Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực, các địa phương đồng loạt triển khai kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm tại trường học và trung tâm ngoài nhà trường.
Tăng cường kiểm tra
Mới đây Sở GD&ĐT Hải Phòng kiểm tra đột xuất các trường học trên địa bàn việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Tổ chức quán triệt, phổ biến và tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh về quy định mới; yêu cầu cán bộ, giáo viên ký cam kết thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, sở đã lập đoàn kiểm tra đột xuất các trường học thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm. Thời gian kiểm tra bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngoài giờ hành chính. Theo đó, đoàn thực hiện kiểm tra 7 đơn vị gồm 4 trường THPT: Kiến Thụy, Kiến An, Thụy Hương, An Dương; Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An) và một số đơn vị thuộc 2 phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng, An Dương.
Theo ông Ngô Văn Nhậm - Phó Chánh Thanh tra, Phụ trách Thanh tra Sở GD&ĐT Hải Phòng, tại thời điểm kiểm tra, các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm. Trường THPT Kiến An (quận Kiến An) dừng dạy thêm ngay khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành.
Nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm cho học sinh thuộc 3 đối tượng được quy định tại Thông tư 29. Để thầy cô có năng lực, nguyện vọng dạy thêm chính đáng ngoài nhà trường, lãnh đạo các trường học yêu cầu giáo viên báo cáo hiệu trưởng và cam kết không dạy học sinh của mình ở lớp học có thu phí.
Tại TPHCM, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) có kế hoạch kiểm tra nhằm đưa hoạt động vào khuôn khổ.
Chia sẻ của ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức và cơ sở giáo dục quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục TPHCM thực hiện nghiêm túc quy định; có kế hoạch kiểm tra, rà soát; kiên quyết không để xảy ra việc dạy thêm, học thêm trái quy định trong và ngoài nhà trường...
“Riêng với Phòng GD&DT TP Thủ Đức và quận, huyện, ngoài những nội dung trên, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của chủ tịch UBND các địa phương về việc hướng dẫn, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đặc biệt, có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền các trường hợp vi phạm quy định”, ông Minh cho hay.

“Mạnh tay” xử lý nếu vi phạm
Ngày 17/2, Tổ công tác của UBND phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân, TPHCM) kiểm tra đột xuất Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên (tên pháp lý là Công ty TNHH Giáo dục văn hóa Trạng Nguyên). Theo đại diện đoàn công tác, tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận ở tầng trệt trung tâm có 18 học sinh độ tuổi tiểu học.
Trong đó, một số em luyện chữ, còn đa số học môn Tiếng Việt. Các em được học dưới sự hướng dẫn của cô giáo tại trung tâm. Với những vi phạm theo Thông tư 29, trung tâm này bị dừng hoạt động từ ngày 17/2, trả toàn bộ học sinh tại trung tâm về gia đình, tháo gỡ toàn bộ bảng hiệu quảng cáo. Thời gian tới, nếu cơ sở đáp ứng đủ điều kiện Thông tư 29 thì có thể tiếp tục hoạt động.
Liên quan đến triển khai Thông tư 29, bà Phan Thị Mịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM), nhấn mạnh, các trung tâm dạy thêm, học thêm trên địa bàn phải tuân thủ đúng quy định. Đồng thời, lãnh đạo phường đề nghị hiệu trưởng các trường tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên và phụ huynh nắm rõ nội dung Thông tư. “Thời gian tới, địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm dạy thêm và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định”, bà Mịnh khẳng định.
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh chia sẻ, giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải tuân thủ đúng quy định. Cụ thể, việc dạy thêm phải thực hiện tại nơi có đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh, trung tâm dạy thêm, học thêm) được Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện cấp phép. Nếu giáo viên có nhà riêng hoặc phòng học đủ điều kiện cho cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm thuê thì được phép dạy tại trung tâm này như những trung tâm khác.
“Giáo viên trường công lập được đứng lớp để dạy thêm ngoài trường học nhưng không tham gia điều hành hay quản lý việc dạy thêm này. Đối với giáo viên không phải trường công (giáo viên trường tư thục hoặc giáo viên dạy tự do…) được dạy thêm học sinh ngoài trường học nhưng không dạy học sinh tiểu học, trừ lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”, ông Minh nhấn mạnh.
Để triển khai đúng Thông tư 29, Phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM) đã yêu cầu các trường phổ biến đến giáo viên, đảm bảo nắm vững quy định để thực hiện đúng. Đồng thời, giáo viên cần rà soát, cập nhật thông tin về cơ sở giảng dạy, kiểm tra được cấp phép hoạt động hay chưa. “Khi giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường phải dạy ở cơ sở có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Những giáo viên trường công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Trong tháng 2/2025, phòng GD&ĐT phối hợp với UBND các phường thành lập tổ kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Với những sai phạm phát sinh (nếu có) sẽ được xử lý nghiêm”, bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM) cho hay.
Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: “Đơn vị đang tích cực triển khai các bước tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Bản dự thảo được xây dựng dựa trên nguyên tắc, quy định tại Thông tư 29 và tình hình cụ thể của giáo dục Hải Phòng.
Sở đang tiến hành lấy ý kiến góp ý dự thảo từ các sở, ngành liên quan và cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành. Đồng thời, sở GD&ĐT phối hợp với sở Tài chính tham mưu cấp kinh phí liên quan đến công tác dạy thêm trong nhà trường theo quy định của Thông tư 29”.