Khó lựa chọn đào tạo các nghề nông nghiệp
Trung bình mỗi năm, huyện Quốc Oai, Hà Nội đào tạo cho khoảng 1.500 – 1.700 lao động nông thôn ở cả hai nhóm nghề: Nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, số lao động học nghề phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ 70%, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ hàng năm.
Thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Phòng LĐ-TB&XH huyện Quốc Oai đã tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo 1956 của huyện, tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã khảo sát nhu cầu và đăng ký đào tạo nghề với UBND huyện.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Quốc Oai đã tổ chức 228 lớp đào tạo nghề cho 8.096 lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Trong đó, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau đào tạo chiếm hơn 33,8%; số lao động tự tạo việc làm chiếm gần 59%.
Huyện cũng đã triển khai 3 mô hình thí điểm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương thức đặt hàng, bao gồm: Đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp theo đặt hàng của chủ doanh nghiệp; Đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển các làng nghề; và đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, cam kết bao tiêu sản phẩm cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quốc Oai cho biết, việc triển khai có hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cũng cho thấy những khó khăn, bất cập. Tình hình dịch bệnh thiên tai diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc lựa chọn các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, hoặc ký hợp đồng tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người lao động nông thôn…
Một số doanh nghiệp không mặn mà trong việc hợp tác với các cơ quan chức năng để đào tạo nghề cho người lao động vào các vị trí việc làm yêu cầu phải qua đào tạo, do phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lao động không qua đào tạo.
Hướng đào tạo theo vị trí việc làm
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chưa gắn với doanh nghiệp và nhu cầu thực tế là một khó khăn của huyện Quốc Oai nói riêng, và cũng là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Văn Tiến – nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Sau 10 năm thực hiện, việc lựa chọn ngành nghề nông nghiệp để đào tạo còn dàn trải, chưa bám theo yêu cầu đào tạo một bộ phận nông dân để làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ ra vấn đề đào tạo nghề nông nghiệp theo vị trí làm việc của doanh nghiệp nông nghiệp. Theo đó, phải có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thì mới phát sinh nhu cầu đào tạo.
Một hướng khác được đặt ra là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), để triển khai thì công tác nghiên cứu cơ bản, đưa khoa học kỹ thuật và các điều kiện khác, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm phải được thực hiện trước rồi mới đặt ra vấn đề đào tạo. Khi đó người lao động sẽ áp dụng được kiến thức đã học của mình vào tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Bên cạnh đó, đào tạo để người lao động nông thôn khi mất việc vẫn có thể chuyển đổi sang ngành nghề khác cũng là một yêu cầu quan trọng được đặt ra trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt đối với nghề nông nghiệp, xác định đào tạo phải gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tiên tiến hiện đại và gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp với lợi thế của từng địa phương.