Nhìn nhận được áp lực buộc phải thay đổi, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã lĩnh ấn tiên phong và mạnh dạn xây dựng đề án phát triển đại học theo “mô hình giáo dục đại học 4.0”
Mô hình giáo dục hiện đại trong thế kỉ 21
Thực tế, với sự bùng nổ của CNTT, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật mà cuộc CMCN 4.0 đang mang lại, các trường đại học trên thế giới và Việt Nam đang phải chịu sức ép thay đổi toàn diện các hoạt động của mình nếu không muốn mình tụt lại.
Để đáp ứng được những thay đổi đó, các trường đại học cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi chương trình đào tạo, ứng dụng các tiến bộ CNTT, giúp nâng cao hiệu quả việc dạy và học, giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi. Nhằm tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề trên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến tổ chức Hội thảo Quốc tế: đại học 4.0 – mô hình cho giáo dục đại học của thế kỷ 21 vào ngày 20, 21/7 tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Hội thảo Quốc tế về mô hình đại học 4.0 mà trường sắp tổ chức vào ngày 20, 21/7 tới nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình giáo dục đại học 4.0, các đặc tính của nó, việc áp dụng trên thế giới, khả năng áp dụng tại Việt Nam và từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Việt Nam.
“Tổ chức hội thảo chúng tôi mong muốn xây dựng một diễn đàn nơi các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi để định hình nên một nền giáo dục hiện đại cho thế kỷ 21”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, nói.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm; Để đẩy mạnh và phát triển mô hình giáo dục 4.0 trong thời gian vừa qua nhà trường cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trong nước và quốc tế về GD 4.0 cùng nhiều hoạt động thiết thực để triển khai áp dụng mô hình này. Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá cao về đề án xây dựng mô hình giáo dục 4.0 của trường chúng tôi và đã chỉ đạo thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu phối hợp với nhà trường để triển khai thí điểm mô hình này.
Chủ tọa và cũng là một trong những diễn giả tham gia hội thảo quốc tế sắp tới, GS. Nguyễn Ngọc Thành- Trường đại học Wroclaw University of Science and Technology (Ba Lan) cho rằng : Trong bối cảnh cả thế giới đang triển khai mô hình 4.0, Đại học 4.0 phải đồng hành với nó để đào tạo ra con người cho nền công nghiệp 4.0.
“Không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đang tiếp cận với ý tưởng 4.0. Chính vì vậy, Hội thảo 4.0 với mục đích là đưa các ý tưởng đại học 4.0 vào trường đại học. Trong buổi hội thảo này, các diễn giả sẽ trình bày các ý tưởng, đồng thời các giáo sư của các nước sẽ trình bày về việc trường của mình đã và đang tiến đến mô hình đó như thế nào”- GS Thành nói.
Cần một mô hình thí điểm cho “đại học 4.0”
Xây dựng chuẩn chất lượng, đẩy mạnh Kiểm định là mục tiêu mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hướng đến để theo đuổi mô hình giáo dục 4.0 |
Trong một cuộc trao đổi mới đây với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu về giáo dục, GS.TS Vương Thanh Sơn đến từ Đại học British Columbia, Vancouver, Canada, chuyên gia về lĩnh vực IOT từng khẳng định: CMCN 4.0 hay Internet Vạn vật (IOT) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục đại học trên 2 phương diện: Thứ nhất là về nội dung hay đề cương giảng dạy, thứ hai là về mô hình đào tạo và nghiên cứu.
Trong đó, theo GS Vương Thanh Sơn mô hình đào tạo mới sẽ theo hướng mở và thoáng, cởi bỏ giới hạn của không gian, thời gian và môi trường học thuật. Vì vậy, các đại học trên thế giới và nhất là các trường đại học ở Việt Nam nói riêng đều cần cải cách theo hướng đại học 4.0 vì nhu cầu và tính cạnh tranh cao, gia tăng nhanh chóng theo thời gian.
Nhìn nhận hướng đi tất yếu này trong dòng chảy như vũ bão của cuộc CMCN 4.0, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã xây dựng Đề án phát triển nhà trường theo “Mô hình giáo dục đại học 4.0” trình Bộ GD&ĐT cũng như đã làm việc với Bộ GD&ĐT bước đầu về mô hình này.
Kết luận ban đầu của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga sau buổi làm việc với nhà trường về “ Mô hình giáo dục đại học 4.0” mà trường xây dựng, Thứ trưởng hoan nghênh nhà trường đã tiên phong trong việc nghiên cứu “Mô hình giáo dục đại học 4.0”. Ý tưởng của nhà trường theo Thứ trưởng là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và yêu cầu đào tạo nhân lực của đất nước.
Theo Thứ trưởng, “Đại học 4.0” là một khái niệm còn khá mới với Việt Nam. Để có cơ sở xem xét và cho ý kiến về đề án của trường, Thứ trưởng yêu cầu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục nghiên cứu, xác định các tiêu chí và đề ra các giải pháp đổi mới sáng tạo, chú trọng các ngành đào tạo, NCKH, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo…gắn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 mà trường đã đề xuất.
Ngay sau chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chủ động đổi mới, tiếp nhận tích hợp các đặc tính của giáo dục 4.0 vào mọi hoạt động của nhà trường như: đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, xây dựng trường học thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp trong trường học phản gắn liền với doanh nghiệp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Để thực hiện tốt mô hình này, chúng tôi đã triển khai xây dựng Trung tâm công nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao, Công viên triển lãm khoa học tại khu công nghệ cao TP.HCM…. Đây sẽ là hệ sinh thái trường học bao gồm các khoa đào tạo, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp…. nhằm giúp SV và GV của trường tiệm cận mô hình giáo dục mới.