Đào tạo văn bằng 2: Vấn đề cốt lõi là quản lý chất lượng

GD&TĐ - Để bảo đảm chất lượng và uy tín của cơ sở giáo dục đào tạo, các trường ĐH cho rằng, việc quản lý, kiểm tra, đánh giá được áp dụng như quy chế đào tạo chính quy, chỉ khác là thời gian học có thể tổ chức vào ban đêm hoặc các ngày cuối tuần. 

Nhiều SV chương trình 2 Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chỉ hoàn thành chương trình học trong vòng 3 – 3,5 năm. Ảnh: T.G
Nhiều SV chương trình 2 Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chỉ hoàn thành chương trình học trong vòng 3 – 3,5 năm. Ảnh: T.G

Ngoài ra, khi nhu cầu của người học theo hệ vừa học vừa làm bão hòa, các trường ĐH đã mở ra một hướng mới, đó là đào tạo song hành hai chương trình theo hướng liên thông ngang.

PGS.TS Nguyễn Văn Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, nhu cầu theo học văn bằng 2 của người học không còn nhiều như những năm trước. Mỗi đợt tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có khoảng 50 – 70 hồ sơ trúng tuyển, đủ để nhà trường duy trì một lớp tại các địa phương ngoài Đà Nẵng. Hiện, nhà trường chỉ còn các lớp đào tạo văn bằng 2 tại Khánh Hòa và Quảng Nam.

“Để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như uy tín của nhà trường, chúng tôi áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng giống như đào tạo chính quy đối với các lớp văn bằng 2. Quy trình kiểm tra, đánh giá và phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học không khác nhau chút nào nên vẫn có một vài SV rơi rụng trong quá trình học” – PGS.TS Nguyễn Văn Long cho biết. Khoảng 3 năm trở lại đây, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã không còn tổ chức tuyển sinh đào tạo hệ tại chức vừa học vừa làm, riêng văn bằng 2, nhà trường chỉ đào tạo chính quy.

Với đặc điểm mềm dẻo, linh hoạt và thời khóa biểu được “cá thể hóa” của đào tạo tín chỉ, ngoài việc liên thông dọc đã trở nên phổ biến, hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có thêm hình thức đào tạo song hành hai chương trình theo hướng liên thông ngang.

“Việc học và tốt nghiệp với 2 bằng đại học sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Đây cũng được xem là lợi thế đối với những SV theo đuổi học hai chương trình song hành. Hầu hết là SV phải mất 5 năm để học xong 2 bằng và khoảng 3,5 năm là các em hoàn thành xong chương trình 1, ra trường vừa đi làm vừa tiếp tục học chương trình 2”PGS.TS Lê Văn Huy cho biết.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, không phải SV nào cũng đủ điều kiện học song hành hai chương trình: Trong chương trình 1, SV cần hoàn thành tối thiểu 14 tín chỉ/năm và chương trình 2 cần hoàn thành ít nhất 3 tín chỉ/năm, tức là SV phải hoàn thành ít nhất là một môn học. Đa số SV đăng ký tín chỉ và hoàn thành chương trình cùng một lần; trong số những bạn đã tốt nghiệp có những SV giỏi học xong 2 bằng trong 4,5 năm.

Để theo học chương trình 2 tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, SV của Trường ĐH Bách khoa hoặc SV của các trường ĐH thành viên ĐH Đà Nẵng phải có kết quả học lực đạt từ trung bình trở lên. “Ngoài ra, SV phải hoàn thành chương trình thứ nhất, nếu bỏ chương trình thứ nhất giữa chừng thì cũng đồng thời buộc phải dừng học chương trình thứ hai và trong quá trình học đều phải đảm bảo yêu cầu, không bị cảnh cáo về học vụ” – PGS. TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết.

Tuy nhiên, việc tổ chức song hành hai chương trình chỉ có thể tiến hành khi việc tổ chức đào tạo được thực hiện một cách khoa học, phần mềm quản lý đào tạo tốt và quan trọng nhất là sự giao thoa giữa các ngành đào tạo phải lớn. Chẳng hạn, nếu sự giao thoa ít thì một năm học sau, môn học A mới quay lại một lần thì SV ra trường đúng hạn là rất khó.

Hơn nữa, việc đào tạo song hành hai chương trình của các Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế cũng chỉ mới “rộng cửa” đối với SV các trường thành viên ĐH Đà Nẵng. Lý do, theo như giải thích của cán bộ đào tạo của các trường này là do nhà trường không thể kiểm soát được chương trình đào tạo, chưa có kiểm định chương trình nên không xác định được sự tương thích. Điều này sẽ dẫn đến trở ngại khi công nhận các học phần mà SV đã tích lũy trước đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ