Tâm tư của phụ huynh
Có con học lớp mầm non 3 tuổi, chị Minh Thảo (Phủ Lý, Hà Nam) vẫn không khỏi lo lắng khi các con đến lớp học trực tiếp. Theo chị, với học sinh từ 12 tuổi trở lên còn được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhưng trẻ mầm non và tiểu học thì chưa được tiêm nên nguy cơ mắc bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Ở độ tuổi này, các cháu còn chưa đủ nhận thức để tự giác đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với bạn lúc đi học.
Hơn nữa, dù nhà trường yêu cầu trẻ học lớp nào thì ở yên lớp đó nhưng khi đón hay trả trẻ, việc tiếp xúc dù nhiều ít giữa phụ huynh các lớp với nhau vẫn có thể xảy ra khả năng lây nhiễm nếu ai đó dương tính với Covid-19. Vị nữ phụ huynh này mong muốn nhà trường cần làm tốt hơn nữa khâu phòng dịch, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.
Tương tự, anh Trần Công Phương (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: Dù nhà trường được phép mở cửa trở lại đón trẻ mầm non nhưng vợ chồng anh vẫn cho con gái 4 tuổi nghỉ thêm một vài ngày ở nhà. Anh chia sẻ: “Xã tôi phát sinh thêm một số ca bệnh Covid-19. Việc cách ly, điều trị với người lớn vốn đã vất vả, nếu không may trẻ em bị dương tính còn khổ hơn. Vẫn biết các cô ở trường rất chú trọng vệ sinh phòng dịch, nhưng phụ huynh thì làm việc ở nhiều nơi khác nhau nên kiểm soát lịch trình tiếp xúc rất khó. Tôi cho cháu nghỉ học đến hết tuần này, sang tuần sau nếu tình hình dịch ổn hơn và cảm thấy an toàn thì cho cháu đi lớp”.
Còn theo chị Nguyễn Thị Đào (quê tại TP Yên Bái, Yên Bái) có con lên 3 tuổi, việc cho trẻ đến trường thời điểm này đang được vợ chồng chị cân nhắc. Tuy là địa bàn có tình hình dịch bệnh Covid-19 không phức tạp như một số địa phương khác, nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nhất là với trẻ mầm non.
Điều khiến người mẹ này lăn tăn khi cho con đi học chính là ở khâu phòng dịch của nhà trường. Ở lớp, các cô có chú ý giữ khoảng cách, vệ sinh cá nhân cho con cẩn thận hay không? Ở trường các cháu tiếp xúc với bạn cùng lớp thì có nguy cơ bị nhiễm không? Khi đón con về nhà phải chú ý gì nếu tiếp xúc với hàng xóm hay những người trong gia đình để hạn chế nguy cơ bị nhiễm bệnh… Mong muốn lớn nhất vẫn là cho các cháu đến trường nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
Đặt an toàn của trẻ lên trên hết
Thầy Lại Công Hoan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình) - chia sẻ: “Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch năm học ứng phó với dịch Covid-19. Dù theo kịch bản nào cũng đều đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Khi phát hiện trường hợp F0 trong trường học hồi đầu tháng 12, chúng tôi lập tức cho học sinh ở lớp có trẻ dương tính nghỉ học để thực hiện truy vết, xét nghiệm.
Đồng thời, công tác vệ sinh khử khuẩn được tiến hành khẩn trương theo quy định. Nhà trường quán triệt giáo viên các lớp khi đón và chăm sóc trẻ thì lớp nào ở tại lớp đó, không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh toàn trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc khoanh vùng, xử lý nếu chẳng may phát hiện F0 thì chỉ cách ly và cho trẻ ở lớp đó nghỉ chứ không phải cho nghỉ toàn trường”.
Cũng theo thầy hiệu trưởng, căn cứ vào văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ GD&ĐT, nhà trường cơ bản đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí an toàn khi đón trẻ. Đây cũng là công việc thường xuyên của nhà trường. Cụ thể, ngay từ khi đón trẻ vào buổi sáng, nhà trường bố trí lực lượng tiến hành đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho trẻ trước khi vào lớp.
Phụ huynh cũng được thông báo tự theo dõi sức khỏe của con thường xuyên. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt trên 37 độ C, ho, khó thở… cho nghỉ ở nhà và đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Công tác nuôi ăn bán trú được nhà trường chú trọng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến giờ ăn của trẻ, nhân viên nhà bếp sẽ chuyển cơm đến từng lớp. Toàn trường có hơn 600 trẻ đang theo học. Hiện nay, do địa phương đang có một số ca F0 cộng đồng nên tỷ lệ trẻ đến lớp chỉ khoảng 60%.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Tân (Phủ Lý, Hà Nam) - cho rằng: Việc đưa ra các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường trong văn bản của Bộ GD&ĐT là cần thiết trong thời điểm này. Nhà trường đã và đang thực hiện gần như đầy đủ các yêu cầu theo hướng dẫn của cấp trên khi tổ chức chăm nuôi và giáo dục trẻ tại trường. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, việc quét mã QR hay khai báo y tế của phụ huynh còn bị hạn chế trong cập nhật. Dù nhà trường đã hướng dẫn nhưng một số cha mẹ học sinh, hoặc người đưa/đón trẻ do không có điện thoại thông minh nên không thể khai báo kịp thời.
“Nhà trường đã có kế hoạch và quán triệt tới các bộ phận thực hiện nghiêm việc phòng dịch. Công tác vệ sinh lớp học, dụng cụ, đồ chơi của trẻ được thực hiện thường xuyên. Khu vực chế biến thức ăn có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng. Dụng cụ chế biến hay phục vụ ăn uống cho trẻ được vệ sinh sạch sẽ. Cho trẻ ăn theo từng lớp chứ không tập trung tại nhà ăn. Cô giáo hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Khi tổ chức hoạt động cho trẻ, các cô giáo sẽ chia thành nhiều nhóm nhỏ để đảm bảo giãn cách. Mọi hoạt động lễ hội, sự kiện tập trung đông học sinh trong khi dịch Covid-19 còn phức tạp đều hủy”, cô Hà nhấn mạnh.