Đam mê âm nhạc, học sinh lớp 12 tự chế đàn piano trái cây... 148 nghìn đồng

GD&TĐ - Với 148 nghìn đồng, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh) đã thiết kế chiếc đàn piano trái cây giúp luyện tập âm nhạc ở nhà, thậm chí là đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Nhóm học sinh Lưu Hoàng Bảo Khang, Huỳnh Hải Đăng, Lê Quang, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh).
Nhóm học sinh Lưu Hoàng Bảo Khang, Huỳnh Hải Đăng, Lê Quang, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh).

Từ niềm đam mê âm nhạc,…

Nhóm học sinh Lưu Hoàng Bảo Khang, Huỳnh Hải Đăng, Lê Quang, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành đã cùng nhau nghiên cứu sản phẩm đóng góp vào công tác giảng dạy và học tập.

Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt. Âm nhạc giúp mang đến niềm vui cho mọi người về tinh thần và cả thể chất, chính vì vậy nhóm đã dày công nghiên cứu sản phẩm về lĩnh vực này.

Lưu Hoàng Bảo Khang – Đại diện nhóm tác giả chia sẻ: “Về kiến thức lý thuyết, việc học khí nhạc đã có giáo trình cung cấp rất đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, về vấn đề thực hành hay luyện tập tại nhà thì còn nhiều hạn chế bởi giá thành nhạc cụ còn khá đắt đỏ, đặc biệt là với đàn piano. Chính vì điều này, chúng em đã nảy ra ý tưởng chế tạo đàn trái cây với giá thành rẻ phù hợp với học sinh, sinh viên và cả việc đưa vào giảng dạy trong các nhà trường”.

Khang cũng là một người yêu âm nhạc và đặc biệt là niềm đam mê khí nhạc. Từ nhỏ, Khang đã theo học nhiều loại nhạc cụ khác nhau như guitar, organ, kèn, trống,… những loại đó có giá cả vừa phải, không quá khó khăn để mua, nhưng đối với đàn piano thì không rẻ đối với học sinh, sinh viên.

Hơn nữa, đối với học sinh theo học nhạc một cách chuyên nghiệp thì không ngại bỏ ra chi phí để đầu tư mua đàn. Tuy nhiên, với những học sinh bình thường, muốn luyện tập thêm hoặc những người yêu thích âm nhạc thì ngại ngần về kinh phí nên việc thiết kế một sản phẩm có giá thành rẻ là rất cần thiết.

Vì thế, Khang nảy ra ý tưởng tự chế tạo một chiếc đàn cho riêng mình để có thể dễ dàng tập luyện tại nhà hơn. Đồng thời, nếu thành công thì có thể bán ra thị trường để cho mọi người có thể dễ tiếp cận với giá thành phù hợp.

Vật dụng đơn giản, giá thành rẻ được tận dụng để làm chiếc đàn piano trái cây.
Vật dụng đơn giản, giá thành rẻ được tận dụng để làm chiếc đàn piano trái cây.

Sau đó, Khang đã tự tìm hiểu trên mạng, kết hợp cùng với những kiến thức hóa học, vật lý đã được học tại trường để phát triển ý tưởng. Sau khi trình bày với giáo viên dạy môn Hóa – cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Khang cùng bạn bè đã bắt tay vào việc chế tạo chiếc đàn trái cây từ những vật liệu dễ tìm, có giá thành phải chăng.

Theo nghiên cứu thị trường, nhóm cho biết, hiện nay, những chiếc đàn piano được bày bán ngoài các cửa hàng có giá cả rẻ nhất là 10 triệu đồng. Đây quả thực là một con số quá đắt đối với học sinh, sinh viên thậm chí là với việc mua đàn về giảng dạy của trường. Vậy nên, ý tưởng về đề tài của cả nhóm cũng một phần là để giải quyết vấn đề ấy.

Khang cho biết thêm, để làm nên một chiếc đàn trái cây, chỉ cần bỏ ra một ít vốn và công sức là có thể làm nên sản phẩm tiện lợi này, không chỉ có thể đàn như một chiếc đàn bình thường mà còn có thể phát nhạc như một chiếc loa di động.

… đến chiếc đàn tự chế 148 nghìn đồng

Chiếc đàn trái cây hiện tại được làm với giá chưa đến 150 nghìn đồng bởi những vật liệu này có giá thành rẻ và có thể tận dụng được một số thứ có sẵn như loa, dây điện, hộp, trái cây,…

Chiếc đàn trái cây do nhóm học sinh thiết kế.
Chiếc đàn trái cây do nhóm học sinh thiết kế.

Với việc tự tay làm một chiếc đàn giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tính chất, nguyên lí và cấu tạo của nó để có thể áp dụng vào học tập và thực tiễn, đây cũng là điểm nổi bật của sản phẩm.

Việc tạo ra mô hình đàn trái cây của nhóm không chỉ góp phần giúp cho việc giảng dạy, học tập, tự luyện của những thầy cô, các bạn học sinh, sinh viên trở nên dễ dàng hơn, không cần phải lo về mặt chi phí quá nặng nề.

Qua đó nhóm tác giả còn mong muốn mọi người có thể tiếp xúc gần hơn với khí nhạc giúp cho âm nhạc trở nên thân thuộc hơn trong cuộc sống của mọi người. Điều này sẽ giảm bớt căng thẳng, lo âu, stress, trầm cảm,… đem đến cuộc sống tích cực và làm việc hiệu quả hơn.

Để sử dụng đàn piano trái cây, người dùng chỉ cần chạm tay vào một sợi dây, một tay chạm vào trái cây là có thể tạo ra âm thanh. Tuy nhiên, đó cũng chính là hạn chế của sản phẩm bởi việc bảo quản trái cây để có thể sử dụng được lâu là rất khó.

Đàn hoạt động dựa trên sự điện ly của các chất trong trái cây để nhận tín hiệu từ tay đưa vào bo mạch chính Arduino.

Sự điện ly là sự phân ly các chất trong nước tạo ion. Trái cây tươi có chứa một lượng lớn nước và các chất có khả năng điện ly, vì thế quá trình điện ly có thể xảy ra dễ dàng.

Khi chạm tay vào trái cây, tín hiệu được truyền đến bo mạch chính và thông qua dữ liệu code được nạp vào từ trước chuyển thành tính hiệu âm thanh, đưa ra loa các nốt tương ứng theo vị trí của nốt mà ta chạm tay vào.

Thêm nữa, với nguồn kinh phí ít ỏi nên đàn còn chưa được hoàn thiện về tính thẩm mỹ. Chính vì vậy, cả nhóm cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ nghiên cứu và hoàn chỉnh hơn về sản phẩm.

“Chiếc đàn trái cây này đã được chúng em áp dụng tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành trong bộ môn hóa học. Ban đầu khi đưa ra ý tưởng này chúng em đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía thầy cô giáo cũng như các bạn học sinh.

Mô hình của chúng em đã được áp dụng vào bài học trong bộ môn hóa học khi học về sự điện li của các chất trong trái cây và đã mang lại hiệu quả rất cao trong những tiết học đó.

Chiếc đàn này còn giúp em có thể thuận tiện luyện tập hơn ở nhà với những bài học đã được dạy trên lớp học đàn của em, từ đó giúp việc học đàn trở nên dễ dàng hơn, tiến bộ hơn, không còn những khó khăn như lúc không có đàn tập luyện nữa” – Khang chia sẻ.

Nhóm tác giả còn cho biết thêm, đàn trái cây còn có thể áp dụng được vào việc giảng dạy bộ môn âm nhạc trong chương trình học của các cấp Tiểu học, THCS với giá cả thích hợp, tiết kiệm rất nhiều kinh phí cho nhà trường, vừa tăng hiệu quả giảng dạy và học tập lên rất cao bởi sự mới lạ, độc đáo, dễ tiếp cận của chiếc đàn.

Sản phẩm “Đàn piano trái cây” của nhóm học sinh đã đem dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì Giáo dục”. Chương trình được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long cam kết triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.