Chặn bạo lực học đường bắt đầu từ đâu?

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường.

Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh hoạ/INT
Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh hoạ/INT

Xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở tình thương

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, chúng ta đang thực hiện Chương trình GDPT 2018, hướng đến nền giáo dục mà ở đó học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long băn khoăn, thời gian qua, bạo lực học đường có biểu hiện đáng lo ngại và ghi nhận không ít sự việc đau lòng xảy ra. Điều đó phần nào nói lên văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía: Gia đình, nhà trường và xã hội.

“Cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, đây là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm thông qua các hoạt động diễn ra trong nhà trường”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, từ những trường hợp này đòi hỏi ngành Giáo dục, địa phương cũng như toàn xã hội cùng nhìn nhận để có giải pháp phối hợp, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Tuy nhiên, trước khi nói đến trách nhiệm của các cá nhân trong mối quan hệ học đường thì từ những sự việc vừa qua đã cho thấy có trách nhiệm không nhỏ của gia đình và xã hội, bởi đó là hành vi vượt tầm kiểm soát của thầy cô, nhà trường và ngành Giáo dục.

Từ nguyên nhân trên, đại biểu đoàn Vĩnh Long đề xuất, Bộ GD&ĐT cần đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục; có khả năng cụ thể hóa thành các mục tiêu và những giá trị mà nhà trường hướng đến.

Ngoài ra, các trường sư phạm cần tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên, nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa. Qua đó, giúp giáo viên nhận diện được những cảm xúc của học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em hằng ngày, hằng giờ.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tổ chức chương trình ngoại khóa thiết thực, nhất là hoạt động đối thoại để học sinh được lắng nghe và chia sẻ quan điểm, cách nhìn về những vấn đề dư luận quan tâm. Đây là hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận giữa thành viên trong nhà trường, cùng hướng đến giá trị văn hóa mà nhà trường đang xây dựng.

Một hoạt động ngoại khóa của Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) nhằm gắn kết học sinh đoàn kết, đẩy lùi bạo lực học đường. Ảnh: NTCC

Một hoạt động ngoại khóa của Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) nhằm gắn kết học sinh đoàn kết, đẩy lùi bạo lực học đường. Ảnh: NTCC

Phân định trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội

Nhấn mạnh đến việc xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhìn nhận, lâu nay trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cũng cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường. Họ cần có thông tin minh bạch để tạo niềm tin, cùng hướng đến các giá trị chung mà con em mình được thụ hưởng.

“Văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng. Những quyết định chưa thoả đáng sẽ kéo đến các chuẩn mực giá trị thay đổi và văn hóa học đường cũng thay đổi theo”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định.

Quan ngại trước tình trạng bạo lực học đường có diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được sự chú ý nhiều hơn. Thực tế này đòi hỏi môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu của các em. Mỗi trẻ đều có năng lực, năng khiếu ở một số bộ môn, lĩnh vực. Môi trường giáo dục cần tạo điều kiện để công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân đó.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cảnh, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm cần xây dựng cơ chế để học sinh có cơ hội được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường. Qua đó, tạo điều kiện để các em thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn và thỏa mãn nhu cầu được công nhận. Không dừng lại ở đó, hoạt động trên còn giúp học sinh có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông. Đây là những kỹ năng mà học sinh, sinh viên đang thiếu.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định cho rằng, cần phân định rõ việc nào thuộc trách nhiệm của gia đình, nhà trường. “Cha mẹ cần tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con; theo dõi, nhắc nhở các trẻ thực hiện những gì thầy, cô giáo đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện”, ông Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

Cho rằng, bạo lực học đường trở thành vấn nạn, bà Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) đồng thời đề cập đến tình trạng trẻ em bị xâm hại cũng ngày càng tăng. Qua báo cáo của các ngành cho thấy, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em năm 2023 tăng so với năm 2022 và chiếm trên 43%. Do vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành cần có chính sách ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.

Ngay trong Tháng Hành động vì trẻ em năm nay, bà Bố Thị Xuân Linh đề nghị các cấp, ngành phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn thực trạng nêu trên. Các chương trình, hoạt động này cần được tổ chức thường niên và tập trung trọng tâm vào Tháng Hành động vì trẻ em.

“Tôi thấy, trẻ em nước ngoài sau khi học thuộc bài hát ABC thì học tiếp bài hát Please, sory, thanh you. Tôi đề nghị, các lớp mầm non cũng nên quan tâm, sau khi dạy trẻ biết chữ cái ABC cần dạy tiếp cách nói: Xin vui lòng, xin lỗi, cảm ơn để trẻ sớm biết cách nói lễ phép, ứng xử văn minh trước khi học bảng cửu chương hay học lập trình vi tính…”, ông Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.