Chưa kể, với một số ngành học đặc thù, đòi hỏi chuẩn đầu ra tiếng Anh cao, SV càng phải cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như rèn thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Công thức KSA
Bà Lê Duy Loan – kỹ sư người Mỹ gốc Việt có 24 bằng sáng chế và là người phụ nữ duy nhất được chọn vào Ban lãnh đạo Kỹ thuật của Tập đoàn Texas Instruments (TI) trong lịch sử 83 năm cho rằng: Kỹ năng mềm quyết định 80% thành công của người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Dù công nghệ có thay đổi như thế nào thì 50 – 60 năm nữa, chúng ta vẫn phải làm việc với con người. Chính vì vậy, người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần có kỹ năng mềm. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ, kỹ thuật sẽ thay đổi nhanh chóng, có những kiến thức được trang bị trong trường học sẽ không còn cần thiết nữa nhưng kỹ năng mềm vẫn không thể thiếu để thích ứng với công việc” – bà Loan nhấn mạnh và khẳng định: “Việc làm của các kỹ sư khối STEM trong tương lai sẽ rất linh hoạt, ngoài mô hình truyền thống với một kỹ sư làm việc cho một tập đoàn, một nhà máy cho đến khi nghỉ hưu, các kỹ sư có thể lựa chọn nhiều công việc cho nhiều đối tác khác nhau trong cùng một thời điểm và tự mình quản lý, lãnh đạo mình. Chính vì vậy, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng, tự đào tạo sẽ rất quan trọng”.
TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Trong tốp 10 kỹ năng mà người lao động cần có trong thời đại 4.0, thứ tự có thể thay đổi theo thời gian khi công nghệ cũng như thị trường lao động toàn cầu thay đổi. Thế nhưng, với lao động khối STEM, yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và làm việc nhóm rất quan trọng”.
Để người học có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động cũng như tốc độ phát triển của công nghệ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã triển khai phương pháp dạy - học qua dự án (Project-based Learning - PBL) với mục tiêu giúp SV có kiến thức liên môn, liên ngành, đồng thời đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy. Dạy học theo dự án đòi hỏi SV học tập tích cực để có thể giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. SV không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Khác với thời học phổ thông, thường thì những bạn có điểm số cao là giỏi, nhưng tiêu chí đánh giá ở ĐH, CĐ khác hơn. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên trên 3 yếu tố: Kiến thức - kỹ năng - thái độ (KSA: Knowledge - skill - attitude). Trong đó, yếu tố thái độ trong công việc bao giờ cũng được đánh giá cao vì kỹ năng có thể huấn luyện được nhưng sự tự giác, chủ động thì không. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, với tư duy và thái độ tốt, ứng viên sẽ có nền tảng vững chắc hơn để phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Yêu cầu khả năng tự học
PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Do đặc thù, ngành Công nghệ thông tin sẽ thay đổi liên tục, chỉ cần 2 năm không tự nâng cao mình đã lạc hậu rồi. Chính vì vậy, các giảng viên luôn yêu cầu cao về khả năng tự học của SV”. Theo đó, SV phải đọc tài liệu trước khi lên lớp, giờ học sẽ chủ yếu trao đổi và thảo luận nhóm, giải quyết các bài toán thực tiễn và giải đáp thắc mắc.
“Với cách làm việc như vậy, SV vừa được rèn luyện khả năng tự học, phương pháp làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ cũng được cải thiện do phải tự nghiên cứu tài liệu, đặc biệt là khả năng vận dụng lý thuyết và giải quyết các bài toán thực tiễn sẽ được nâng lên rõ rệt. Những phương pháp này sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức và khả năng vận dụng hơn rất nhiều so với việc giảng viên cứ nói, SV cứ nghe. Tất nhiên, muốn được như vậy, SV phải luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ giảng viên. Chính vì vậy, tôi luôn khuyến khích SV gửi các thắc mắc qua email và đều được giải đáp kịp thời” – thầy Hùng cho biết.
Ngoài cung cấp kiến thức, thông qua kỷ luật giờ học cùng những bài tập được giao, PGS.TS Võ Trung Hùng còn rèn cho SV tính kiên trì, tư duy logic và yêu cầu kỷ luật lao động, những tố chất rất cần trong công việc cho các kỹ sư công nghệ thông tin sau này.
Từ năm học 2018 – 2019, các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) triển khai theo mô hình PBL. Trong mỗi học kỳ, SV sẽ được học lý thuyết cơ bản với thời lượng giảm nhiều so với trước đây. Sau đó, giảng viên giao các dự án hoặc bài tập lớn liên môn. Để thực hiện nội dung này, SV phải tự đọc, học thêm kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của nhà trường.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), để thích ứng với PBL, bắt buộc SV phải thay đổi thói quen của lớp học truyền thống: Chuyển đổi từ làm theo mệnh lệnh sang thực hiện các hoạt động tự định hướng; từ việc ghi nhớ, nhắc lại sang khám phá, tích hợp và trình bày; từ chỗ lắng nghe và thụ động sang giao tiếp, chịu trách nhiệm; chỉ biết đến sự kiện, thuật ngữ và nội dung sang thông hiểu các quá trình; từ lý thuyết sang vận dụng lý thuyết; thay vì lệ thuộc vào giáo viên, nay được trao quyền, kích thích tư duy phản biện.