Trong giai đoạn 10 năm tới (2025 - 2035), điền kinh Việt Nam sẽ hướng đến một số mục tiêu quan trọng để nâng cao thành tích và phát triển mạnh mẽ trong các đấu trường quốc tế.
Nhiều mục tiêu khó
Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam từ năm 2025 - 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 (Đề án). Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2035 trong 5 kỳ SEA Games tiếp theo, điền kinh Việt Nam duy trì trong 3 thứ hạng đầu nhưng thường xuyên đứng ở hạng nhì và hạng nhất; Từ 2035 - 2045 luôn ở thứ hạng nhất, nhì SEA Games.
Tại đấu trường ASIAD 2030, điền kinh Việt Nam phấn đấu giành 1 Huy chương Vàng, 2 - 3 Huy chương Bạc, Huy chương Đồng. Đến năm 2028 có 2 vận động viên đạt chuẩn chính thức tham dự Olympic. Hướng đến ASIAD 2034, điền kinh Việt Nam phấn đấu giành 2 Huy chương Vàng và từ 3 - 4 Huy chương Bạc, Huy chương Đồng, đứng thứ hạng từ 9 - 12 toàn đoàn; Phấn đấu có 3 - 4 vận động viên đạt chuẩn dự Olympic 2032.
Điền kinh Việt Nam đã đoạt 12 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng SEA Games 32 năm 2023, về nhì sau Thái Lan với 16 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng. Indonesia đứng thứ 3 với 7 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng.
Ở kỳ SEA Games năm nay, điền kinh Việt Nam được nhận định khó có thể đoạt ngôi đầu từ tay chủ nhà Thái Lan, song chúng ta cũng không phải quá lo lắng về nguy cơ không đạt chỉ tiêu đặt ra.
Nhìn từ kết quả đại hội trước, điền kinh Indonesia vẫn còn khoảng cách lớn với Việt Nam về số Huy chương Vàng, 7 và 12, thậm chí họ còn kém nhiều về số Huy chương Bạc, 3 và 20. Chúng ta chỉ thực sự bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm với nhiều biến số khó lường ở đấu trường châu lục và thế giới.
50 Huy chương Vàng ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp của điền kinh Việt Nam, trong đó 2 lần đứng đầu, không đủ tạo dựng một nền tảng để các tuyển thủ môn “nữ hoàng” vững vàng bước ra đấu trường châu Á.
Chúng ta tham dự ASIAD 19 năm 2023 (Hàng Châu, Trung Quốc) với 12 vận động viên cùng chỉ tiêu chỉ là 1 Huy chương Đồng. Thế nhưng, khao khát tưởng chừng nhỏ nhoi ấy cũng không thể trở thành hiện thực.
Những nhân tố tốt nhất, mang trên vai sự kỳ vọng đều chưa thể tiệm cận thành tích có huy chương, trong khi các quốc gia Đông Nam Á lại có thành tích khá tốt, Singapore và Philippines cùng có 1 Huy chương Vàng, Thái Lan có 2 Huy chương Bạc và Malaysia có 3 Huy chương Đồng.
Sự tụt hậu của điền kinh Việt Nam còn thể hiện rõ khi không có suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Các nhà chuyên môn nhận định, thời điểm này, việc vượt chuẩn Olympic trong môn điền kinh là rất khó đối với vận động viên Việt Nam.
Chúng ta cần phải chuẩn bị rất nhiều và cả nguồn lực đầu tư lớn thì mới hy vọng ở một nội dung cụ thể. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: “Để đào tạo một vận động viên điền kinh từ năng khiếu đến thành tích cao phải mất từ 8 - 10 năm”.
Vậy 2 năm tới, điền kinh Việt Nam sẽ làm gì để từ không đến có, cụ thể là 2 vận động viên giành suất chính thức tham dự Olympic 2028, cũng như sẽ bắt đầu chương trình mục tiêu giành Huy chương Vàng ASIAD năm 2030 như thế nào?

Đi tìm… quá khứ
Được ví như môn thể thao nữ hoàng, bởi điền kinh không chỉ có số nội dung thi đấu nhiều nhất mà nó còn khẳng định tầm vóc thể thao mỗi quốc gia qua việc đào tạo được bao nhiêu vận động viên đẳng cấp quốc tế, giành bao nhiêu huy chương ở các sân chơi lớn.
Chính Đề án với chu kỳ 10 năm và tầm nhìn đến 2045 của điền kinh Việt Nam cũng chú trọng đến thành tích tại ASIAD cũng như Olympic. Thậm chí, Đề án về môn thể thao nữ hoàng này còn gánh trên vai sự kỳ vọng thành công, trở thành một mô hình kiểu mẫu cho các môn thể thao khác.
Điền kinh Việt Nam trước năm 2000 gần như là khoảng trắng ở các sân chơi lớn. Chỉ đến khi Bùi Thị Nhung giành Huy chương Vàng nhảy cao châu Á năm 2003, điền kinh mới nhận được sự chú ý hơn.
Dù vậy, điền kinh Việt Nam chưa thể chạm ngưỡng huy chương ở ASIAD 15 (2006). Phải đến kỳ đại hội năm 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), môn thể thao nữ hoàng của Việt Nam mới gặt hái thành quả sau một chu trình nỗ lực kéo dài 7 năm.
Các vận động viên Việt Nam đã giành được 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Đáng chú ý, Trương Thanh Hằng đoạt Huy chương Bạc nội dung chạy 1.500m nữ với thành tích 4 phút 9 giây 58, trong khi Jamal Maryam của Bahrain về nhất với thành tích 4 phút 8 giây 22.
Năm 2014, điền kinh Việt Nam giành 2 Huy chương Bạc, Quách Thị Lan (400m nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa). Nhưng 4 năm sau, cả 2 đều được đền đáp xứng đáng. Thảo giành Huy chương Vàng với cú nhảy hoàn hảo, đạt kết quả 6,55m.
Đây cũng là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam bước lên ngôi vị cao nhất tại một kỳ ASIAD. Quách Thị Lan chỉ về nhì chung kết 400m rào, sau Kemi Adekoya, vận động viên người Bahrain gốc Nigeria. Tuy nhiên, 6 tháng sau đại hội trên đất Indonesia năm 2018, Kemi Adekoya bị phát hiện sử dụng chất cấm.
Vận động viên này bị tước toàn bộ danh hiệu nhận được tại ASIAD, và Quách Thị Lan được đôn lên vị trí số 1. Ngoài 2 Huy chương Vàng của Thảo và Lan, điền kinh Việt Nam còn giành 3 Huy chương Đồng ở các nội dung nhảy 3 bước, chạy 3.000m vượt chướng ngại vật và chạy tiếp sức 4x400m. Toàn bộ 5 huy chương điền kinh ASIAD 18 đều do các vận động viên nữ mang lại.
Cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL) xác định năm 2025 là năm bản lề để chuẩn bị cho nhiều mục tiêu dài hơn ngay sau đó và điền kinh Việt Nam cũng vậy.
Ngay từ đầu năm nay, đội tuyển điền kinh Việt Nam chính thức tập trung 70 tuyển thủ theo các tổ nhóm chuyên môn, thực hiện tập luyện tại 5 điểm gồm Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đại học TDTT Bắc Ninh.
“Chúng tôi vẫn xây dựng chương trình chuyên môn hướng vào chuẩn bị kỹ lưỡng đối với nhóm tổ nội dung trọng điểm. Trong đó, điền kinh Việt Nam tiếp tục tìm thêm con người mới trẻ có triển vọng để đầu tư cho lứa kế cận”, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết và thông tin thêm, trong sự chuẩn bị hiện tại chúng ta có hướng đến thuê chuyên gia nước ngoài tại một số nội dung cụ thể và cách làm chuyên môn sẽ thay đổi triệt để hơn.
Mặc dù vậy, nhân sự đang là bài toán rất khó cho điền kinh Việt Nam trong nỗ lực bứt phá khỏi sân chơi khu vực. Nguyễn Thị Oanh vẫn là gương mặt trụ cột, được đầu tư trọng điểm. Tại SEA Games 32, nữ tuyển thủ sinh năm 1995 này đã giành 4 Huy chương Vàng (nội dung 1.500m, 5.000m, 10.000m, 3.000m chướng ngại vật).
Huấn luyện viên Trần Văn Sỹ tích cực tập luyện cho Nguyễn Thị Oanh để cô đạt thể lực tốt nhất trước khi đến Thái Lan thi đấu. Nhưng nữ tuyển thủ quê Bắc Giang đã chạm trần chuyên môn và bước vào tuổi 30, gần như không thể cạnh tranh đến vị trí có huy chương ASIAD.
Nhóm nội dung nhảy chia tay nhà vô địch nhảy xa ASIAD 18 Bùi Thị Thu Thảo và có sự trở lại của Vũ Thị Ngọc Hà. Trong đó, nội dung nhảy xa, 3 bước nữ có các gương mặt Vũ Thị Ngọc Hà, Hoàng Thanh Giang, Nguyễn Thị Hường, Bùi Thị Loan, chưa tuyển thủ nào trong số này giành được Huy chương Vàng SEA Games.

Vũ Thị Ngọc Hà từng giành 1 Huy chương Vàng (nhảy xa), 1 Huy chương Bạc (nhảy 3 bước) tại SEA Games 31 nhưng cô đã bị tước kết quả do dính doping. Nhóm tuyển thủ Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh là trọng điểm của đội hình tiếp sức 4x400m nữ đồng thời từng người trong tổ được sắp xếp chuẩn bị chuyên môn với nội dung cá nhân 400m và 400m rào.
Nhóm này đã giành Huy chương Vàng nội dung 4x400m nữ tại giải Vô địch tiếp sức châu Á 2024. Mục tiêu đặt ra trước mắt cũng chỉ là nỗ lực về nhất nội dung tiếp sức 4x400m nữ SEA Games 33.
Giải điền kinh vô địch quốc gia được coi là cơ hội lớn nhất tìm kiếm, tuyển chọn lực lượng cho đội tuyển điền kinh quốc gia. Tại giải năm 2024, diễn ra vào tháng 12 tại Đồng Nai, thành tích ấn tượng vẫn là những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Thị Oanh 3 Huy chương Vàng ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật; Quách Thị Lan đoạt 3 huy chương, trong đó Huy chương Vàng nội dung sở trường 400m rào; Lương Đức Phước (1.500m nam); Huỳnh Thị Mỹ Tiên (100m rào nữ), cặp chị em Thanh Phúc - Thành Ngưng chia nhau 2 vị trí dẫn đầu nội dung đi bộ 20km. Nội dung duy nhất có vận động viên dưới 20 tuổi bước lên bục nhận huy chương là 400m rào nam với Lê Quốc Huy (Quảng Nam, 19 tuổi) đoạt Huy chương Vàng với 51,61 giây.
Trong danh sách tập trung đầu năm 2025, điền kinh Việt Nam có nhiều gương mặt trẻ, song tất cả mới dừng ở mức tiềm năng. Ngay cả niềm hy vọng số 1 Trần Thị Nhi Yến (19 tuổi) thống trị cự ly ngắn 100m, 200m giải quốc gia và lần đầu tham dự SEA Games 32 đã giành 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Bạc cũng rất khó để vươn đến vị trí huy chương ở những sân chơi lớn.
Bởi cả 2 cự ly này, điền kinh châu lục có rất nhiều đối thủ sừng sỏ, vượt xa về chuyên môn so với Nhi Yến. Vậy nên, chúng ta phải thừa nhận thực tế, điền kinh Việt Nam hiện không có vận động viên nào thực sự đủ khả năng chinh phục sân chơi châu lục.
Đề án phát triển điền kinh Việt Nam từ năm 2025 đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá cao vai trò phối hợp của Bộ GD&ĐT trong việc vận động học sinh, sinh viên tập luyện ngoại khóa, ngoài giờ học thể dục chính khóa trong trường học. Việc ngành Giáo dục các tỉnh, thành, các trường đại học tổ chức các giải điền kinh học sinh, sinh viên không chỉ góp phần tích cực vào mục tiêu tập luyện thường xuyên, mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ.