải phóng là thống nhất chương trình giảng dạy giữa hai miền.
Trước đó, miền Nam sử dụng chương trình của chính quyền cũ, còn miền Bắc có chương trình 9 năm phổ thông. Sau năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời soạn chương trình mới để thay thế toàn bộ chương trình cũ, nhưng vẫn chưa đồng bộ với chương trình miền Bắc. Làm sao để dạy theo một chương trình chung cho cả nước, đây là bài toán khó mà những người làm công tác giáo dục phải xử lý.
Ông Thành chia sẻ rằng, để giải quyết vấn đề này, Viện Khoa học Giáo dục tại Hà Nội cùng Bộ Giáo dục đã đầu tư nhiều công sức nghiên cứu và xây dựng một chương trình giáo dục thống nhất cho cả nước.
Ban đầu, hệ thống giáo dục ở miền Nam tạm thời áp dụng chương trình của chính phủ cách mạng lâm thời, trước khi chuyển sang hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay. Tuy nhiên, một thách thức lớn khác là việc đảm bảo đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, đây là một nhiệm vụ đầy phức tạp.
“Có ba nguồn giáo viên chính. Thứ nhất là giáo viên của chế độ cũ. Miễn là họ không vướng vấn đề chính trị, không đi cải tạo, chúng tôi đều sử dụng. Thứ hai là giáo viên, các cán bộ lãnh đạo chi viện từ miền Bắc, bao gồm cả giáo viên đã vào Nam từ thời chiến tranh, hay còn gọi là đi B và giáo viên được cử vào sau giải phóng. Thứ ba là giáo viên được đào tạo tại các trường sư phạm ở miền Nam”, nhà giáo Chu Xuân Thành cho hay.
Tuy nhiên, việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên để họ nắm bắt chương trình mới không hề dễ dàng. Các lớp bồi dưỡng được tổ chức thường xuyên, nhưng kết quả vẫn hạn chế. “Phải nói rằng, nhiều giáo viên của chế độ cũ rất giỏi. Phần lớn là học sinh giỏi mới vào được sư phạm. Về chuyên môn mà nói mình phải phục họ, mình phải dựa vào họ. Có lẽ nhờ vậy mà họ tôn trọng tôi, vì tôi biết dùng người”, ông chia sẻ.
Một khó khăn khác là sự xuất hiện quá nhiều kỳ thi tại một số thành phố, bao gồm thi tốt nghiệp tiểu học, thi vào lớp 6, thi tốt nghiệp trung học cơ sở, thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. “Thời đó, từ tiểu học đến trung học phổ thông, mọi kỳ thi đều do phòng phổ thông phụ trách, từ việc ra đề, chấm thi đến xét tốt nghiệp.
Quy trình ra đề thi rất nghiêm ngặt, giáo viên tham gia được bảo vệ an ninh cẩn thận. Tuy nhiên, học sinh thời đó lại ít áp lực hơn so với hiện nay. Không phải học thêm, không căng thẳng. Đỗ thì vui, không đỗ thì cũng không có áp lực nặng nề như bây giờ”, ông nhớ lại.

Những chuyến đi đáng nhớ
Trong suốt 17 năm công tác tại Sở GD&ĐT TPHCM, Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành đã tham gia nhiều chuyến đi nghiên cứu giáo dục dưới các hình thức khác nhau. Mỗi chuyến đi không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu mà còn mở rộng tầm nhìn của ông về giáo dục, cả trong nước lẫn quốc tế.
Có lần, ông tham gia một đoàn nghiên cứu giáo dục do Sở Giáo dục và Hội Vật lý TPHCM tổ chức tại Quảng Tây, Trung Quốc. Trong gần một tháng, đoàn đã tham quan và nghiên cứu nhiều mô hình trường học tại đây. Chính trong chuyến đi này, ông đã nhận thấy những sự khác biệt đáng chú ý trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, đặc biệt là việc áp dụng máy vi tính đầy đủ trong các trường học để dạy học sinh từ bậc tiểu học.
Điều này trái ngược với Việt Nam lúc bấy giờ, khi máy vi tính vẫn còn hiếm hoi và chủ yếu được sử dụng cho nghiên cứu của giáo viên. Ngoài ra, hệ thống giáo dục toàn diện của Trung Quốc cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho nhà giáo này.
“Ở Trung Quốc, trẻ con tiểu học đã được học máy vi tính, trong khi ở ta lúc đó máy vi tính còn rất xa lạ. Họ cũng tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ đa dạng, kết nối nhà trường với xã hội, nhiều hình thức độc đáo như lập các đội tuyển thi đấu thể thao ngay tại trường học. Tôi học được nhiều, nhưng đem về áp dụng thì lại khó vì thiếu nguồn lực”, ông nói.
Vào các năm 1996 - 1997, theo lời mời của Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng Anh, ông Chu Xuân Thành tham gia các chương trình phòng chống AIDS cho học sinh tại Thái Lan và Úc. Tại Thái Lan, ông đến các khu ổ chuột - nơi bệnh AIDS hoành hành - để học hỏi các phương pháp giáo dục cộng đồng.
Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo và toàn diện, không chỉ trong trường học mà còn tổ chức tuyên truyền tại khu dân cư, nhà hàng, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Ở Úc, đoàn nghiên cứu của ông tập trung vào thành phố Sydney, đặc biệt là các khu vực đông người Việt. Chuyến đi nhấn mạnh vào việc tiếp cận các khu phố nghèo và tổ chức xã hội để tìm hiểu các biện pháp hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao mắc AIDS.
Mỗi chuyến đi nghiên cứu đều mang lại cho Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành những cảm nhận sâu sắc và khác biệt. Tuy nhiên, chuyến thăm Úc đã để lại trong ông một ấn tượng đặc biệt về sự khác biệt rõ rệt giữa nền giáo dục của quốc gia này và Việt Nam.
Ông nhận thấy rằng, nền giáo dục tại Úc không chỉ vượt trội về chất lượng đào tạo mà còn về cách tổ chức và môi trường học tập. Các lớp học tại Úc được thiết kế với quy mô nhỏ, chỉ khoảng 15 - 20 học sinh, tạo điều kiện để giáo viên có thể tương tác sâu sắc với từng học sinh.
Cơ sở vật chất tại đây cũng rất hiện đại và đầy đủ, đáp ứng tối đa nhu cầu giảng dạy và học tập. Với Trung Quốc, ông cũng nhận ra sự khác biệt lớn về quy mô và tính toàn diện của hệ thống giáo dục.
Điều này khiến ông không khỏi suy nghĩ: “Học hỏi là cần thiết, nhưng liệu những gì mình học được có thể áp dụng tại quê nhà không?”. Những suy tư này không chỉ phản ánh sự thách thức trong việc chuyển hóa các bài học quốc tế thành những giải pháp thực tiễn cho giáo dục Việt Nam, mà còn là động lực để ông nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục trong nước.

Người thầy với tầm nhìn xa
Sau khi nghỉ hưu, nhận thấy sự quá tải trong hệ thống giáo dục công lập, ông đã tiên phong trong việc xây dựng và quản lý Trường Dân lập Ngô Thời Nhiệm - một trong những trường dân lập đầu tiên tại TPHCM.
“Khi đó, tôi muốn giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp để các em học tốt hơn. Đồng thời, tôi chú trọng dạy tiếng Anh để học sinh có thể tiếp cận với thế giới. Ban đầu chỉ mở từ lớp 1 đến lớp 9, nhưng dần dần trường phát triển thành hệ thống như bây giờ”, ông nói.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Ngô Thời Nhiệm, chia sẻ kỷ niệm về nhà giáo Chu Xuân Thành, nguyên hiệu trưởng đầu tiên: “Anh Thành có tầm nhìn xa, giúp trường phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Khi mới thành lập, trường hoạt động trên mặt bằng thuê của một công ty dược phẩm, nhưng anh sớm nhận ra rằng không thể phụ thuộc vào việc thuê mướn”.
Năm 2005, khi mặt bằng bị thu hồi mà không được đền bù, thầy Thành đã lãnh đạo nhà trường xin được đất lâu dài từ UBND TPHCM, đồng thời phê duyệt dự án xây dựng khu nhà ở và Trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm.
Dù gặp khó khăn khi các cổ đông rút vốn, dưới sự dẫn dắt của thầy Thành, đội ngũ giáo viên đã đoàn kết, củng cố niềm tin của phụ huynh, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả là năm 2004, 100% học sinh khối 12 của trường đỗ tốt nghiệp, khẳng định hướng đi đúng đắn của nhà trường.
Vị hiệu trưởng đầu tiên cũng nhớ về lần khai giảng trong năm học đầu tiên 1997 - 1998 ở Trường Ngô Thời Nhiệm. Khi ấy, học sinh cả tiểu học và trung học cơ sở chỉ đứng gọn trong một sân trường nhỏ, thế mà trong lễ khai giảng tất cả các em đã tự hát quốc ca.

“Chúng tôi đã quyết tâm xây dựng trường ra trường, trò ra trò. Sau năm học đầu tiên tôi đã nghĩ tới việc phải có một ngôi trường riêng, không phải đi thuê. Đến nay, khi mỗi lần về thăm trường, tôi lại thấy trường có thêm nhiều cơ sở vật chất cho việc dạy và học được tốt hơn, thậm chí lan sang cả tỉnh Bình Dương”, ông kể trong tự hào.
Những dấu ấn mà nhà giáo Chu Xuân Thành để lại không chỉ dừng lại ở các bước đi chiến lược trong phát triển giáo dục, mà còn ở hình ảnh người thầy tận tâm, luôn truyền cảm hứng và niềm tin cho cả giáo viên lẫn học sinh. Trong những năm tháng gian khó, ông đã góp phần quan trọng giúp nền giáo dục miền Nam hòa nhập và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Ông Thành nhấn mạnh rằng, quản lý hiệu quả không phải là áp đặt hay kiểm soát quá mức, mà là trao quyền và tạo điều kiện cho sự sáng tạo. “Nền giáo dục tốt đến từ sự quản lý giỏi. Phải quản lý giỏi thì mới có những giáo viên giỏi, thật sự cống hiến. Tôi luôn giao nhiệm vụ cụ thể, đặt trách nhiệm rõ ràng và đánh giá dựa trên kết quả thực tế, thay vì can thiệp sâu vào công việc. Chính cách làm này đã giúp đội ngũ giáo viên và chuyên viên phát huy tối đa năng lực”, ông chia sẻ.
Đặc biệt, ông Thành luôn chú trọng lựa chọn những giáo viên xuất sắc từ cả hai chế độ cũ và mới, từ miền Bắc đến miền Nam, bởi ông tin rằng tài năng không có ranh giới. Những người thầy này đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, trở thành nền móng vững chắc cho hệ thống giáo dục chất lượng.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Thời anh Chu Xuân Thành còn công tác ở Sở GD&ĐT, lúc đó tôi là Hiệu trưởng của Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Anh luôn lắng nghe, để chúng tôi tự quyết định cách thức làm việc, không can thiệp quá sâu hay giao những nhiệm vụ ngoài chuyên môn. Anh còn đưa ra lời khuyên hữu ích cho chúng tôi. Chính sự thấu hiểu ấy đã giúp tôi cống hiến hết mình, mang lại hiệu quả cao trong công việc.