Cú hích từ Nga

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 1/6 tuyên bố việc Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine đã đánh thức NATO sau nhiều năm chia rẽ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước đó, hồi tháng 12/2019 khi cuộc chiến chưa nổ ra, Tổng thống Pháp Macron khi đó từng đưa ra những lời lẽ gay gắt khi cho rằng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Pháp là thành viên đã “bị chết não”. Lý do ông đưa ra những nhận xét gây sốc này là do các thành viên trong khối được cho là đang bị chia rẽ nặng nề.

Nhưng tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu (GLOBSEC) ở Bratislava (Slovakia) năm nay, ông Macron cho rằng NATO đã hoàn toàn thay đổi. Ông khẳng định chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh thức liên minh quân sự này bằng “những cú sốc điện tồi tệ nhất”. Điều ông ám chỉ là cuộc xung đột Nga - Ukraine, bùng phát hồi tháng 2/2022.

Việc các nước thành viên NATO xích lại gần nhau trong việc ủng hộ Ukraine được ông Macron ví như Ukraine “đang bảo vệ châu Âu” và phương Tây sẽ có lợi nếu Kiev nhận được sự đảm bảo an ninh từ NATO.

Người đứng đầu nước Pháp cũng kêu gọi các thành viên NATO khác đưa ra những đảm bảo cho Ukraine trong thời điểm nước này đang trong giai đoạn chờ đợi để gia nhập liên minh quân sự.

Ông cũng kêu gọi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng mọi phương tiện để Kiev thực hiện một cuộc phản công có hiệu quả và đề xuất các quốc gia EU nên mua vũ khí để có khả năng tự phòng thủ, qua đó trở thành một trụ cột trong NATO về lâu dài.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Pháp đã tham gia vào tất cả 10 vòng trừng phạt của phương Tây nhắm vào Moscow. Pháp cũng là quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ tư của Ukraine trong cuộc chiến với Nga, chỉ sau Mỹ, Đức và Anh.

Nước này đã chuyển giao nhiều hệ thống vũ khí cho Kiev, bao gồm pháo tự hành Caesar, tên lửa phòng không Crotale và xe tăng hạng nhẹ AMX-10, đồng thời huấn luyện quân đội Ukraine trên lãnh thổ.

Trong khi đó, với bối cảnh ngày càng khốc liệt trong cuộc xung đột với Nga trên chiến trường, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ngày càng gây sức ép lên NATO để khối quân sự này đẩy nhanh tiến trình kết nạp Kiev.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào cuối tháng 9/2022, khởi đầu tiến trình mà Nga luôn phản đối và coi là lý do để khơi mào cuộc xung đột nhằm ngăn Ukraine gia nhập khối.

Ukraine đang trông chờ vào nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO đối với các thành viên để đảm bảo an ninh của mình. Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, một cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên NATO “sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên”.

Nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine được các quốc gia Bắc Âu, Baltic và Ba Lan tán thành mạnh mẽ, nhưng Mỹ và Đức giữ quan điểm phản đối vào thời điểm hiện tại. Hai nước này đang ưu tiên tập trung vào việc xây dựng khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tháng 5 cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ hiện nay của NATO là hỗ trợ Kiev và ngăn chặn leo thang căng thẳng với Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.