Đào tạo nghề lao động nông thôn: Kém hiệu quả vì thiếu liên kết

Bên cạnh sự chuyển biến tích cực, một số chuyên gia cho rằng, đề án còn thiếu sự liên kết để tăng hiệu quả đào tạo nghề.

Đào tạo gần 10 triệu lao động nông thôn

Đánh giá về quá trình thực hiện đề án, ông Mạc Văn Tiến - chuyên gia lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội cho biết, khoảng 10 triệu lao động được đào tạo đã góp phần tăng năng suất và chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng tỷ trọng khu vực sản xuất, công nghiệp, dịch vụ…

Nó cũng góp phần vào công tác giảm nghèo. Nhiều lao động nông thôn sau học nghề đã có hoặc tự tạo việc làm, khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Có những người tự thoát nghèo rồi giúp những người khác.

Thành công nhất của đề án là làm thay đổi đáng kể nhận thức của người lao động nông thôn về sản xuất nông nghiệp. Thông qua việc được đào tạo kỹ năng, người lao động nông thôn đã chuyển hướng sản xuất sang áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại làm giảm hiệu quả của đề án. Về vấn đề sử dụng nguồn lực, đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu thực tế của lao động nông thôn ở từng địa phương. Một số nơi dân cần thì không được đào tạo. Có nơi tổ chức đào tạo nghề không phù hợp với thực tế ở địa phương, dẫn đến tình trạng đào tạo xong, người lao động không thể hành nghề.

Công tác quản lý vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích, chỉ tiêu mà không vì người học. Thậm chí có trường hợp một người được học nhưng mấy cơ quan, tổ chức nhận thành tích đào tạo.

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đối tác trong xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nghề, gắn với đầu ra sản phẩm sau đào tạo, sản xuất. Chưa tạo lập được thị trường ổn định để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Tạo cơ chế liên kết bền vững

Mỗi địa phương đều có đặc thù khác nhau. Do đó, việc đào tạo lao động nông thôn rất cần sự linh hoạt, nhạy bén với nhu cầu của thị trường.

Thực tế, một số mô hình đào tạo nghề đã giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu như: Trồng chè, chăn nuôi gà, lợn… tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn. Nhưng, bên cạnh đó các mô hình đào tạo nghề trồng nấm, mận ở Điện Biên, Sơn La… dù cho năng suất cao, nhưng không tiêu thụ được sản phẩm, khiến việc đào tạo nghề trở thành không hiệu quả. Người dân phải quay trở lại làm những công việc cũ với năng suất, chất lượng thấp.

Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, nhận thức của người dân đã có chuyển biến tích cực. Trước đây, họ đi học theo phong trào. Đến nay, họ đã xác định đi học để tiếp thu, cập nhật kiến thức làm nông nghiệp có hiệu quả. Học để nắm bắt được kỹ năng, tìm được việc làm trong các doanh nghiệp.

Trong những năm đầu thực hiện đề án, số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều. Đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng khó khăn… nơi còn ít điều kiện phát triển kinh tế. Việc tiêu thụ sản phẩm của lao động nông thôn ở nhiều nơi bị đình trệ, tác động ngược lại kết quả đào tạo. Sau đào tạo ứng dụng vào sản xuất cho năng suất và chất lượng cao, nhưng rất khó khăn trong việc tiêu thụ.

Vấn đề cho thấy, trong giai đoạn mới, việc liên kết 4 nhà (nhà trường - nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp) đặt ra yêu cầu về điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện dạy nghề, học nghề. Đặc biệt khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, tuyển dụng và bao tiêu sản phẩm.

Đề án 1956 được triển khai nhằm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động, chuyển hướng đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và thị trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ