Đào tạo gắn với việc làm: Cơ sở để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực

GD&TĐ - Xây dựng và đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng thực tế luôn đòi hỏi những hướng đi đúng đắn của nhà trường.

Đào tạo gắn với việc làm: Cơ sở để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực

Đặc biệt, trong bối cảnh mà nhu cầu nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề “hot” hơn bao giờ hết, việc đẩy mạnh liên kết trong đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp mang yếu tố sống còn.

Hiểu rõ các giá trị cốt lõi trong việc giúp sinh viên có môi trường thực học -thực hành nhiều trường đại học đã và đang hướng công tác đào tạo của mình sang hướng này.

Đòi hỏi từ thực tế

Đào tạo theo nhu cầu xã hội là một chủ trương đúng đắn nhằm làm thay đổi tư duy và cách làm giáo dục hiệu quả hơn trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đây là cuộc vận động mang tính chất chiến lược, có ý nghĩa hết sức to lớn, sâu sắc cả về mặt chính trị, xã hội và giáo dục đào tạo, tạo tiền đề và cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá lại mình, có những thay đổi cơ bản về nội dung chương trình, phương pháp dạy và học…

Hiểu và ý thức rõ việc chuyển mình trong đào tạo theo xu hướng hội nhập không chỉ giúp trường nâng cao uy tín, tạo ra môi trường học tập hiện đại cho SV, mà còn mang đến cơ hội việc làm cho SV sau khi ra trường. Ngay từ những năm 2010, nhiều trường ĐH lớn như RMIT, ĐH Quốc tế, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành… đã xây dựng hướng đi đào tạo nhân lực gắn với việc làm cho riêng mình.

Trong hàng loạt các trường xác định và chuyển hướng đào tạo gắn với việc làm, có thể nói ĐH Nguyễn Tất Thành là trường có sự quyết liệt nhất. Từ định hướng, chiến lược cho đến tầm nhìn cho vấn đề trên đều được trường khẳng định bằng các giá trị thực tế. Để xây dựng một môi trường thực học - thực hành cho SV của mình, năm 2010, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành lập Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội nhằm xây dựng các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu, điều tra, khảo sát, gắn kết công tác đào tạo với nhu cầu nhân lực các địa phương… từ đó xây dựng chiến lược đào tạo cho nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - chia sẻ: Việc thành lập Trung tâm ngoài việc mang đến cơ hội việc làm cho SV sau khi ra trường, chúng tôi còn mong muốn tạo ra một môi trường học tập lý tưởng nhất cho SV với sự kết nối của 4 nhà: “Nhà trường – Nhà quản lý – Nhà nghiên cứu – Nhà doanh nghiệp”.

“Để việc đào tạo gắn chặt với việc làm, hiện nay trường chúng tôi đã thiết lập mô hình CLB Doanh nghiệp trong trường với hơn 100 doanh nghiệp thành viên hoạt động ở đa lĩnh vực. Các doanh nghiệp này là cánh tay nối dài của nhà trường, hỗ trợ trường mở rộng thêm xưởng thực hành, phòng thí nghiệm giúp sinh viên thực hiện những dự án khởi nghiệp. Không chỉ thành lập các CLB Doanh nghiệp, CLB Khởi nghiệp Sáng tạo, trường còn có cả CLB Doanh nghiệp khối Kinh tế.

Hiện nay, CLB Doanh nghiệp khối Kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham gia của 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM. Đây được xem là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thông qua mô hình kết hợp trường – doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động”- PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Thực tế, bức tranh nghề nghiệp vài năm trở lại đây cũng cho thấy: Công tác quy hoạch, đào tạo của nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN chưa sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, công tác đào tạo chưa gắn với việc làm. Chính sự thiếu đồng bộ, linh hoạt trong hoạt động định hướng, liên kết đào tạo với doanh nghiệp khiến nhiều SV không thể thích ứng và thành thạo với công nghệ mới khi tham gia vào môi trường làm việc thực tế. Điều này buộc các trường phải điều chỉnh phương thức đào tạo.

PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM chỉ ra: Đào tạo gắn với việc làm là đòi hỏi bức thiết từ thực tế cuộc sống. Vấn đề là chúng ta phải cởi bỏ được “nút thắt” tâm lý giữa doanh nghiệp với nhà trường. Doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà trường là điều có thể nhìn thấy. Vì vậy những trường xây dựng và kết nối được với doanh nghiệp trong công tác đào tạo và sử dụng lao động tốt, các trường ấy đã thành công trong việc xây dựng niềm tin với xã hội.

Thực học - thực hành - chìa khóa để tháo “nút thắt” việc làm

TPHCM với 90 trường ĐH, CĐ, cao đẳng nghề và 55 trường trung cấp đang đào tạo cho xã hội hơn 300.000 lao động/năm. Với số lượng đó, TPHCM là địa phương đứng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực. Tại khu vực Nam Bộ, TPHCM cung ứng gần 100% nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản; khoa học tự nhiên và y dược. Điều này buộc các trường phải xây dựng môi trường học tập đa dạng, linh hoạt, gắn với thực học nhiều hơn nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực do mình đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Với xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện triệt để môi trường học tập theo hướng đào tạo gắn với việc làm là chìa khóa để giải quyết vấn đề việc làm cho SV sau khi ra trường. Ông phân tích: Hiện nay, đội ngũ giảng viên ngoài việc chuẩn bằng cấp thì kỹ năng thực hành trong giảng dạy giỏi là điều rất được các trường quan tâm. Tuy nhiên, để có một sự đồng bộ trong thực hiện thì các trường cần phải thực hiện cùng lúc nhiều chính sách, từ nâng cao chính sách đãi ngộ, đến chiến lược xây dựng bộ khung giáo trình, phương pháp dạy, liên kết doanh nghiệp.

“Chúng tôi ý thức rất rõ tính lợi ích của việc xây dựng môi trường thực học - thực hành cho SV. Vì vậy, ngoài việc kết nối, xây dựng các CLB để tạo sự liên kết với các doanh nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã ký kết hợp tác toàn diện, hợp đồng hợp tác chiến lược với các cơ sở như các nhà máy sản xuất dược phẩm, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, công ty kinh doanh và phân phối thuốc, bệnh viện (Chợ Rẫy, Bình Dân, Gia Định, Triều An, Q.8, Thủ Đức) tại TPHCM nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên khối ngành sức khỏe thực hành, thực tế tại cộng đồng và tạo việc làm cho các em sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, nhà trường còn ký kết hợp tác đào tạo với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… để đào tạo nguồn nhân lực khối ngành sức khỏe. Trường cũng có Trung tâm xuất khẩu lao động liên kết với các tổ chức giáo dục, nghề nghiệp của các nước trong khu vực và thế giới để giới thiệu chỗ làm việc cho sinh viên có nhu cầu được làm việc tại nước ngoài. Do đó, chúng tôi rất tin tưởng mình đã xây dựng được môi trường thực học - thực hành cho SV của mình” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: Hiện nay, việc đào tạo của các trường đáp ứng nhu cầu xã hội vẫn là rất nhỏ. Quy hoạch phát triển nhân lực của TPHCM giai đoạn 2013 - 2025 TP ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị tăng cao. Trong đó đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp. Với lượng cầu nhân sự khoảng 270 - 280 nghìn chỗ làm/năm. Trong đó, riêng nhóm ngành y tế cần 10.800 người/năm.

“Thị trường lao động TPHCM tương lai sẽ nghiêng dần đến việc đẩy mạnh phát triển công nghệ, quản lý và kỹ năng tay nghề. Nhưng thời gian qua lại thiếu hụt lao động có kỹ năng tay nghề. Vì vậy, với những trường có kết nối doanh nghiệp tốt, xây dựng và khởi tạo được môi trường khởi nghiệp cho SV, thực học gắn với thực hành (đào tạo gắn với việc làm) là cơ sở cho việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, tháo “nút thắt” việc làm cho SV sau khi ra trường” - ông Tuấn nhận định.

Thống kê và khảo sát của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho thấy, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 1 năm đạt 94 - 95%. Sinh viên có việc làm sau 6 tháng ra trường đạt 65%.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong số ít trường đã thiết lập mô hình CLB Doanh nghiệp trong trường với hơn 100 doanh nghiệp thành viên hoạt động ở đa lĩnh vực.

Đặc biệt, CLB Doanh nghiệp khối Kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham gia của 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ