Một tiểu đoàn khác sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao nếu tình hình leo thang hơn nữa.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố động thái trên trong một cuộc họp báo hôm 30/5. Ông nói rằng việc triển khai quân là một phản ứng đối với "các cuộc tấn công" gần đây vào lực lượng của NATO, mà ông cho là "không thể chấp nhận được."
Ông Stoltenberg kêu gọi các quan chức ở Pristina và Belgrade thực hiện "các bước cụ thể" để giảm leo thang tình hình, đồng thời cho biết hai bên nên tham gia vào một cuộc đối thoại do EU làm trung gian.
Các cuộc đụng độ bạo lực giữa người Serb địa phương và Lực lượng Kosovo của NATO (KFOR) nổ ra sau khi KFOR cố gắng giải tán những người biểu tình phản đối lễ nhậm chức của một thị trưởng người Albania ở khu vực có đa số người Serb sinh sống. Sự việc này dẫn đến hàng chục người bị thương ở cả hai bên.
Tình trạng bất ổn xảy ra sau khi người Serb địa phương, từ lâu đã tìm kiếm quyền tự trị ở Kosovo, tẩy chay các cuộc bầu cử do Pristina hậu thuẫn ở một số khu vực thuộc tỉnh ly khai của Serbia. Mặc dù tỷ lệ cử tri đi bầu chưa đến 4%, nhưng chính quyền địa phương đã chấp nhận số phiếu bầu là hợp pháp, thông báo bầu chọn 4 thị trưởng người Albania.
KFOR được thành lập lần đầu tiên vào năm 1999 sau sự can thiệp của NATO vào cuộc xung đột ở Kosovo thay mặt cho người dân tộc Albania và chiến dịch ném bom kéo dài hàng tháng của khối ở Serbia. Lực lượng này bao gồm khoảng 50.000 quân vào thời kỳ đỉnh cao, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 3.700 binh sĩ ngày nay.
Kosovo đã chứng kiến nhiều làn sóng bất ổn kể từ cuộc chiến năm 1999. Năm 2008, chính quyền Albania do phương Tây hậu thuẫn đã đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Belgrade. Động thái này nhanh chóng được Mỹ và nhiều nước phương Tây khác ủng hộ. Nga và Trung Quốc nằm trong số các quốc gia tiếp tục coi Kosovo là một phần của Serbia.