Cử nhân trẻ “lên đời” nhờ nuôi thỏ

GD&TĐ - Cùng tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng họ quyết định không bám lại thành phố mà cùng nhau về lập nghiệp với mô hình chăn nuôi thỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lê đang chăm sóc những “đứa con” tinh thần trong trang trại của mình
Lê đang chăm sóc những “đứa con” tinh thần trong trang trại của mình

Đôi bạn trẻ Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (cùng 23 tuổi) giờ đây còn trở thành người hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thỏ cho người dân nhiều vùng trong tỉnh Quảng Nam.

Hiện thực hóa ước mơ

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến trang trại có tên Chiến Huy (thôn Đông Tác, xã Bình Nam, Thăng Bình). Đó là một trang trại rộng lớn, được phân bố khoa học, thoáng mát và sạch sẽ.

Dù đang rất bận rộn với việc chăm sóc, giao dịch thỏ cho các lái buôn nhưng hai “trại chủ” Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê vẫn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. 

Cùng học một trường và có chung một ước mơ trở thành kỹ sư chăn nuôi nên mặc dù khác quê nhưng hai bạn cùng nuôi chí tự thân lập nghiệp khi ra trường.

Lê kể:“Mình tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ngân hàng, còn Hiếu tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Thế nhưng, từ giữa năm cuối đại học, tụi mình đã xác định không đi theo chuyên ngành đã được học mà về quê làm… nông dân.

Trước đây, tụi mình đã từng tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi như heo rừng, nhím... nhưng những mô hình đó không phải là thực phẩm xu hướng có thể thay thế được cho các loại thực phẩm phổ biến hiện nay vì giá thành đắt và người dân cũng không mấy mạo hiểm. Cho nên cả hai nhất trí đầu tư vào mô hình nuôi thỏ, vừa ít vốn, xoay vòng nhanh mà ít tốn công sức”.

Tuy nhiên, ngay từ khi nảy sinh ý định nuôi thỏ, họ đã vấp phải sự phản đối từ gia đình và bạn bè. Lê kể: “Lúc đó buồn lắm, nhưng biết làm sao được vì không ai lại ủng hộ một việc làm mà chưa biết có mạng lại hiệu quả hay không. Nhưng đó là ước mơ từ lâu nên tụi mình không từ bỏ”. 

Năn nỉ mãi, cuối cùng 2 bạn cũng được người thân, bạn bè cho vay mượn 200 triệu đồng làm vốn đầu tư ban đầu. Có vốn, họ thuê 2.000m2 đất và bắt tay vào xây dựng trang trại lấy tên là Chiến Huy. Lúc đầu, do chưa tìm được nguồn giống thuần chủng nên thỏ bị thoái hóa, nhiễm bệnh và chết.

Đến lúc này gia đình, bạn bè nhất quyết không cho họ vay mượn thêm vì muốn hai bạn từ bỏ ý định làm nông dân để xin việc làm phù hợp với ngành đã học.

Qua nhiều thất bại từ việc chọn giống, đến kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật làm chuồng trại, Hiếu và Lê cũng tự xây dựng cho mình được những kinh nghiệm đáng quý. 

Mỗi lần thất bại là mỗi lần cả hai rút thêm nhiều kinh nghiệm cho mình. Mặc dù bị gia đình, bè bạn ngăn cản nhưng hình như “nghiệp” chăn nuôi đã gắn với họ như số phận, nên họ lại càng yêu nghề hơn.

Giống thỏ Pháp mà Hiếu đang nghiên cứu nuôi cho lượng thịt nhiều hơn giống thỏ bình thường
 Giống thỏ Pháp mà Hiếu đang nghiên cứu nuôi cho lượng thịt nhiều hơn giống thỏ bình thường

Không ngừng vươn xa

Thành công chỉ thực sự tìm đến khi Hiếu và Lê tiếp cận được với giống thỏ ngoại New Zealand từ Viện Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT).

Riêng Hiếu thì không dấu nổi niềm vui khi nói đến diễn tiến của trang trại lúc này: “Đến lúc này, chúng tôi đã có được thành công ban đầu là cung ứng được giống ra thị trường và thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi”.

“Thỏ là một loài động vật dễ nuôi bởi thức ăn của nó khá đơn giản là rau, cỏ và bột. Hơn nữa hiệu quả kinh tế cũng khá cao bởi một thỏ mẹ mỗi năm đẻ từ 5 – 7 lứa, mỗi lứa 5 – 7 con. 

Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ thường đạt 2,3 – 3 kg và có thể giết thịt nên nuôi thỏ cũng không mất nhiều thời gian. Giá thỏ hiện nay là 70 - 75 nghìn đồng/kg, dịp Tết này nhiều khi còn cao hơn.

Mỗi lần thu hoạch thì thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. Như vậy, nếu chọn mua giống đạt tiêu chuẩn, chăn nuôi đúng kỹ thuật thì lợi nhuận mang về từ nuôi thỏ không phải là nhỏ” - Hiếu quả quyết.

Nuôi thỏ đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm lại càng khó hơn.Vì nhiều người chưa quen với những món ăn chế biến từ thỏ nên Hiếu phải đi khắp các nhà hàng, quán ăn từ Quảng Bình đến Bình Định mời khách dùng thử, có khi phải biếu không để khách hàng làm quen và chỉ dẫn cách làm thịt thỏ.

Họ còn lập một trang web (traithochienhuy.com) để giới thiệu với khách hàng về trang trại, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi thỏ, cách chế biến các món ăn từ thịt thỏ... Để có được các mối tiêu thụ thỏ như hiện nay, Hiếu đã bỏ nhiều công sức giao hàng tận nơi ,có khi còn chấp nhận lỗ vốn vì bạn hàng đặt mua chỉ vài con.

Hiện tại trại thỏ Chiến Huy chủ yếu cung ứng thỏ giống và là trại cung ứng thỏ giống New Zealand thuần chủng duy nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Các trại thỏ vệ tinh là những hợp tác xã, cá nhân mua thỏ giống tại đây đều được Hiếu và Lê tận tình hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. 

Ngoài bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu, bước đầu Hiếu đã tìm được mối tiêu thụ thỏ thịt ở các siêu thị Metro, BigC và dự tính mở rộng liên kết cộng tác với các Hội ngành kinh tế ở miền Bắc và miền Nam.

Vì tạo được uy tín và đảm bảo cho người dân về cả đầu vào lẫn đầu ra nên rất nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đều tin tưởng, phấn khởi thực hiện theo mô hình chăn nuôi và làm đại lý cho Hiếu và Lê.

Hiện nay Hiếu đang tiếp tục mua và nghiên cứu nhiều giống thỏ, trước mắt là giống thỏ Pháp ăn ít,thịt nhiều và chắc, để tìm ra các phương án chăn nuôi phù hợp hiệu quả hơn.

Nói về trại thỏ Chiến Huy, ông Trần Công Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nam - cho biết: “Có thể nói mô hình nuôi thỏ của hai cử nhân Hiếu - Lê đã đạt được kết quả rất khả quan bước đầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đó là tín hiệu đáng mừng. Qua mô hình này chúng tôi cũng sẽ vận động bà con để có thể trở thành mô hình điển hình của địa phương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ