Đào tạo văn bằng 2: Cần trách nhiệm thật, bằng thật

GD&TĐ - Đào tạo văn bằng 2 được xem là hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với những người đã và đang đi làm mong muốn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Sai phạm của Trường ĐH Đông Đô là trường hợp cá biệt, không nên vì thế mà dừng loại hình đào tạo ưu việt này. Vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý từ cấp cơ sở.

Mọi loại hình đào tạo đều phải tuân thủ theo quy định của luật hiện hành.	Ảnh: Đức Chiêm
Mọi loại hình đào tạo đều phải tuân thủ theo quy định của luật hiện hành. Ảnh: Đức Chiêm

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và cam kết của mình với xã hội

Các hình thức đào tạo kiểu vừa học vừa làm, văn bằng hai, liên thông trong hơn nửa thập niên qua đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tinh thần học tập suốt đời trong xã hội, mở rộng cơ hội học tập và nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho rất nhiều người mà vì điều kiện và hoàn cảnh gia đình, công việc buộc phải gián đoạn việc học.

Công tác kiểm tra, hậu kiểm tất nhiên vẫn có, nhưng nó vẫn chỉ ở kiểu chọn lựa, bốc thăm ngẫu nhiên chứ làm sao có thể kiểm soát tuyệt đối? Nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đi vào cuộc sống, Bộ GD&ĐT đã trao quyền tự chủ gần như tuyệt đối cho các trường thì những vấn đề nảy sinh và chất lượng đào tạo, sai phạm trong tuyển sinh, cấp bằng... phải nằm ở hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, xã hội về chất lượng đào tạo, cam kết của trường với xã hội - PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Nhìn nhận ở góc độ của người quản lý và đào tạo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Văn bằng hai là một hình thức đào tạo phù hợp nhất trong bối cảnh của sự bùng nổ công nghệ và kỷ nguyên số như hiện nay. Tính hiệu quả của hình thức đào tạo này suốt thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, học tập và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn là nhu cầu tự thân, là quyền của mọi công dân, chúng ta không thể vì một “con sâu” mà dừng hình thức đào tạo này.

“Đừng hễ cứ có việc gì xảy ra cũng đổ vấy trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT, đó là cách nhìn nhận thiếu công bằng. Bộ GD&ĐT chỉ là đơn vị quản lý và thực hiện các chính sách mang tầm vĩ mô, trách nhiệm nằm ở chính hiệu trưởng của đơn vị, những người được trao nhiệm vụ đào tạo.” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Có chung quan điểm với PGS.TS Đỗ Văn Dũng về trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của thủ trưởng đơn vị đào tạo, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Sự tự trọng và tự tôn của Ban giám hiệu với chất lượng sản phẩm đào tạo của mình sẽ là “tường lửa” chắc chắn nhất cho mọi suy nghĩ và hành vi không chuẩn trong việc học.

“Thực tế, vụ việc vừa xảy ra cho thấy rất rõ khuynh hướng này. Trường này trường kia làm sai đều xuất phát từ nhu cầu của người học, từ sự đòi hỏi, thúc ép của cơ chế, xã hội... Vì vậy, nếu bản thân người học và người dạy thiếu đi tinh thần tự tôn, lòng tự trọng thì rất khó để Bộ GD&ĐT có thể quản hết. Với bản thân người học, họ thừa biết việc học chỉ vài tháng mà nhận được những tấm bằng “cao” (bằng việc bỏ tiền ra để đánh đổi) thì đó là học “chui”, bằng cấp không thật. Nhưng họ vẫn chấp nhận, đó là lỗi của họ.

Với cơ sở đào tạo, tuyển sinh và đào tạo khi chưa được phép của Bộ chủ quản đó là cái sai quá rõ của trường. Họ có lỗi với chính người học, với xã hội khi vì đồng tiền mà cho “ra lò” hàng nghìn cử nhân giả 100%. Điều này rất nguy hại cho xã hội. Lòng tự trọng của ngôi trường, của người đứng đầu một trường đại học ở đâu? Cần phải nghiêm trị những cá nhân kiểu này để lấy lại công bằng cho những người dạy và học nghiêm túc, có lòng tự trọng” - TS Trần Đình Lý đánh giá.

Văn bằng hai là một hình thức đào tạo phù hợp nhất trong bối cảnh của sự bùng nổ công nghệ và kỷ nguyên số như hiện nay - Ảnh minh họa
 Văn bằng hai là một hình thức đào tạo phù hợp nhất trong bối cảnh của sự bùng nổ công nghệ và kỷ nguyên số như hiện nay - Ảnh minh họa

Giải pháp nào để không còn sự việc như “Đông Đô”?

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, những sai phạm nảy sinh từ cái tên Trường ĐH Đông Đô đến từ nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất, theo ông, chính là xu hướng trọng bằng cấp trong tuyển dụng, xét nâng bậc lương, vị trí trong xã hội vẫn rất nặng nề. Thứ hai là nhu cầu tự thân của chính xã hội với các rào cản, quy định, thể chế hành chính (dùng chứng chỉ, văn bằng như một tiêu chí xét) đã gián tiếp tạo cơ hội cho cái sai có đất nảy sinh.

Vì vậy, để giải quyết thực trạng này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, trước hết phải bắt nguồn từ chính các cơ sở đào tạo, kế đến là sự tự giác của người học và cuối cùng là vai trò hậu kiểm của Bộ GD&ĐT.

“Nếu thủ trưởng các đơn vị đào tạo chỉ chăm chăm vào nguồn thu, vào tỉ lệ tuyển sinh mà tuyển sinh và đào tạo bất chấp chất lượng, không xem chất lượng đào tạo của đơn vị là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, không xem trọng cam kết của mình với xã hội, với đơn vị sử dụng lao động, chắc chắn chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị ấy cũng sẽ bị quy luật của thị trường đào thải.

Với người học, khi sử dụng tấm bằng “rỗng” kiến thức không sớm thì muộn cũng bị tụt lại so với số đông; đơn vị sử dụng lao động cũng sẽ thải loại... Do đó, bản chất của vấn đề không nằm ở chính sách và cơ chế, mà nó nằm ở chính con người (người học và người dạy). Thái độ và hành vi ứng xử mới là “chìa khóa” tháo gỡ cho vấn đề này. Còn nếu đơn vị đã cam kết mà vẫn sai phạm thì Bộ GD&ĐT phải kiên quyết rút giấy phép đào tạo” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

TS Trần Đình Lý thẳng thắn cho rằng, các đơn vị hành chính công cần phải sớm thay đổi cơ chế quy hoạch cán bộ và giảm xu hướng xem bằng cấp là một tiêu chí xét (ngoài các vị trí buộc phải có trình độ chuyên môn) thì nạn “học giả - bằng thật” mới thuyên giảm.

“Có một thực tế khó chối bỏ là khá nhiều cán bộ của ta học văn bằng 2 vì vị trí và yêu cầu của đơn vị hơn là vì chuyên môn. Còn với những người có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ đón nhận bằng cấp kiểu kia, cho dù là vì lý do thiết thân cho sự thăng tiến, sự học tiếp theo. Hiện nay, trong một số khu vực kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động và trọng dụng người thực sự có năng lực cho vị trí của họ, chứ họ không chú trọng vào bằng cấp của người mình tuyển” - TS Trần Đình Lý nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.