Thực tế này khiến nhiều học sinh phải tham gia lao động.
7 triệu trẻ sống trong nghèo đói
Trong căn hộ một phòng tối tăm ở một trong những khu phố nghèo nhất tại Istanbul, Atakan Sahin (11 tuổi), cuộn tròn trên chiếc ghế sofa cũ kỹ cùng anh chị em mình xem tivi, trong khi người mẹ nấu mì ống. Bữa ăn đơn giản là tất cả những gì gia đình sáu người mong đợi vào hầu hết các buổi tối.
Atakan cùng hai em trai và em gái 5 tuổi của cậu nằm trong số 1/3 trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ sống trong cảnh nghèo đói. “Hãy nhìn vào tình trạng của các con tôi. Tôi có bốn đứa con. Chúng không được ăn thịt. Tôi cho chúng đi học với đôi giày rách”, phụ huynh Rukiye Sahin (28 tuổi), cho biết.
Lạm phát cao liên tục, do tiền tệ mất giá và các chính sách kinh tế đã khiến nhiều gia đình phải vật lộn để chi trả cho thực phẩm và nhà ở. Các chuyên gia cho biết, tình trạng này đang tạo ra một thế hệ trẻ em bị mất mát.
Các em buộc phải trưởng thành quá nhanh để giúp gia đình kiếm sống. Theo báo cáo chung năm 2023 của UNICEF và Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 7 triệu trong số 22,2 triệu trẻ em của Thổ Nhĩ Kỳ đang sống trong cảnh nghèo đói.
Sự thiếu thốn đó được thể hiện rõ nét ở những khu phố như Tarlabasi của Istanbul, nơi gia đình Sahin sống chỉ cách Đại lộ Istiklal vài phút đi bộ. Đây là một điểm du lịch sôi động với những cửa hàng sáng đèn và nhà hàng đắt tiền. Trong khi đó, gia đình Sahin ăn uống ngay trên sàn nhà - cùng tầng với nơi cha mẹ ngủ.
Vào những đêm lạnh giá, cả gia đình chỉ có một chiếc bếp đốt củi vụn để giữ ấm. Đôi khi, họ không thể ngủ ngon vì tiếng chuột chạy khắp tòa nhà. Atakan dành cả ngày giúp cha mình lục tung thùng rác để tìm vật liệu tái chế, thêm thu nhập cho gia đình.
Những đứa trẻ nghèo ở Istanbul cũng kiếm tiền cho gia đình bằng cách bán nhiều món đồ nhỏ như bút, khăn giấy hoặc vòng tay tại các quán bar và quán cà phê ở khu giải trí của thành phố. Chúng thường làm việc đến tận đêm khuya.
“Em không thể đi học vì không có tiền. Chúng em chẳng có gì cả. Mọi người có thể cho em biết mình có thể đi học bằng cách nào không? Vào những ngày nắng, khi không đi học, em cùng bố đi nhặt nhựa và những thứ khác. Bố và em bán bất cứ thứ gì tìm được”, Atakan Sahin chia sẻ.
Số tiền đó giúp gia đình Sahin mua thực phẩm cơ bản và chi trả cho anh chị em của cậu đi học. Vào thời điểm Atakan đi học, cậu không có giày dép phù hợp, áo khoác và sách giáo khoa cho lớp tiếng Anh yêu thích.
Gia đình Sahin phải vật lộn để kiếm kinh phí trang trải tiền thuê nhà, tiện ích và các chi phí cơ bản khác khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn. Lạm phát ở mức 47% vào tháng 11/2024, sau khi đạt đỉnh 85% vào cuối năm 2022.
Giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 5,1% vào tháng 11/2024 so với tháng trước đó. Trong hoàn cảnh này, một thế hệ trẻ em tại Thổ Nhĩ Kỳ đang lớn lên mà hiếm khi được thưởng thức bữa ăn đầy đủ gồm thịt tươi hoặc rau.
Rukiye và chồng cô nhận được 6.000 lira (173 USD) phúc lợi của chính phủ mỗi tháng để trang trải chi phí học tập cho các con. Tuy nhiên, gia đình vẫn phải chi trả khoản tương tự cho tiền thuê nhà. “Con trai tôi nói, ‘Mẹ ơi, trời mưa, giày con ướt sũng rồi’. Nhưng tôi có thể làm gì? Nhà nước không giúp tôi. Tôi ở trong phòng này một mình với các con. Tôi còn ai ngoài chúng chứ?”, Rukiye chia sẻ.

Phụ huynh buộc phải lựa chọn
Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek, người được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và kiềm chế lạm phát, cho biết mức lương tối thiểu hàng tháng là 17.000 lira (488 USD) không phải là thấp. Song, ông đã cam kết sẽ tăng mức lương này càng sớm càng tốt.
Mặc dù chính phủ phân bổ hàng tỷ lira cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn, nhưng lạm phát, mà hầu hết mọi người đều cho rằng cao hơn nhiều so với con số chính thức, đã làm giảm bất kỳ khoản viện trợ nào mà nhà nước có thể cung cấp.
Tại các quận như Tarlabasi, tiền thuê nhà đã tăng gấp 5 lần trong những năm gần đây. Nguyên nhân là quá trình đô thị hóa ở trung tâm Istanbul gây áp lực lên thị trường nhà ở cho các gia đình thu nhập thấp.
Các chuyên gia cho biết, những khoản thanh toán phúc lợi không đủ cho hàng triệu người phụ thuộc vào chúng. Điều đó buộc nhiều cha mẹ phải đưa ra những lựa chọn bất khả thi: Họ nên trả tiền thuê nhà hay mua quần áo cho con? Họ nên cho con đi học hay giữ con ở nhà để kiếm thêm một chút kinh phí?
Các tình nguyện viên đang cố gắng làm giảm nhẹ vòng luẩn quẩn của sự thiếu thốn. Mehmet Yeralan, một chủ nhà hàng 53 tuổi, mang những thứ thiết yếu đến cho người nghèo ở Tarlabasi, bao gồm áo khoác, vở và đôi khi là túi gạo.
“Các gia đình đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Họ không thể mua thức ăn cho con hay cho trẻ đi học. Trẻ em ở trên phố, bán khăn giấy để nuôi gia đình. Chúng tôi đang chứng kiến cảnh nghèo đói trầm trọng ở đây”, ông Mehmet Yeralan cho biết.
Hacer Foggo - một nhà nghiên cứu và nhà hoạt động về đói nghèo cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang nuôi dưỡng một thế hệ bị mất mát. Trẻ em phải bỏ học để đi làm hoặc được đưa vào các chương trình dạy nghề, nơi các em làm việc bốn ngày và học một ngày mỗi tuần. Trong khi đó, trẻ chỉ nhận được một phần nhỏ tiền lương tối thiểu.
“Hai triệu trẻ em đang sống trong cảnh nghèo đói trầm trọng. Lao động trẻ em đã trở nên rất phổ biến. Các gia đình chọn những chương trình giáo dục - làm việc này vì trẻ em mang lại một phần thu nhập. Đó không phải là giáo dục thực sự, mà chỉ là lao động giá rẻ”, nhà nghiên cứu Hacer Foggo nhận định và chỉ ra, giáo dục mầm non có thể giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Nếu không có giáo dục mầm non, trẻ em sẽ vẫn bị mắc kẹt - còi cọc về thể chất và không được giáo dục, phải chịu những bất lợi suốt đời.
UNICEF xếp Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ 38 trong số 39 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hoặc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về tình trạng trẻ em nghèo đói trong giai đoạn 2019 - 2021, với tỷ lệ trẻ em nghèo đói là 34%. Những hậu quả bi thảm của tình trạng khốn cùng này đôi khi bùng phát thành vấn đề công khai.
Cái chết của 5 đứa trẻ trong một vụ hỏa hoạn ở thành phố phía tây Izmir vào tháng 11/2024 xảy ra khi mẹ của chúng đang đi thu gom phế liệu để bán. Hình ảnh người cha khóc nức nở, bị còng tay áp giải khỏi nhà tù để dự đám tang của con mình, đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi về sự tuyệt vọng và bất lực mà các gia đình nghèo phải đối mặt.
Nữ phụ huynh Rukiye hoàn toàn hiểu được tình trạng này. “Đôi khi, tôi đi ngủ trong tình trạng đói. Đôi lúc, tôi đi ngủ trong tình trạng no. Chúng tôi không thể tiến lên, mà luôn tụt lại phía sau. Khi không có tiền trong tay, bạn luôn tụt hậu”, Rukiye cho biết.

Trong khi đó, cậu con trai cả của cô vẫn bám víu vào những giấc mơ thời thơ ấu của mình. “Con muốn có phòng riêng. Con muốn đi học đều đặn. Con muốn mọi thứ phải ngăn nắp. Con muốn trở thành cầu thủ bóng đá một ngày nào đó, để nuôi sống gia đình”, Atakan nói.
Trong khi đó, một thiếu niên 15 tuổi ở tỉnh Sirnak, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã lên mạng xã hội để tìm việc làm thay vì đến lớp. Điều đó nhấn mạnh áp lực kinh tế đang đẩy trẻ em ra khỏi trường học và đi làm.
Tại Sirnak, một trong những tỉnh nghèo nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có gần 40% dân số dưới 18 tuổi, nhiều trẻ em phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc tiếp tục học tập hoặc giúp gia đình kiếm sống.
“Nỗi lo lắng về tương lai của các em bắt đầu từ khi còn nhỏ. Đối với nhiều em, quyết định là bỏ học và bắt đầu đi làm. Nhiều gia đình ở đây kiếm được ít hơn mức lương tối thiểu. Trẻ em phải đi làm hoặc nghỉ học nhiều tháng liền để trở thành lao động thời vụ”, Adnan Senbayram, người đứng đầu Công đoàn Công nhân Giáo dục và Khoa học tại Sirnak cho biết. Ông Senbayram chỉ ra sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục, phân loại trường học thành “tốt” hoặc “xấu”.
Đó được coi là một yếu tố khác khiến học sinh bỏ học. Nhiều trẻ em cảm thấy rằng, nếu không được vào học ở một ngôi trường được gọi là “tốt”, triển vọng nghề nghiệp tương lai của chúng sẽ rất ảm đạm. Điều này, cùng với thiếu cơ hội việc làm cho những người tốt nghiệp đại học, khiến nhiều học sinh tìm kiếm việc làm thay vì học tập. “Chính phủ nên xây dựng các chương trình giúp tái hòa nhập những người lao động thời vụ và trẻ bỏ học trở lại trường”, ông nói thêm.
Lao động trẻ em là một vấn đề tồn tại lâu đời ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực kinh tế khó khăn. Một báo cáo của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, hơn 759.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 đã tham gia lao động vào năm 2023, chủ yếu là ở lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hoặc các công việc dịch vụ lương thấp. Tuy nhiên, một báo cáo của Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) Veli Agbaba tuyên bố, số lượng lao động trẻ em đã vượt quá 1 triệu. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết nhiều công ước quốc tế, bao gồm công ước do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đặt ra, cấm lao động trẻ em, việc thực thi vẫn là một thách thức.