Trong đó yêu cầu các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; xây dựng, sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học.
Bộ quy tắc ứng xử cần bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách học sinh; phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận; phù hợp với quy định của pháp luật; phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường, ngành giáo dục; đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi; bảo đảm tính dân chủ và nhân văn.
Yêu cầu đối với bộ quy tắc ứng xử: Phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Nội dung phải được thảo luận dân chủ và đồng thuận của các thành viên trong nhà trường.
Thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa con người với con người (thầy - thầy, thầy - trò, thầy - phụ huynh, trò - trò, trò - phụ huynh) và quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan.
Phải được theo dõi, kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việc xây dựng, sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học, yêu cầu khi xây dựng nội dung khẩu hiệu cần phù hợp với mỗi cấp học, phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của địa phương.
Ngôn ngữ trình bày là ngôn ngữ chính thống dùng trong nhà trường, không sử dụng từ địa phương, từ lóng; có thể sử dụng song ngữ trong một số trường hợp cụ thể nhưng tiếng Việt phải đặt trước các ngôn ngữ khác.
Mỗi cấp học, trình độ đào tạo cần có những khẩu hiệu riêng phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhà trường, của người học. Hình thức thiết kế khẩu hiệu tùy vào vị trí treo khẩu hiệu hoặc trang trí mỹ thuật phù hợp với cấp học. Vị trí đặt khẩu hiệu cần dễ quan sát, dễ đọc, không bị che khuất và phù hợp với nội dung tuyên truyền…