Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nỗ lực về đích trong bối cảnh dịch bệnh

GD&TĐ - Sau 10 năm thực hiện, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã góp phần tích cực làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người lao động,...

Lớp dạy nghề may công nghiệp cho LĐNT là phụ nữ dân tộc Dao, Tày  tại xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho LĐNT là phụ nữ dân tộc Dao, Tày tại xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, trong giai đoạn 2010 - 2019, đã có 9,6 triệu lao động nông thôn (LĐNT) được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án là 11,03 triệu người. Số LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 85% kế hoạch.

Tại các địa phương, đã có trên 164.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo, trên 270.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương và trở thành hộ khá. Trên 1.038.000 người dân tộc thiểu số và 93.000 người khuyết tật được học nghề theo chính sách của đề án. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề giai đoạn 2010 - 2015 là 79,6%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 9,6%. Giai đoạn 2016 - 2019 là 81,4%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 1,4%...

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho LĐNT và đạt được những kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ huy động các cơ sở đào tạo nghề mà còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường trung cấp, cao đẳng, đại học, lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập và tuyển dụng học viên sau khóa học.

Hình thành nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thành các vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Ưu tiên đào tạo cho lao động mất việc làm

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động và LĐNT.

Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó ưu tiên nâng cao kiến thức kỹ năng cho các lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động bị mất việc ở các vùng biên giới, lao động di cư tự do, lao động ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, lao động là người khuyết tật... để chủ động tham gia thị trưởng lao động, ổn định sinh kế khi khống chế được dịch bệnh.

Trước mắt, tập trung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho lao động để làm việc tại các doanh nghiệp đang có nhu cầu sử dụng lao động.

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo như đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt, dễ tiếp cận theo nhu cầu của người học, yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Kế hoạch năm 2020, sẽ đào tạo nghề các cấp trình độ cho 1,43 triệu LĐNT, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 990.000 người, trong đó 350.000 người học nghề nông nghiệp, 640.000 người học nghề phi nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ