(GD&TĐ)-Với mục đích nhằm xem xét mức độ đáp ứng của nhà trường về các tiêu chuẩn mà Bộ GD&ĐT đặt ra, từ đó có một cái nhìn tổng thể về các hoạt động của nhà trường; cho phép nhận ra những điểm mạnh, yếu của nhà trường..., công tác tự đánh giá được lãnh đạo các trường khẳng định là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để sau tự đánh giá, chất lượng của nhà trường được cải tiến theo chiều hướng tích cực còn là một dấu hỏi mà nhiều trường băn khoăn...
Sinh viên trường ĐH Thủy lợi |
Khó khăn nhân lực, kinh phí
Tự đánh giá trường là một việc rất lớn, rất cần thiết và cũng rất khó khăn, đó là nhận định chung của nhiều cán bộ làm công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng tại các trường ĐH. Trong đó, nổi lên là hai cái khó là nhân lực và kinh phí.
Ths.Lê Minh Tuấn, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng GD-ĐT (Học viện Kỹ thuật quân sự) cho biết, vì là trường kỹ thuật nên trường hiện không có đồng chí nào được đào tạo có chuyên môn nghiệp vụ về công tác đánh giá chất lượng giáo dục. Cơ quan đảm bảo chất lượng của trường cũng chỉ được đi tập huấn một vài ngày và mới tiếp cận được một số khái nhiệm. Theo Ths.Lê Minh Tuấn, đây chính là khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tự đánh giá.
Những khó khăn mà trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đề cập đến trong công tác tự đánh giá cũng chủ yếu liên quan đến vấn đề nhân sự. TS.Lê Văn Huy, Trường ĐH Kinh tế cho biết, trong giai đoạn triển khai, nhà trường cho có cán bộ chuyên trách được đào tạo về công tác kiểm định chất lượng, do vậy, công việc vẫn tập trung vào ban thư ký nên đôi lúc xảy ra tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, vì đây là công việc khá mới mẻ nên nhận thức của cán bộ công chức đối với hoạt động tự đánh giá chưa thực sự sâu sắc. Nhà trường cũng chưa có kinh nghiệm về công tác kiểm định chất lương. Tuy đã cử một số chuyên gia tham gia tập huấn tự đánh giá nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, kinh nghiệm vẫn còn những hạn chế nhất định.
Nhận thức ban đầu của cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên về lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục còn rất mơ hồ; các cán bộ tham gia các nhóm chuyên trách không được đào tạo có hệ thống về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục và phần lớn chưa được tập huấn về nghiệp vụ của lĩnh vực này, đó là nhận định của TS. Hồ tấn Sinh – Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.
TS.Hồ Tấn Sinh cho rằng, khó khăn lớn nhất trong quá trình tự đánh giá là làm sao để toàn thể cán bộ nhân viên các khoa, phòng, ban và sinh viên từng bước hình thành được văn hóa chất lượng làm cơ sở cho mỗi thành viên trong nhà trường đều biết công việc của mình và của những người liên quan về chất lượng và nhận thức được rằng, tự đánh giá phải là quá trình liên tục, đồng bộ, được thực hiện thường xuyên, chuyên nghiệp mà ai cũng có trách nhiệm phải tham gia, từ đó, tạo nên được sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của mọi thành viên trong nhà trường.
Bên cạnh nhân sự thì vấn đề kinh phí cho các hoạt động đảm bảo chất lượng chưa được cấp hàng năm nên hạn chế tính chủ động trong kế hoạch cũng là một khó khăn được đại diện nhiều trường nhắc tới.
Nên có cơ chế giám sát các hoạt động cải tiến chất lượng sau tự đánh giá
Sau tự đánh giá, do công việc sự vụ quá nhiều và do thiếu sự lãnh đạo cũng như kế hoạch cải tiến chất lượng nên tất cả mọi việc đều trở lại như cũ, chưa có thay đổi đáng kể nào về chất lượng. Cần có sự cam kết của lãnh đạo nhà trường trong công tác kiểm định chất lượng, nếu không có sự lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo, công tác cải tiến chất lượng không thể thực hiện được hoặc không thành công được. Đó là nhận định rất đáng phải suy nghĩ của TS. Nguyễn Kim Dung, Trường ĐHSP TP.HCM.
Là một trường ngoài công lập, vốn có những khó khăn khá lớn về nguồn nhân lực, vật lực, tài chính, TS. Hồ tấn Sinh – Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cho rằng, việc xây dựng một kế hoạch/tiến trình triển khai công tác tự đánh giá với đầy đủ các nội dung và điều kiện kèm theo hợp lý và khả thi là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của chương trình. Bên cạnh đó, khi xây dựng chương trình hậu tự đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng, cần tập trung vào khâu xây dựng các mục tiêu và giải pháp thực hiện mục tiêu đào tạo và về sự chuẩn bị nguồn nhân, vật lực cho giai đoạn kế tiếp...
Còn theo TS.Nguyễn Văn Minh – Trung tâm đảm báo chất lượng ĐH Ngoại thương, để hoạt động cải tiến chất lượng sau kiểm định ở các trường ĐH, CĐ đi vào thực chất và có hiệu quả, nên có và đẩy nhanh hơn nữa các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác đảm bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục. Nên tổ chức thường xuyên hơn các buổi giao lưu, tọa đàm, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các trung tâm đảm bảo chất lượng của các trường ĐH với nhau, tạo sân chơi chung cho các trung tâm đảm bảo chất lượng cùng đẳng cấp và trình độ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng một số hình mẫu quản lý chất lượng điển hình với nhiều mức độ khác nhau để các trường học tập và làm theo. Hình mẫu nên lựa chọn sao cho đa dạng, điển hình để các trường với quy mô và trình độ phát triển khác nhau đều có thể học hỏi kinh nghiệm được...
Hiếu Nguyễn