Cơ hội nghề nghiệp cho lao động nông thôn trong lĩnh vực y tế

GD&TĐ - Trong lĩnh vực y tế, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đến cao đẳng để phục vụ công tác hỗ trợ chăm sóc đang ngày càng trở nên bức thiết. Sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này được xem là cơ hội học nghề gắn với việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên cả nước.

Thi nghề Chăm sóc sức khỏe tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 năm 2020.
Thi nghề Chăm sóc sức khỏe tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 năm 2020.

Đào tạo đúng vị trí việc làm

Thực tế hiện nay, nhân lực ngành y tế, đặc biệt trong lĩnh vực trợ giúp, chăm sóc còn yếu và thiếu cho tất cả các nhu cầu trong bệnh viện và ngay tại cộng đồng. Nhu cầu trong lĩnh vực này không chỉ ở Việt Nam mà thị trường quốc tế cũng đang rất thiếu hụt.

Trước đây điều dưỡng các trình độ trung cấp, cao đẳng hay đại học có thể làm chung các vị trí chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, khi việc phân cấp phạm vi hoạt động chuyên môn, vị trí việc làm được làm rõ, thì sẽ cần thêm đối tượng hộ lý, hoặc trợ giúp chăm sóc. Vị trí việc làm của công việc này trong từng nhóm sẽ là những nhiệm vụ cụ thể, thiết yếu trong việc chăm sóc người bệnh.

Mỗi vị trí việc làm như vậy, sẽ tạo nên sự hoàn thiện trong hệ thống chăm sóc, giảm được chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ y tế cho người dân.

Thạc sĩ Bùi Minh Thu – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường CĐ Y tế Bạch Mai cho biết: Cơ quan chức năng đang nghiên cứu, thảo luận để đặt ra chức danh chính thức cho công việc trợ giúp, chăm sóc trong quy định các chức danh nghề của hệ thống y tế. Ví dụ: Điều dưỡng hiện nay đã có mã ngành đại học hạng 4, 3, 2, tuy nhiên chức danh trợ giúp chăm sóc thì chưa có. Do đó, cần có chế độ chính sách và chương trình đào tạo cho những đối tượng tham gia vào lĩnh vực này.

Đối tượng tham gia chương trình đào tạo này và có thể thực hành được tại các cơ sở y tế, cần có trình độ tối thiểu là tốt nghiệp THPT. Thời lượng chương trình đào tạo tại Việt Nam hoặc theo yêu cầu của khách hàng quốc tế phụ thuộc vào mô tả vị trí việc làm, để bảo đảm chất lượng, chương trình đào tạo có thể kéo dài từ 6 – 9 tháng.

“Có rất nhiều yêu cầu khác nhau trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, chương trình đào tạo tại Trường CĐ Bệnh viện Bạch Mai hoặc tại các cơ sở đào tạo y tế khác cũng được thiết kế phù hợp với thực tế, thời gian đào tạo từ 3 tháng đến 1 năm. Khi kết thúc các khóa học, nhà trường đồng thời tổ chức các ngày hội việc làm, mời các công ty, bệnh viện, phòng khám, tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp” – Thạc sĩ Bùi Minh Thu cho biết thêm.

Cấp bách nhu cầu nhân lực hỗ trợ chăm sóc

Nhân lực trong lĩnh vực y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, hộ lý, nhân viên hỗ trợ chăm sóc,… là thành phần vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình hình nhân lực điều dưỡng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt.

Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân hiện nay là 11,4 điều dưỡng, chưa đạt so với chỉ tiêu cần đạt vào năm 2020 là 16 điều dưỡng.

Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ của Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ thấp dưới ngưỡng khuyến cáo của tổ chức các quốc gia hợp tác phát triển kinh tế (OECD). Theo khuyến cáo của OECD, ngưỡng tối thiểu về tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ là 2,8, tại Việt Nam tỷ lệ này hiện mới chỉ đạt khoảng 1,4.

Một trong những vấn đề trọng tâm hiện nay là tập trung vào giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ đến cao đẳng như: Điều dưỡng, kỹ thuật viên y, nữ hộ sinh, dược sĩ cao đẳng, nhân viên hỗ trợ chăm sóc,…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến quý 2/2020, dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt gần 73,5 triệu người, trong đó 53,1 triệu người thuộc lực lượng lao động. Mặc dù tiến trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhưng đến nay, lao động nông thôn vẫn chiếm số đông, khoảng trên 66% lực lượng lao động.

Việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, với đối tượng lao động nông thôn đã tốt nghiệp lớp 12 trên cả nước, lĩnh vực trợ giúp chăm sóc đang mở ra nhiều cơ hội việc làm hiệu quả, giúp người lao động tại các địa phương gia tăng thu nhập và  thay đổi cuộc sống.

Dự báo tình trạng thiếu điều dưỡng viên còn diễn ra trong nhiều năm tới. Tại Đức ước tính thiếu 500 nghìn điều dưỡng viên vào năm 2030. Tại Anh ngay trong năm 2020 đang thiếu gần 48 nghìn điều dưỡng viên. Canada thiếu 60 nghìn điều dưỡng viên vào năm 2022… Do đó, tuyển điều dưỡng ngoại quốc đến làm việc là giải pháp đang được các quốc gia phát triển lựa chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ