Đào tạo văn bằng 2: Gắn trách nhiệm đào tạo với giải trình

Đào tạo nhân lực phải gắn với yêu cầu chất lượng và nhu cầu xã hội. Ảnh: Quý Trung
Đào tạo nhân lực phải gắn với yêu cầu chất lượng và nhu cầu xã hội. Ảnh: Quý Trung

Xu thế chung của thế giới

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hiện nay có rất nhiều hình thức đào tạo đại học văn bằng hai, nhưng phần lớn các trường đều đi theo hai hình thức phổ biến là hệ chính quy học tập trung, liên tục tại trường và hệ không chính quy học theo hình thức vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn. Các loại hình này phù hợp với những người đã đi làm hoặc có quỹ thời gian eo hẹp.

“Việc đào tạo văn bằng 2 được quy định khá chặt chẽ và khoa học từ khâu mở ngành, tuyển sinh đến việc tổ chức đào tạo. Hình thức văn bằng 2 hoàn toàn phải đảm bảo chất lượng tương đương với các loại hình đào tạo của văn bằng 1. Do đó, việc có đơn vị làm sai, hay cấp bằng chỉ qua đào tạo thời gian ngắn cho thấy rõ cách làm giáo dục không chuẩn mực của họ” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nhận định.

Khảo sát người học tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trước khi triển khai đào tạo văn bằng 2, có đến 80% người được khảo sát cho rằng hình thức đào tạo văn bằng 2 sẽ giúp người học làm tốt hơn công việc hiện tại hoặc tăng định hướng ngành nghề khi yêu cầu của công việc đòi hỏi.

Ông Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cũng nhìn nhận: Lĩnh vực giáo dục đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến mục tiêu học tập suốt đời. Ở khía cạnh nào đó, quan điểm này khuyến khích công dân học tập suốt quãng đời của họ, cả về kiến thức ngành nghề hay bậc cao như đại học, sau đại học không phân biệt tuổi tác. Và văn bằng 2 hay hệ vừa làm vừa học ở nước ta về mục tiêu không nằm ngoài quan điểm đó.

“Hiện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH với cơ chế tự chủ thoáng hơn và trao quyền cho các trường nhiều hơn đã đi vào cuộc sống. Vì vậy, ngoài việc yêu cầu các cơ sở đào tạo phải minh bạch chất lượng đào tạo, thực hiện đúng cam kết của mình với xã hội, phụ huynh và người học thì các cấp quản lý vẫn rất cần có giải pháp chặt chẽ hơn trong công tác hậu kiểm, tránh thực trạng tự chủ quá đà dẫn đến làm bậy”- ông Trần Nam ý kiến.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Giải pháp nào để hạn chế cái sai nảy sinh?

Thực tế, khảo sát đầu vào từ nhiều trường ĐH tại TPHCM cũng cho thấy, nhu cầu đi học văn bằng 2 ngày càng tăng lên, đặc biệt ở các ngành khối Kinh tế, Luật, Quản lý, Dịch vụ, Ngôn ngữ và Công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, vẫn có một thực tế đáng buồn là có một số người có mục tiêu lệch lạc khi đi học văn bằng 2, lợi dụng các kẽ hở trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và đặc biệt là các quy định công nhận văn bằng, chứng chỉ để học văn bằng 2 như một cách lách luật.

“Thực tế, bên cạnh những trường đào tạo đàng hoàng, bài bản vẫn có trường đào tạo bát nháo, chạy theo lợi ích kinh tế, vì nhu cầu của người học hơn là vì mục tiêu chất lượng. Mục tiêu vì lợi nhuận sẽ dẫn đến sự “nhốn nháo” trong tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.

Trước những ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người học nhanh chóng và linh hoạt trong việc bổ sung kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc, cũng như trước những thay đổi của Luật GDĐH, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần có những thay đổi, bổ sung các hướng dẫn, quy định nhằm giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo văn bằng 2 đại học.

TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cũng cho rằng: Ngoài cơ chế kiểm tra, đánh giá đảm bảo tính khách quan, trung thực trong đào tạo văn bằng 2, Bộ GD&ĐT cần xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục có sai phạm.

“Những cơ sở bị đánh giá thấp về chất lượng đào tạo hai năm liên tiếp thì phải dừng việc tuyển sinh, phải có trách nhiệm đào tạo lại (miễn phí) những học viên đã học, nhưng trình độ thực chất không tương xứng với kết quả được ghi trong văn bằng” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.