Dịch bệnh Covid–19 đã thúc đẩy nhanh quá trình hình thành hệ sinh thái giáo dục 4.0 với xu hướng dạy – học trực tuyến.
Học online, học trực tuyến (E-learning) không còn là một là giải pháp để các trường ĐH thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm mục tiêu kép vừa dạy học vừa phòng chống dịch mà đã trở thành một xu hướng, thách thức GDĐH truyền thống. Các lớp học online, những cuộc hội thảo, hội nghị, thậm chí là lễ ký kết hợp tác xuyên biên giới được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày càng nhiều ở khu vực đại học trong thời gian diễn ra đại dịch.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch chỉ là một sự kiện thúc đẩy sự thay đổi đã bắt nguồn từ trước cho việc hình thành một thời đại mới trong GDĐH. Năm năm trở lại đây, một số trường ĐH ở Việt Nam đã bước đầu tăng cường đầu tư và triển khai E-learning. Như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đầu tư hệ thống quản lý học trực tuyến bao gồm phòng multi-media và phần mềm quản lý học tập/giảng dạy trực tuyến và đã triển khai giảng dạy cho sinh viên Chương trình tiên tiến.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có sự đầu tư lớn vào hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm xử lý và mạng thông tin tốc độ cao. Nhà trường cũng vận động USAID và Intel Việt Nam tài trợ cho Trung tâm Dạy học số. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành hệ thống đào tạo giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực của giảng viên và sinh viên.
Với việc học trực tuyến, phần mềm sẽ ghi lại hết quá trình học của từng người, ngày giờ nào vào học cái gì, trong kiểm tra đánh giá mạnh yếu cái gì. Từ đây, với việc sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phân tích từng người một sẽ đưa ra gợi ý từng gói học phù hợp.
Một lớp học truyền thống 50 - 70 người thì người thầy chỉ có thể cảm nhận chung về lớp chứ không thể biết cụ thể từng người đang học như thế nào. Nhưng với sự phát triển của hệ thống học trực tuyến thì có thể biết được quá trình của từng người học, kể cả quá trình tự học. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng đường đã hỗ trợ cho việc dạy – học ngày càng “thông minh” hơn như học online, tự đánh giá, giám sát kết quả học tập, hỗ trợ học tập nhóm…
Đây cũng là một trong những cơ sở để các trường đại học triển khai các phương pháp dạy - học tiên tiến được áp dụng trên thế giới dựa trên nguyên lý CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate), các mô hình Học theo dự án (Project Based Learning), Học từ trải nghiệm thực tiễn (Learning Express), Học qua dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS, MEP, eProjects, URI).
Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với GDĐH Việt Nam là rất lớn. Những mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức, cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi bản chất của trường đại học truyền thống, tạo điều kiện cho đại chúng hóa GDĐH phát triển.
Hình thức đại học trực tuyến, trong đó, mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa là một cách tiếp cận mới, lợi dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại. Điều này sẽ góp phần tạo nên một trường đại học chất lượng như các nước phát triển mà giá thành phù hợp với các nước đang phát triển. Và đó là trường đại học “không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học mà cả những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai”.