Xu hướng của thế giới
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), việc đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên sẽ được pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên không vì việc đó mà chúng ta xem nhẹ việc đào tạo văn bằng 2.
Liên quan đến vấn đề chất lượng đào tạo văn bằng 2, PGS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh, điều quan trọng là bản thân trường ĐH đó phải bảo đảm được chất lượng đào tạo. Chương trình văn bằng 2 phải được thiết kế tương đương với chương trình chính quy và không được cắt xén. “Vì vậy, tôi cho rằng, nếu các trường làm đúng quy trình, tuân thủ các quy định thì không lo về chất lượng. Hơn nữa, bây giờ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, các hình thức đào tạo không ghi rõ trong văn bằng nên các trường càng cần phải giữ uy tín, thương hiệu, tuyệt đối không được làm sai luật” - PGS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.
Việc quản lý đào tạo văn bằng 2 ở thời điểm hiện tại rất ổn định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước nên cập nhật để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhất là hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực.
“Theo tôi, dù là văn bằng 2 hay hệ đào tạo tập trung chính quy truyền thống thì nên có quy chế thống nhất. Theo đó, đề thi và hội đồng xét tốt nghiệp phải tương đương nhau để không có chuyện nương nhẹ với những người theo học văn bằng 2. Mỗi năm, Trường ĐH Bách khoa có khoảng 200 - 300 sinh viên học văn bằng 2.” - PGS Nguyễn Phong Điền.
Nhu cầu rất thực tế
Liên quan đến vấn đề đào tạo văn bằng 2, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển động rất nhanh như hiện nay, không thể nói là cần thiết hay không cần thiết việc đào tạo văn bằng 2. Bởi đó là nhu cầu của xã hội, nhu cầu học tập suốt đời của công dân. Với thị trường lao động biến động nhanh như vậy và với yêu cầu của nền kinh tế thị trường thì việc đào tạo văn bằng 2 là cần thiết, là nhu cầu rất thực tế. Vấn đề ở chỗ, việc thực hiện và kiểm tra các quy định cần phải được tuân thủ theo quy định.
Khẳng định, cơ hội học tập và việc làm sau tốt nghiệp của người học học hệ văn bằng 2 với hệ chính quy truyền thống là như nhau, PGS Bùi Đức Triệu cho rằng, chương trình nào cũng phải được kiểm định chất lượng. Chẳng hạn như: Ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tất cả văn bằng 2 đều học chung với hệ chính quy. Ngoài ra, các chương trình được bảo đảm đúng các quy định, đáp ứng chuẩn đầu ra của hệ chính quy. Vì thế chất lượng đào tạo hoàn toàn như nhau.
Trung bình mỗi năm Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có khoảng 300 sinh viên theo học hệ văn bằng 2. Hiện nay nhu cầu học văn bằng 2 đang đi vào trạng thái rất cân bằng; các trường ĐH muốn tuyển sinh nhiều hơn cũng không được. Vì thế, nên theo quy luật tự nhiên và nhu cầu của xã hội.
Hiện các quy định liên quan đến đào tạo, quản lý, cấp văn bằng 2 rất rõ ràng và chặt chẽ. Các quy định của Bộ GD&ĐT, của Nhà nước tương đối ổn định, bắt buộc các trường thực hiện nghiêm túc.