Tại Kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, bà Châu Quỳnh Dao nêu băn khoăn: Công tác đào tạo nghề có đổi mới, nhưng vẫn chưa khắc phục được một số bất cập. Trong lĩnh vực đào tạo nghề, dù có chính sách miễn phí cho đồng bào dân tộc ít người, nhưng nội dung đào tạo đôi khi cũng chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng.
“Chúng ta còn cứng nhắc ở việc đào tạo xoay quanh chủ yếu 2 lĩnh vực là chăn nuôi, trồng trọt. Phương pháp chủ yếu trong đào tạo nghề vẫn là sử dụng ngôn ngữ phổ thông, rao giảng truyền thống, nên khó thu hút đông đảo thanh niên dân tộc thiểu số tham gia” – đại biểu Châu Quỳnh Dao nói.
Từ những trăn trở này, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với bà Châu Quỳnh Dao về vấn đề quản lý, đào tạo lĩnh vực dạy nghề và đào tạo hệ cao đẳng.
- Theo bà, vấn đề đào tạo nghề trong thời gian qua có những bất cập gì khiến Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị chuyển hệ cao đẳng về cho Bộ GD&ĐT quản lý?
- Trước tiên, tôi băn khoăn khi nhớ lại rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 chỉ được 274/412 đại biểu Quốc hội tán thành, đạt 55,13%. Nhất là khi biểu quyết về việc giao Bộ nào quản lý giáo dục nghề nghiệp thì chúng ta đã không quyết được ngay tại kỳ họp Quốc hội. Bởi tỉ lệ đồng ý của các vị đại biểu Quốc hội một bên là nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý, một bên là giao Bộ GD&ĐT đều dưới 50%.
Qua báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, mảng giáo dục nghề nghiệp đạt được một số thành tựu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông còn bất cập, cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn bất hợp lý, nhất là các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Hơn nữa, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động…
Tôi cho rằng, từ những băn khoăn này, cũng nhiều bất cập trong tình hình thực tiễn dẫn đến câu chuyện kiến nghị của Hiệp hội là nên chuyển hệ cao đẳng cho Bộ GD&ĐT quản lý.
- Như vậy, theo bà, việc giao quản lý hệ cao đẳng về Bộ LĐ-TB&XH phát sinh khó khăn?
- Việc liên thông giữa các bậc học khá khó khăn do các trường cao đẳng phải điều chỉnh chương trình đào tạo nên phần nào “lệch” so với trường đại học. Vì vậy, các em muốn liên thông lên đại học là điều không dễ dàng.
Hơn nữa chương trình cao đẳng và đại học hiện tại do Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cùng quản lý nên chưa thống nhất chuẩn đầu ra ở các trình độ. Chưa kể đến tiêu chuẩn kiểm định của hai Bộ cũng khác nhau nên khó để có một chuẩn chung thống nhất. Do đó, sẽ khó khăn khi chúng ta muốn thực hiện tốt tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT”.
Chưa kể đến chất lượng nguồn nhân lực sẽ khó đạt được mục tiêu nếu chúng ta quá chú trọng đào tạo “công nhân” mà bỏ qua đào tạo các “chuyên gia” trong xu thế hội nhập. Tức là việc giải quyết hài hòa giữa đào tạo hệ cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp…
Trên thực tế, tâm lí của một số cán bộ, giảng viên cũng chưa yên tâm bởi khi chuyển về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, thì phải học thêm một số chứng chỉ “hành nghề” theo yêu cầu. Ngoài ra, số giờ chuẩn tăng lên do tăng giờ thực hành cũng làm khó các nhà giáo…
- Như vậy, nếu chuyển hệ cao đẳng về một đầu mối quản lý sẽ đem lại lợi thế cho các trường?
- Như tôi đã phân tích ở trên, cũng như thăm dò ý kiến của một số cử tri công tác tại trường cao đẳng, một số thầy cô nêu quan điểm cần thiết chuyển hệ cao đẳng gắn với giáo dục đại học và do Bộ GD&ĐT quản lý. Điều này sẽ đem lại một số lợi thế như: Giải quyết tốt vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh, phân luồng, liên thông, thúc đẩy việc nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới…
Bất kì một quyết sách nào khi ban hành phải thận trọng xem xét, rà soát đánh giá thực trạng một cách khách quan. Đồng thời, phải mở rộng đối tượng được lấy ý kiến, thận trọng xem xét đánh giá trong nhiều góc nhìn. Quan trọng nhất là lấy lợi ích của nhân dân làm nguyên tắc. Cần tránh lợi ích nhóm thì quyết sách đó sẽ được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội. Và việc chuyển đổi hay không chuyển đổi hệ cao đẳng cho Bộ GD&ĐT quản lý cũng tiến hành như thế.