Đào tạo văn bằng 2: Giải pháp tối ưu cho người học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH, việc đào tạo văn bằng 2 trong các trường ĐH đủ điều kiện là cần thiết; bởi nó không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội, mà còn có ý nghĩa nhân văn và là giải pháp tối ưu cho người học.

Đào tạo văn bằng 2 là cơ hội để mọi người phát triển tri thức. Ảnh: NT
Đào tạo văn bằng 2 là cơ hội để mọi người phát triển tri thức. Ảnh: NT

Đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

PGS.TS Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Nhà trường đào tạo văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học (VLVH) ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Pháp. Tổng số tuyển sinh bằng 2 hệ vừa học, vừa làm giảm dần theo năm. Cụ thể: Năm 2016, 2017, nhà trường đào tạo khoảng 200 sinh viên học theo hệ văn bằng 2, đến năm 2018 chỉ còn gần 100 sinh viên.

“Chúng tôi đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chẳng hạn: Một số người có bằng ĐH chuyên ngành khác và mong muốn có thêm ngoại ngữ để nâng cao năng lực trong công việc” - PGS Trần Hữu Phúc cho biết, đồng thời nêu quan điểm: Việc đào tạo văn bằng 2 là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Vấn đề là, các trường phải quản lý thật tốt chất lượng đầu ra để xã hội không hoài nghi. Cùng với đó, việc đào tạo văn bằng 2 cũng cần tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), TS Hoàng Văn Quynh - Phó Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Hiện nay, nhà trường vẫn đào tạo văn bằng 2 ngành Báo chí theo hệ VLVH.

Tuy nhiên, số lượng học viên rất ít. Tùy theo số lượng hồ sơ đăng ký của người học nhà trường cân nhắc có đủ để mở lớp hay không.

“Nói chung, nhà trường đào tạo rất ít nên quản lý chặt chẽ về quy trình đào tạo. Chất lượng đào tạo rất tốt vì đối tượng học văn bằng 2 về chuyên môn đã có kiến thức thực tiễn qua công tác nên khi học tập rất thuận lợi. Mỗi năm nhà trường đào tạo từ 100 - 200 sinh viên. Số lượng ít nên việc tổ chức đào tạo và quản lý rất thuận lợi, đảm bảo quy chế” 
TS Hoàng Văn Quynh

TS Hoàng Văn Quynh nhấn mạnh, về cơ bản, đào tạo văn bằng 2 hệ VLVH giúp ích cho những cán bộ, công chức, viên chức đã có bằng ĐH và đi làm nhưng bằng ĐH thứ nhất chưa phù hợp với công việc nên cần học bổ sung bằng thứ 2 đúng với đặc điểm công việc hiện tại. Như vậy, đào tạo văn bằng 2 rất cần thiết cho các cán bộ hiện nay đang làm việc không đúng ngành nghề. Chẳng hạn, nhiều người làm trong cơ quan báo chí nhưng không học ngành Báo chí. Do đó, họ có nhu cầu học ĐH để có thêm kiến thức về báo chí và tự tin hơn trong công việc.

Đào tạo văn bằng 2 góp phần phát triển nhân lực cho xã hội
Đào tạo văn bằng 2 góp phần phát triển nhân lực cho xã hội 

Cũng theo TS Hoàng Văn Quynh, ở góc độ nào đó, chất lượng học tập của hệ văn bằng 2 còn tốt hơn hệ chính quy. Vì đa số sinh viên là người đi làm, họ có kiến thức thực tế nên nắm bắt rất nhanh nội dung bài học. Ngoài ra, họ có thể tương tác với giảng viên, tạo không khí sôi nổi trong học tập.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Văn Quynh, thực tiễn cho thấy, đào tạo văn bằng 2 chủ yếu cho người đã đi làm, có thâm niên công tác nên việc tổ chức đào tạo theo hệ chính quy thường khó khăn cho người học. Việc đào tạo theo hệ vừa làm vừa học, tổ chức ở địa phương thì thuận lợi hơn.

Điều chỉnh theo hướng thực học, thực nghiệm

Cho rằng, đào tạo văn bằng 2 là cần thiết, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, điều đó không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn góp phần phát triển nhân lực cho xã hội. Tức là đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm của người học. Ở một khía cạnh nào đó, đào tạo văn bằng 2 cũng là cách tối ưu cho người học.

 

Nếu người học có năng lực thì cùng một lúc có thể học nhiều văn bằng. Vì hiện nay, các trường đào tạo theo tín chỉ nên người học có thể sắp xếp thời gian để theo học các tổ hợp phù hợp với ngành nghề khác nhau. Đó là việc làm rất nhân văn, phù hợp cho từng cá nhân và đáp ứng nhu cầu cần nhân lực xã hội.

 
GS Đinh Quang Báo

Trao đổi về vấn đề quản lý chất lượng, GS Đinh Quang Báo cho rằng, đào tạo và quản lý là vấn đề khác nhau. Khi nó có ý nghĩa xã hội như vậy, việc chúng ta cần làm là phải quản lý thật tốt để đáp ứng nhu cầu về nhân lực. “Chất lượng hay không là ở các cơ sở đào tạo. Nhưng yếu tố quyết định nhất, căn nguyên nhất vẫn là người sử dụng lao động. Nhiều nơi họ xem bằng cấp chỉ là yếu tố tham khảo, quan trọng là họ kiểm tra thực lực có đáp ứng được công việc hay không. Khi người sử dụng lao động yêu cầu chặt chẽ thì giá trị văn bằng sẽ tăng lên. Như vậy, người sử dụng chính là kênh thông tin phản hồi cho nhà trường và người học, để họ điều chỉnh theo hướng thực học, thực nghiệm” - GS Báo nói.

Cùng với đó, dù là văn bằng nào đi chăng nữa thì các trường cũng cần đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu nhân lực của người sử dụng, của xã hội.

“Nguyên tắc phát triển chương trình, đầu tiên là phát triển mục tiêu mà mục tiêu của nhà trường được xác định trên cơ sở thăm dò nhu cầu xã hội, bao gồm: Nhu cầu về số lượng và chất lượng. Sau đó mới phát triển chương trình đào tạo. Nói cách khác là, điểm khởi đầu của phát triển chương trình đào tạo là thăm dò nhu cầu” - GS Đinh Quang Báo trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ