Cụm từ "đắng lòng" dường như ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng mạng. Sau trào lưu "có một sự thích nhẹ" từng "sốt xình xịch" trước đó thì rất nhiều bạn trẻ sử dụng 2 chữ "đắng lòng" trên khắp mọi status facebook hay thậm chí là câu cửa miệng của chính mình.
Thật khó để có thể nói chính xác nguồn gốc của cụm từ này nhưng đa số không ai phủ nhận sức lan tỏa "chóng mặt" của nó trong dạo gần đây.
Trong mỗi bình luận, mỗi câu trạng thái, mỗi tấm hình được đăng tải lên trang facebook thì theo thống kê, cứ 10 người sẽ có 8 người "đính kèm" hai chữ này vào. Hàng loạt ảnh chế cũng ra đời từ đó nhằm phục vụ nhu cầu "giải trí" theo thói quen của một đại bộ phận giới trẻ. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:
Rất nhiều hình ảnh được "chế" lại theo câu "cửa miệng" mới của giới trẻ: "Đắng lòng"
Dường như đứng trước bất kì việc gì, vấn đề nào, các bạn cũng chêm cụm từ này vào
Hai chữ "đắng lòng" được hiện hữu nhiều nhất trong các bình luận trên facebook
Không quan trọng nam hay nữ, già hay trẻ, rất nhiều người sử dụng chúng như một thói quen "mới tạo"
Sau đó, một số đông khác bắt đầu tìm kiếm cách "chữa đắng lòng"
Đồng thời "truy lùng" người "tiên phong" trong việc "lây lan" cụm từ này. Thật ra đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi
Khi một trào lưu mới xuất hiện trên cộng đồng mạng thì thường sẽ có ít nhất hai luồng ý kiến khác nhau: những người đồng tình, ủng hộ; những người không quan tâm và những người "dị ứng" với nó. Với trào lưu "đắng lòng" này cũng thế.
Nhiều bạn trẻ đã tỏ ra không thích thú với xu hướng "đắng lòng". Chẳng hạn như khi được hỏi, bạn Y (sinh viên trường Huflit, TPHCM) thẳng thắn bày tỏ ý kiến: "Mình thật sự không biết lí do tại sao nhiều bạn lại sử dụng hai chữ đó nữa. Mình thấy không có gì hay ho.".
Hay M (sinh viên trường Kiến trúc, TPHCM) cũng tỏ vẻ không thích: "Mình thấy nó không được hay cho lắm, nhất là nhiều lúc đang tâm trạng, viết status cần người động viên thì có nhiều đứa bạn nhảy vào ghi "đắng lòng" rồi chèn hình có chữ đó. Mình thấy hơi bất lịch sự và không hợp hoàn cảnh chút nào."
Thật ra, mỗi người sẽ có một suy nghĩ và cách sống riêng. Bạn không thể điều khiển việc làm của người khác cũng như ngăn cấm sở thích của một ai đó.
Điều đáng lưu ý ở đây là, khi bắt đầu một thói quen mới, hãy để ý đến con người và hoàn cảnh xung quanh. Nếu việc bạn làm hay những lời nói của bạn không mang lại niềm vui cho người khác thì cũng hạn chế để mọi người đừng phàn nàn, khó chịu.
Nhất là trong những lúc bạn bè đang gặp khó khăn hay chuyện không mấy suôn sẻ, vui vẻ thì tuyệt đối đừng giễu cợt hay mang hai chữ "đắng lòng" ra bình luận. Có thể bạn không có ý chê cười nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó.
Mạng xã hội là một nơi để chúng ta giao lưu, kết bạn và mang đến nhiều niềm vui cho nhau. Vì thế, hãy cư xử văn minh với chính hành động và lời nói của bản thân mình, mọi người nhé!