Để sinh viên, giảng viên đều được "hưởng lợi" từ đánh giá

Để sinh viên, giảng viên đều được "hưởng lợi" từ đánh giá

(GD&TĐ) - Lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên là một trong những phương cách tối ưu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đã được thực hiện khá sớm tại nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới. Thực tế triển khai chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên từ 2 năm qua (ngày 27/5/2010) đã cho thấy, trường ĐH, CĐ nào có phương pháp tổ chức tốt, trường đó có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Tuy nhiên, bước đi ban đầu ở nhiều trường vẫn còn khá lúng túng. Trong phạm vi bài viết này, báo ngành xin gợi mở một số cách làm có tính “hiến kế” từ cơ sở.

Lấy ý kiến phản hồi của người học là góp phần thực hiện dân chủ trong GD
Lấy ý kiến phản hồi của người học là góp phần thực hiện dân chủ trong GD

 Cần tính đến những “rào cản”

Trước khi triển khai việc lấy ý kiến phản hồi của SV về phương pháp giảng dạy của GV, lãnh đạo nhiều trường đã gặp khó khăn không ít từ sự phản ứng của đội ngũ, khi cho rằng, đây là việc làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy trên bục giảng.

Song, chỉ một thời gian sau đó, các trường đều nhận ra rằng, một bộ phận GV có phản ứng gay gắt đều do thiếu tự tin vào năng lực của chính mình, hoặc là tư duy còn nặng ở phương pháp giáo dục truyền thống “thầy đặt đâu, trò ngồi đấy”, chỉ có thầy cô giáo mới có quyền đánh giá sinh viên. Những GV giỏi và tâm huyết thường mong muốn công sức, khả năng mà họ bỏ ra được SV nhìn nhận ở mức độ như thế nào. Cho tới nay, đa số giảng viên của các trường đều đã theo guồng vận hành chung để cải thiện thực trạng. 

Tuy nhiên, việc tiến hành lấy ý kiến phản hồi của người học lại không đơn giản. Khó khăn lớn nhất vẫn là từ phía SV. Ngay từ khi còn học ở phổ thông, các em vẫn quen với lối học thụ động, chưa biết làm chủ kiến thức, nhất nhất “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”, thầy bảo sao, trò nghe vậy.

Không ít học sinh bị thầy xếp vào hạng “vô lễ” chỉ vì dám tranh cãi về một chi tiết nào đó trong bài giảng của thầy. Một bộ phận SV khác lại có thái độ học tập chây lười, chỉ thích được học với những thầy cô dễ dãi, dạy ít cho điểm nhiều. Có những SV lại ỷ vào cán bộ lớp, cho việc đánh giá của cá nhân mình không quan trọng nên đánh giá đại khái qua loa cho có mà thôi. 

Thiếu phương pháp đánh giá là một nguyên nhân khá cơ bản của hiệu quả thấp. Hiện nay, do chưa có quy định thống nhất về quy trình, nội dung, cách thức đánh giá nên còn tồn tại mỗi trường mỗi kiểu. Có trường hiệu trưởng chịu trách nhiệm việc đánh giá, có trường giao cho phòng công tác quản lý sinh viên, có trường lại giao cho từng khoa…

Thường thì các trường, khoa tự tạo ra mẫu phiếu đánh giá riêng và yêu cầu các giảng viên phân phát cho sinh viên trước khi kết thúc mỗi khóa học, cho đánh dấu vào các ô trống, hoặc khoanh tròn ở  ô có ghi sẵn điểm số. Nội dung chi tiết, các cột mục đánh giá ở trường này cũng không giống trường khác.

Thực tế cho thấy, trường nào có được đội ngũ có tính chuyên nghiệp trong điều hành việc lấy ý kiến phản hồi của SV thì trường đó dễ thành công. Bởi vì nếu phiếu đánh giá GV chỉ là những vấn đề sư phạm đơn giản như là việc lên lớp có đúng giờ, có thân thiện, cởi mở với SV, giọng điệu có rõ ràng hay không thì không có gì phải tranh luận, bàn cãi nhiều.

Tuy nhiên, đi vào chi tiết dữ liệu với các vấn đề nghiêm túc thì đa số thường phức tạp hơn nhiều, rất khó mà  tạo được sự đồng thuận. Chẳng hạn, nếu giáo viên A là nhiệt tình, giảng bài dễ hiểu nhưng lại ít ứng dụng CNTT hay ứng dụng thiếu hiệu quả; giáo viên (GV) B ít đảm bảo về giờ giấc, nhưng có kiến thức rộng, kích thích được hứng thú học tập của học sinh, thì trong những trường hợp như vậy, rất có khả năng SV dễ ủng hộ cho 2 GV nói trên, khi đánh giá sẽ đại khái, qua loa ở các mục chấm điểm khác.

Khi nhà trường không có sự chuẩn bị công phu, khoa học ở phiếu đánh giá, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng, đa số mọi người khi đọc các phiếu đánh giá của sinh viên sẽ tự mình dùng một hệ quy chiếu đánh giá riêng, từ đó có thể dẫn tới sự không công bằng, khi mà người ta thường dùng những hệ quy chiếu hà khắc hơn đối với những ai mà cá nhân họ không thích, tệ hại hơn, cả GV và SV sẽ coi nhẹ phiếu đánh giá.

Vì vậy, một số trường đại học trên thế giới đã công phu tới mức sử dụng các kỹ thật để phân tích quan điểm công chúng và các phiếu đánh giá của SV được dùng thường xuyên, hơn thế, còn được coi như một hình thức nghiên cứu thị trường.  

Mô hình đáng được nhân rộng

Tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, sau 2 năm thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, việc tiến hành điều tra ý kiến SV đã không còn nhận sự phản ứng gay gắt từ đội ngũ như những ngày đầu, mà còn minh chứng khá rõ ràng cho sự chuyển biến về chất. Trong quản lý chất lượng hiện đại, triết lý hướng đến khách hàng đang đóng vai trò chủ đạo.

Từ chỗ xác định: đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục qua ý kiến của khách hàng-trong đó khách hàng trọng tâm-người học là hết sức cần thiết; lãnh đạo Trường đã giao công việc lấy ý kiến phản hồi của người học cho tổ khảo thí và đảm bảo chất lượng. Trong đợt khảo sát học kỳ I năm học 2011-2012 vừa qua, Trường đã tiến hành khảo sát ý kiến SV về công tác giảng dạy của 104 GV ở 11 khoa.

Những GV này được chọn ngẫu nhiên theo cụm, đảm bảo mỗi khoa đều có số lượng GV tương đương nhau. Các bước được tiến hành như sau: Thông báo về kế hoạch thực hiện chung; Lập danh sách GV, danh mục các học phần, tín chỉ, tổng số người học đối với mỗi học phần, tín chỉ mà GV đang giảng dạy; Xác định quy mô tối thiểu số người học tham gia đánh giá đối với mỗi học phần, tín chỉ; Tổ chức để người học thực hiện trên phiếu, không phát phiếu nếu người học nhận phiếu thấp hơn quy mô tối thiểu; Thu phiếu, phân loại phiếu và xử lý số liệu thống kê; Sử dụng kết quả thống kê; Thực hiện chế độ lưu trữ.

Các tiêu chuẩn, tiêu chí khảo sát được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của Trường và công văn hướng dẫn của Bộ, trong đó, ghi rõ các nội dung cần khảo sát ý kiến SV bao gồm: Nội dung và PP giảng dạy của GV; Tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và việc sử dụng phương tiện dạy học của GV; Trách nhiệm, sự nhiệt tình của GV đối với người học và thời gian giảng dạy của GV; Khả năng của GV trong việc khuyến khích sáng tạo; tư duy độc lập của người học trong quá trình học tập; Sự công bằng của GV trong kiểm tra đánh giá quá trình và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học; Năng lực của GV trong tổ chức, hướng dẫn và tư vấn hoạt động học cho người học; Tác phong sư phạm của GV; Các vấn đề khác.

Phiếu thăm dò ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của GV gồm 2 phần: Phiếu thăm dò ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của GV gồm 2 phần; Phần 1 gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm và phần 2 là nội dung mở để SV đưa ra những nhận xét và những đề xuất đối với GV.

Giảng viên được đánh giá theo 6 tiêu chí: Kiến thức giảng dạy, PP giảng dạy, Phương tiện tài liệu, Kiểm tra đánh giá, Quan hệ giao tiếp và Đánh giá chung. Phiếu điều tra sử dụng thang đo Likert với 4 mức đánh giá: Hoàn toàn không đồng ý; Không đồng ý; Đồng ý một phần; Hoàn toàn không đồng ý. Mỗi câu hỏi trong bộ phiếu khảo sát có 4 mức đánh giá ( Tốt, Khá, Trung bình, Yếu ). Mỗi khu vực đo lường trên tương ứng với từng nhóm câu hỏi trong bộ câu hỏi gồm 30 câu. Tùy theo số lượng câu hỏi trong mỗi nhóm, các thang đo của từng nhóm có giá trị được quy về giá trị trung bình của nhóm.

Kết quả phân tích bằng phần mềm SPSS cho thấy hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha của bộ công cụ rất cao và hệ số tương quan của mỗi câu hỏi đối với toàn bộ các câu hỏi còn lại đạt giá trị lý tưởng; chứng tỏ các câu hỏi có tính đồng hướng cao, cùng đo đúng cái cần đo; hay có thể nói, các câu hỏi có chất lượng tốt.

Tính khách quan trong quy trình tổ chức đánh giá GV của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng còn thể hiện ở việc, các lãnh đạo, cán bộ quản lý tham gia giảng dạy cũng được đánh giá tương tự như với GV; kết quả sau khi xử lý phiếu thăm dò, lần thứ nhất được niêm phong trong phong bì có đóng dấu của nhà trường gửi riêng đến từng người được đánh giá.

Chỉ khi kết quả thăm dò lần thứ hai có những tồn tại lặp lại như lần thứ nhất thì mới phải chuyển cho khoa xử lý và nếu tái lặp, hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm việc xử lý. Nhiều SV năm thứ tư của Trường ĐHSP Đà Nẵng đã thừa nhận: các thầy cô giáo của Trường giảng dạy nhiệt tình, đầu tư vào bài giảng ở trên lớp nhiều hơn so với năm học trước, hạn chế rất nhiều tình trạng đọc-chép tài liệu.

Ông Đặng Quốc Hòe, phụ trách khảo thí  và đảm bảo chất lượng  bộc bạch: “ Ngay bản thân tôi khi chờ đợi kết quả đánh giá từ phía SV cũng rất hồi hộp. Trước mỗi lần lên lớp để giảng dạy, tôi đều phải chuẩn bị thật chu đáo để không làm mất niềm tin của các em và của cả đồng nghiệp”…

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.